Nghệ An:

Viện phí mới: Giảm gánh nặng cho bệnh viện, tăng nỗi lo cho bệnh nhân

(Dân trí) - Với khung giá viện phí mới, các bệnh viện công tại Nghệ An có thêm điều kiện để mua sắm thiết bị, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thế nhưng, giá viện phí mới cũng khiến gánh nặng đè lên vai những người bệnh ngày càng nhiều thêm.

Các bệnh viện công tại Nghệ An đã áp dụng đơn giá dịch vụ khám, chữa bệnh từ ngày 13/10
Các bệnh viện công tại Nghệ An đã áp dụng đơn giá dịch vụ khám, chữa bệnh từ ngày 13/10

Quyết định số 72/2012/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An về việc quy định đơn giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/10. Trong quyết định này có 1.155/2.545 danh mục dịch vụ kỹ thuật tại các bệnh viện công lập tuyến tỉnh và trạm y tế cấp xã, phường được điều chỉnh giá.
 
Bệnh viện bớt gánh nặng

Ngay khi Quyết định 72 có hiệu lực, nhiều bệnh viện đã niêm yết công khai giá của các dịch vụ y tế để người bệnh tiện theo dõi. ông Nguyễn Quang Sáu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh cho biết: “Với việc tăng giá dịch vụ y tế này, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Hiện tại, trung bình mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh khám cho gần 500 đối tượng BHYT và 100 bệnh nhân viện phí và điều trị cho 400 - 450 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân viện phí chỉ khoảng 50 người. Với khung giá mới thì đối với bệnh viện tuyến huyện như chúng tôi, nguồn thu tăng không đáng kể vì chủ yếu chỉ tăng tiền giường và tiền khám”.

Ông Phạm Văn Diệu - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Nghệ An cho biết: “Điều thuận lợi nhất là tất cả giá các dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh đã được quy định trong một Quyết định 72 chứ không như trước đây quy định tại nhiều quyết định. Trước mắt, chúng tôi tiến hành cải tạo cơ sở vật chất, nới rộng phòng ốc, tăng thêm các buồng điều trị. Đến thời điểm này đã triển khai được 454 giường bệnh /kế hoạch 300 giường (tăng thêm 154 giường nhưng vẫn đảm bảo mỗi phòng 4 giường) để giảm tải và giảm tình trạng bệnh nhân nằm ghép.

Với mức thu mới, các bệnh viện có điều kiện để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh
Với mức thu mới, các bệnh viện có điều kiện để cải thiện chất lượng khám chữa bệnh

Chúng tôi cũng cải tạo, nới rộng khu khám bệnh, lắp đặt thêm ghế cho bệnh nhân ngồi chờ. Trong 11 buồng khám đều được lắp đặt máy điều hòa 2 chiều. Bắt đầu từ 0 giờ ngày 13/10, chúng tôi bắt đầu áp dụng mức viện phí mới”.

ông Nguyễn Xuân Loan - Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh Nghệ An) cho biết: “Trong mấy ngày đầu thực hiện viện phí mới, chúng tôi đã đi kiểm tra tại một số bệnh viện như: Đa khoa tỉnh, Ung bướu, Nhi, Nội tiết, Mắt... Nhìn chung các bệnh viện rất phấn khởi khi áp dụng viện phí mới. Một số bệnh viện đang tiếp tục hoàn chỉnh các công đoạn như mua sắm, bố trí, sắp xếp kê thêm giường bệnh, buồng bệnh...

Hiện các bệnh viện cũng đã công khai giá viện phí mới, song một số bệnh viện mới thông báo ở mức độ nhỏ, chưa in thành các biển bảng lớn hoặc bảng điện tử. Trong thực hiện viện phí mới cũng có 1 số vướng mắc như cách điền biểu mẫu đối với bệnh nhân nằm các loại giường bệnh khác nhau trong một khoa, giường kê ngoài hành lang và kê ở dưới rạp như ở Bệnh viên Ung bướu thì thanh toán như thế nào...”.

Bệnh nhân tăng nỗi lo

Trong khi các bệnh viện có thêm nguồn kinh phí hoạt động thì những người bệnh, đặc biệt là đối tượng không có BHYT và những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn lại lo lắng trước mức giá viện phí mới. Anh Hồ Văn Sỹ (trú tại xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu), người nhà bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa 115 phải đóng 18 triệu đồng tạm ứng cho con trai Hồ Văn Phương nhập viện vì bị gãy xương đùi vào ngày 14/10 vừa qua, trong khi cũng bệnh này trước đây chỉ phải đóng 10-12 triệu đồng.

