Viêm phổi vì… rượu

(Dân trí) - Nhiều bệnh nhân uống rượu say, khi nằm ngủ quên đắp chăn ấm, ngủ ở chỗ lạnh. Sau khi tỉnh dậy thì ho, sốt, viêm phổi. Các chuyên gia đưa ra lời cảnh báo, khi mà dự báo năm nay, miền Bắc sẽ đón 9 ngày Tết trong mưa rét.

Nhiễm lạnh vì say rượu

BS Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Cấp cứu (BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, trong những ca viêm phổi người lớn phải nằm viện, có nhiều thanh niên trai tráng khỏe khoắn bị viêm phổi chỉ sau một bữa nhậu.
 
Viêm phổi vì… rượu
Uống rượu ngày Tết chỉ nên uống vui, không nên uống quá nhiều để phòng tránh một loạt hệ lụy gây ra từ rượu.

“Thông thường, khi uống rượu vào, cơ thể rất nóng nên khi người say rượu ngủ, thường không ai chịu đắp chăn bởi khó chịu, nóng bức. Nhưng vì có rượu vào, họ ngủ thiếp đi, cơ thể khi ngủ thân nhiệt bắt đầu hạ xuống, không được đắp ấm nên dễ bị viêm phổi”, BS Cấp nói.

Tại khoa Cấp cứu từng điều trị cho trường hợp là thanh niên nhìn rất khỏe khoắn. Sau một buổi đi nhậu với bạn, về phòng trọ ngủ thiếp đi, không có chăn ấm. Sáng ra tỉnh rượu thì người nóng hừng hực, cổ khô rát, ho kèm theo tức ngực, khó thở và đã phải nhập viện điều trị vì viêm phổi nặng do nhiễm lạnh.
 
Bình thường ở trẻ nhỏ hay người già, viêm phổi thường xảy ra khi việc điều trị viêm đường hô hấp trên không hiệu quả, bệnh dần tiến triển gây viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi với biểu hiện ho nặng tiếng tăng dần. Nhưng ở người lớn, đặc biệt là thanh niên thường rất chủ quan, nghĩ là ho thông thường, nhiều người thấy tức ngực, khó thở cũng chỉ nghĩ do ho nhiều tức ngực, không lường được nguy cơ mình bị viêm phổi nên không đi khám. Chỉ đến khi thở không được, ho liên tục mới vào viện khám thì đã bị viêm phổi rất nặng, bắt buộc phải nhập viện điều trị.

Vì thế, trong những ngày Tết, đặc biệt năm nay dự báo 9 ngày Tết đều mưa rét, mọi người cần rất cẩn trọng khi uống rượu. Người nhà cũng cần để ý đến người thân khi bị say rượu. Khi ngủ say cần đắp chăn để phòng ngừa nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi. Tốt nhất cần hạn chế rượu bia, tránh những tai nạn đáng tiếc do rượu bia gây ra.

Phòng ngộ độc, tai nạn thương tích do rượu

Theo BS Nguyễn Đàm Chính, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai), chúc nhau ly rượu ngày Xuân là phong tục, thói quen không thể thiếu mỗi dịp Tết đến xuân về. Khác với thói quen uống trong dịp Tết dương lịch, khi bạn bè tụ tập tất niên, uống lượng nhiều dễ gây ngộ độc rượu câp. Còn trong dịp Tết âm lịch, uống lai rai hơn, trên đường đi chúc Tết họ hàng, người thân. Vì thế, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông khi di chuyển trên đường.

Ngoài ra, việc uống nhiều loại rượu khác nhau, khi thì rượu ngoại, khi thì “quốc lủi”, lúc thì lon bia… cũng dễ gây ngộ độc, gây ảnh hưởng dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa. Ngộ độc rượu quá nặng có nguy cơ bị tiêu cơ vân, khiến các cơ vỡ ra, gây tắc thận, suy thận. Những trường hợp này không điều trị có nguy cơ tử vong, mang di chứng suy thận, đang từ người thanh niên khỏe mạnh, vì rượu bị suy thận, hàng ngày phải chạy thận. Có thể giữ được tính mạng nhưng lại mang di chứng suốt đời.

Không chỉ trong ngày Tết mà nhiều người quan niệm “Tháng giêng là tháng ăn chơi”, các cuộc liên hoan sẽ còn tiếp diễn và thường có kèm bia, rượu. Ngoài giữ chừng mực để không uống quá nhiều rượu, mọi người cũng cần cẩn trọng không sử dụng những loại rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ để phòng ngừa nguy cơ uống phải rượu pha với cồn công nghiệp, gây ngộ độc rất nguy hiểm.

Khi đã ngà ngà say, bắt đầu bị kích thích với biểu hiện nói nhiều, hưng phấn không nên ép nhau uống tiếp để ngày Tết không trở nên bi kịch nếu không may gặp tai nạn giao thông trên đường đi, không may bị ngộ độc rượu. Thấy người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi thì nên đưa bệnh nhân tới bệnh viện. Trong trường hợp nhẹ hơn, người nhà vẫn cần lưu ý “để mắt” 10 - 15 phút lay gọi một lần, tránh tình trạng ly bì. Để mắt đắp chăn cho người say rượu để phòng nguy cơ nhiễm lạnh.

Hồng Hải