Viêm xoang ở trẻ có thể gây mù mắt

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - “Viêm xoang trẻ em ngày càng phổ biến và khi mãn tính nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm”, PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ cho biết.</P>

Dễ nhầm lẫn

 

Theo BS Dinh, việc chẩn đoán viêm xoang ở trẻ gặp nhiều khó khăn, do các biểu hiện không điển hình và nguyên nhân khá phức tạp. Hơn nữa, những dấu hiệu của bệnh viêm xoang không khác nhiều so với các bệnh về đường hô hấp. Trong khi đó, mỗi năm, trẻ thường bị viêm đường hô hấp từ 6 -7 lần/năm. Do đó, việc phân biệt được viêm xoang ở trẻ với một nhiễm khuẩn đường hô hấp là không dễ.

 

Biểu hiện của bệnh viêm xoang của trẻ cũng tương tự như những bệnh lý về đường hô hấp khác: ho, hơi thở hôi, trẻ ốm yếu, kém hiếu động, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi... Do vậy, khi thấy trẻ có dấu hiệu đau đầu, ngạt tắc mũi ... cha mẹ không nên chủ quan, mà cần đưa trẻ tới bác sĩ.

 

Đặc biệt, khi trẻ có những dấu hiệu trên kèm theo các biểu hiện về mắt như sưng mắt, đau hốc mắt và giảm thị lực thì nên đi khám ngay. Nếu mắt mờ đi, có thể đã bị áp xe hốc mắt phải cấp cứu ngay.

 

Qua theo dõi gần 200 bệnh nhi từ 2-16 tuổi nhập viện, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương (BVTMHTƯ) từ năm 2004 - 2006 với chẩn đoán là viêm xoang mạn tính có triệu chứng lâm sàng là: 54% trẻ đau đầu; 78,2% ngạt tắc mũi, chảy nước mũi 88,6%, hắt hơi 81,9% và ho 82,2%...

 

Biến chứng nguy hiểm

 

Theo số liệu điều tra tại BVTMHTƯ, tỷ lệ viêm xoang ở trẻ chiếm 1,7%. Bệnh này nguy hiểm ở chỗ nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm đặc biệt biến chứng ở mắt, nhẹ là viêm thần kinh thị giác, nặng hơn là mù, thậm chí gây áp xe não.

 

"Nguy cơ biến chứng mắt chiếm tỷ lệ 75 - 85% trong số các biến chứng do bệnh lý xoang mặt gây nên", PGS Nguyễn Thị Ngọc Dinh cho biết.

 

Qua nghiên cứu ở 181 trẻ em nhập viện điều trị viêm xoang ở BV, các chuyên gia nhận thấy, tỷ lệ biến chứng mắt do viêm xoang ở trẻ là trên 2,7% bệnh nhi với triệu chứng lâm sàng tắc mũi, chảy mũi, hắt hơi, ho và sưng mắt có thị lực giảm. Số em bị viêm mắt là 40%, viêm thị thần kinh sau nhãn cầu là 60%.

 

BS Dinh cảnh báo, trẻ bị viêm xoang dễ bị biến chứng về mắt hơn người lớn khi bị viêm xoang là do cấu trúc xương ở trẻ em xốp hơn người lớn, các lỗ mạch máu nhiều hơn, tần suất nhiễm khuẩn đường hô hấp cũng nhiều hơn, gây phù nề niêm mạc xoang dẫn tới bít tắc các lỗ thông tự nhiên, tình trạng thiếu oxy xuất hiện dẫn tới phù nề lại càng tăng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.

 

Hơn nữa, các lỗ thông tự nhiên ở mũi trẻ em thường rộng hơn người lớn, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm khuẩn từ mũi vào xoang nhanh hơn ở người lớn.

 

Khi trẻ bị viêm xoang, kèm theo các biểu hiện thâm quầng ở quanh ổ mắt, hốc mắt bị sưng, giảm thị lực, hãy thận trọng vì trẻ đã bị biến chứng vùng mắt.

 

Phòng bệnh viêm xoang

 

Theo PGS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, để phòng viêm xoang, cha mẹ cần phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho trẻ bằng việc mặc ấm cho trẻ vào ngày lạnh, cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, tránh bụi, khói, đặc biệt khói thuốc lá.

 

Trẻ cần có chế độ dinh dưỡng khoa học, tăng cường trái cây, rau xanh và tập luyện thể dục để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

 

Khi trẻ bị viêm xoang, nếu được dùng kháng sinh sớm và hợp lý, biến chứng của viêm xoang giảm đi nhiều. Trẻ phải điều trị kháng sinh theo sự chỉ dẫn chặt chẽ của bác sĩ, không nên tuỳ tiện để tránh gây những biến chứng nguy hiểm.

 

BS Dinh cũng lưu ý các bà mẹ cần chú trọng chăm sóc sức khoẻ tốt cho trẻ, vì trong thời gian gần đây, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em có tần suất ngày càng tăng và có khuynh hướng phát triển thành bệnh viêm xoang mạn tính. Nếu trẻ có sức đề kháng yếu, dễ bị bệnh về đường hô hấp, khi đó, nguy cơ bị viêm xoang càng cao.

 

Hồng Hải