Anh Sỹ nói: “Nhà tôi không ai có thẻ BHYT. Với mức viện phí cũ, mỗi lần tới bệnh viện là một lần chạy đôn chạy đáo để có tiền nộp. Giờ viện phí có những mục tăng gấp đôi, gấp ba lần mức giá cũ, quả thật đi viện là nỗi lo đối với cả gia đình”.

Áp dụng viện phí mới, hàng ngàn bệnh nhân không có bảo hiểm khốn đốn hơn
Áp dụng viện phí mới, hàng ngàn bệnh nhân không có bảo hiểm khốn đốn hơn

Tại khu vực làm thủ tục khám bệnh của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, anh Trần Đình Quyết (quê ở xã Yên Hợp, huyện Quỳ Hợp) cho biết: “Tuần trước tôi xuống đây điều trị bệnh chỉ đóng số tiền tạm ứng chưa đầy 500 nghìn đồng. Nhưng hôm nay tới thì phải đóng tạm ứng 700 nghìn đồng. Họ bảo là viện phí tăng nên thu tạm ứng tăng. Nhìn vào bảng giá viện phí và dịch vụ y tế mới được niêm yết tại quầy đóng viện phí mà hoa hết cả mắt. Công việc bấp bênh, ruộng nương thì ngày một thu hẹp mà viện phí cứ tăng như ri thì người bệnh như chúng tôi có khi chẳng còn dám đến bệnh viện…”.

Ông Phan Hồng Thao (69 tuổi) ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu) nói: “Tôi là đối tượng cùng chi trả 5% viện phí, khi còn áp dụng viện phí cũ, gia đình tôi cũng đã rất tốn kém. Nay thực hiện viện phí mới, gia đình sẽ phải chắt chiu tiền lương hưu của tôi để chữa bệnh. Tuy vậy, tôi thấy áp dụng viện phí mới, đối tượng chịu tác động lớn nhất và khổ nhất vẫn là những người không có thẻ BHYT và nông dân.

Ông bạn tôi là nông dân, không có thẻ BHYT, bị bệnh ung thư phổi và vòm họng than với tôi rằng: “Không đi viện thì chết, mà đi thì hết”. Bệnh ung thư mà không đến bệnh viện điều trị thì chắc không thoát khỏi cái chết. Còn đến viện điều trị thì rất tốn kém. Một đợt xạ trị có tổng viện phí hơn 20 triệu đồng. Gia đình bạn tôi đã bán lúa, vay mượn thêm để chi trả viện phí nhưng mới chỉ đến bệnh viện này điều trị 1 lần, nay chưa thấy quay lại”.

Giá khám, chữa bệnh tăng, người bệnh càng khốn khó hơn bội phần
Giá khám, chữa bệnh tăng, người bệnh càng khốn khó hơn bội phần

Kể cả người có thẻ BHYT hộ nghèo như bệnh nhân Hoàng Như Ngọc (sinh năm 1995) ở xóm 12, xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ cũng chịu tác động không nhỏ. Ngọc bị bệnh hạch cổ Ulinpho Noohockin từ năm 2011, đã vào chuyền hóa chất ở Bệnh viện Ung bướu 7 lần. Mỗi lần điều trị như vậy em phải trả tiền viện phí hơn 1 triệu đồng cộng với hơn 1 triệu đồng chi phí đi lại, ăn ở. Nhà nghèo, bố mẹ đã phải bán đi “đầu cơ nghiệp” của gia đình lấy 20 triệu đồng chi phí cho con đi chữa bệnh nhưng nay tiền cũng đã cạn. Bệnh nặng, tiền ít, bốn năm nay, Ngọc phải tự đi viện một mình để giảm bớt gánh nặng cho gia đình.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, vợ bệnh nhân Nguyễn Xuân Hòa ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn khóc: “Chồng tôi bị ung thư thực quản, đã đi khám chữa bệnh ở 4 bệnh viện trong tỉnh rồi ra bệnh viện Hà Nội điều trị. Do chưa có thẻ BHYT nên tổng viện phí và chi phí đi lại, ăn ở đã hết gần 100 triệu đồng. Từ tháng 10 năm nay anh ấy mới có thẻ BHYT hộ nghèo, song viện phí đối với chúng tôi vẫn là một gánh nặng, bán một mùa lúa không đủ đi viện một đợt. Ngoài 4 triệu đồng nạp cho bệnh viện, chúng tôi còn phải chi phí đi lại, ăn ở. Nay viện phí mới với nhiều khoản tăng, tôi đang tính bán vườn để trang trải chi phí điều trị cho anh ấy”.

Quang Anh