TPHCM:
Viện trợ bị cắt giảm, hệ thống phòng chống AIDS "chao đảo"
(Dân trí) - Là địa phương có số người nhiễm HIV cao nhất cả nước, nhiều năm qua kinh phí cho phòng chống dịch đều dựa vào nguồn viện trợ quốc tế. Nhưng từ năm sau các nguồn viện trợ sẽ bị cắt giảm, hệ thống phòng chống AIDS của thành phố đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Bà Vivian Chao, Điều phối viên Tổ chức PEPFAR - tổ chức viện trợ trên 70% nguồn kinh phí phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam cho biết, đạt mức thu nhập trung bình Việt Nam đã thoát nghèo nên PEPFAR sẽ rút dần viện trợ cho công tác phòng chồng AIDS. “Trong năm 2012, chúng tôi vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ cho Việt Nam bằng mức năm 2011 là 82 triệu USD. Nhưng từ sau năm 2012 PEPFAR sẽ giảm tài trợ ở mức 10-15% mỗi năm”.
Hiện cả nước có trên 200.000 người bị nhiễm HIV trong đó có khoảng 21.000 người cần được điều trị bằng ARV (thuốc kháng HIV), mỗi năm Việt Nam lại phát hiện thêm gần 5.000 ca nhiễm HIV mới. Với gần 50.000 người nhiễm HIV, TPHCM hiện là địa phương có tỷ lệ người nhiễm cao nhất trong cả nước (chiếm 1/4 tổng số người nhiễm HIV trong toàn quốc).
ThS.Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS. Đây là vấn đề Cục rất lo ngại cho hệ thống phòng chống HIV/AIDS trên cả nước đặc biệt là tại TPHCM khi các đơn vị tài trợ đã chính thức thông báo sẽ cắt giảm nguồn viện trợ rất nhanh trong giai đoạn tới. Với hàng loạt các chương trình về điều trị, dự phòng, dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, TPHCM sẽ là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong tình hình mới.
Thời gian qua nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và ngân sách từ các tổ chức công tác phòng chống HIV mới đạt được kết quả ban đầu, chiều hướng dịch có xu hướng giảm mạnh. Những năm 2006-2007 số lượng người nhiễm HIV được phát hiện mỗi năm tại TPHCM chiếm đến 34% số người nhiễm HIV toàn quốc nay chỉ còn 12% vào cuối năm 2011 đầu năm 2012.
Tuy nhiên nguy cơ dịch lây lan rộng vẫn đang là mối đe dọa rất lớn. Tại TPHCM có tới 40% người nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy (tỷ lệ này chỉ đứng sau Điện Biên); tỷ lệ phụ nữ bán dâm là 4,5%, cao thứ 5 trong toàn quốc; tỷ lệ MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) là 14% cao nhất toàn quốc.
Theo báo cáo của TPHCM thì trên 50% người bị nhiễm HIV mới con đường lây nhiễm chính là lây qua đường tình dục. Tỷ lệ gái bán dâm sử dụng thường xuyên bao cao su chỉ đạt 75% và với nhóm MSM mới chỉ đạt 41%. Tình trang sử dụng ma túy tổng hợp là một mối nguy mới của đại dịch AIDS. Nhóm đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp thường có quan hệ tình dục bừa bãi theo kiểu quần hôn, chỉ cần một người mang bệnh thì cả nhóm sẽ bị lây nhiễm. Đó là hình thái làm thay đổi cán cân của con đường lây truyền căn bệnh thế kỷ trên địa bàn thành phố. Nhưng nó cũng cho thấy công tác dự phòng hiện nay có phần sai hướng không mang lại kết quả như mong đợi.
Hiện TPHCM là địa phương nhận được ngồn viện trợ từ các tổ chức và ngân sách nhà nước cho chương trình phòng chống AIDS cao nhất cả nước và là trụ cột cho rất nhiều tỉnh thành lân cận trong công tác phòng và điều trị HIV/AIDS. Thời gian tới khi các nhà tài trợ cắt giảm ngân sách, TPHCM khó có thể đứng vững và cáng đáng được việc điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn của mình và các tỉnh lân cận.
Người nhiễm cao nhất cả nước nhưng lượng cán bộ cho công tác phòng chống thuộc diện biên chế chỉ tính trên đầu ngón tay (35 người), số còn lại (trên 70 người) hoạt động nhờ các ngồn viện trợ quốc tế trả lương. Điều đó đồng nghĩa với việc khi viện trợ quốc tế bị cắt giảm thì những người đang tích cực phục vụ cho công tác phòng chống AIDS hoặc sẽ nghỉ việc hoặc sẽ làm việc không công.
“Nếu không chuyển giao kịp các cán bộ đang hoạt động trong lĩnh vực này vào biên chế, chúng tôi rất lo ngại chương trình sẽ không thể duy trì. Tuy nhiên, đồng lương cho công tác phòng chống dịch do chính phủ chi trả hiện nay còn quá thấp, nếu không có sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế chúng tôi rất lo ngại rằng nguồn lực của công tác phòng chống HIV hiện tại sẽ bỏ việc khi đó chương trình chắc chắn sẽ sụp đổ.” Bà Thu Hương bày tỏ lo lắng.
Trước tình hình trên TPHCM đang tính đến các giải pháp như xin tăng ngân sách chính phủ cho công tác phòng chống AIDS mỗi năm; áp dụng bảo hiểm y tế; thực hiện cho trả và đồng chi trả của người sử dụng dịch vụ; huy động các nguồn lực xã hội… Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế thì các giải pháp “nghèo nàn” trên khó có thể duy trì được những thành quả đã được gây dựng nên từ nguồn viện trợ “kếch xù” của các tổ chức quốc tế.
Vân Sơn