Viêm não Nhật Bản “tấn công” người lớn, trẻ nhỏ khắp 2 miền Bắc Nam

(Dân trí) - Ghi nhận tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, TPHCM cho thấy khu vực phía Bắc đang là điểm nóng của bệnh viêm não. Trong khi đó, nguy cơ bệnh gia tăng tại thành phố và các tỉnh thành phía Nam trong thời gian tới đang ở mức cao.

Bệnh nhân H.Y vẫn hôn mê trên giường bệnh, thở máy vì bị viêm não Nhật Bản. Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân H.Y vẫn hôn mê trên giường bệnh, thở máy vì bị viêm não Nhật Bản (Ảnh: H.Hải)

 

Viêm não ở người lớn: Đáng ngại!

 

ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, khoa đang tiếp nhận điều trị 3 trường hợp đều là nữ giới, tuổi 19, 20 vì viêm não. Trong đó, hai trường hợp đã được khẳng định dương tính với vi rút VNNB.

 

Cụ thể, bệnh nhân Nguyễn H.Y (20 tuổi, Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội) được gia đình đưa vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 28/6, trong tình trạng đờ đẫn không tiếp xúc, yếu và liệt chân tay. Bệnh nhân sốt cao, có những cơn co giật sau đó hôn mê sâu dần, bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản, thở máy.

 

Trước thời điểm vào viện 3 ngày bệnh nhân sốt cao, rét run và sau đó xuất hiện tình trạng rối loạn ý thức, lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ, yếu nửa người bên phải. Hiện bệnh nhân vẫn hôn mê sâu đang phải thở máy. Kết quả xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân mắc VNNB.
 

Trường hợp thứ hai cũng là bệnh nhân nữ Chu Thị T (18 tuổi, ở Vật Lại, Ba Vì, Hà Nội), vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm 17/6. 4 ngày trước khi vào viện bệnh nhân có tình trạng đau đầu, sau một ngày xuất hiện sốt cao 40 độ, có cơn rét run, buồn nôn và nôn. Vào bệnh viện Ba Vì chẩn đoán viêm não chuyển lên BV Nhiệt đới Trung ương.

 

“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chậm chạp, lơ mơ, sốt cao liên tục. Có yếu cả hai bên chân tay. Yếu cơ tăng dần, trở thành liệt toàn bộ chân tay và đến ngày thứ 6 thì liệt cơ hô hấp, bệnh nhân không tự thở được, phải vào thở máy”, BS Cấp cho biết.

Một điều đáng ngại là hình ảnh chụp phim MRI của 2 cả 2 bệnh nhân cho thấy tình trạng tổn thương lan tỏa cả vùng não, tủy sống, tiên lượng nặng. Bệnh nhân điều trị theo hướng viêm não, kết quả xét nghiệm khẳng định viêm não Nhật Bản dương tính.

 

Bệnh nhân Chu Thị T tuy đã bỏ được máy thở nhưng cơ chân tay vẫn còn liệt, có thể hồi phục nhưng vẫn có thể có di chứng, nguy hiểm nhất là di chứng thần kinh. Đến nay đã nằm viện 16 ngày nhưng tay chân của bệnh nhân vẫn rất yếu, gần như không thể cử động.

 

Ca thứ 3 là một bệnh nhân nữ 19 tuổi (Ứng Hòa, Hà Nội) với những biểu hiện tương tự. Sau đau đầu là sốt và hôn mê. Hiện bệnh nhân này đang chờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán có mắc VNNB hay không.

 

Theo BS Cấp, VNNB ở người lớn vốn hiếm gặp. Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thỉnh thoảng có gặp ca bệnh. Năm nay, vừa đầu mùa đã ghi nhận 2 ca, tuy chưa đủ để kết luận bất thường, nhưng là yếu tố lo ngại.

 

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), đến ngày 30/6 bệnh viện đã tiếp nhận 46 ca viêm não Nhật Bản tại 18 tỉnh, thành khu vực miền Bắc. Trong đó Hà Nội chiếm nhiều nhất với 15 trường hợp, 01 trường hợp tử vong; Hải Dương (5 trường hợp), các tỉnh khác ghi nhận từ 1-3 trường hợp. Kết quả điều tra cho thấy số trường hợp mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 15 tuổi chiếm 84,8% trong đó trẻ dưới 1 tuổi chiếm 15,2%.

 
Bệnh nhân viêm não thường phải thở máy, thời gian điều trị kéo dài
Bệnh nhân viêm não thường phải thở máy, thời gian điều trị kéo dài (Ảnh: Vân Sơn)

“Cả núi tiền cũng… khó cứu”

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TPHCM có 34 trẻ bị viêm não. BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM cho rằng, đây là điều may mắn của thành phố bởi số ca mắc đã giảm 21 trường hợp so với cùng kỳ năm 2013.

 

Tuy nhiên, BS Nguyễn Trí Dũng cũng bày tỏ quan ngại khi khu vực phía Bắc đang là điểm nóng của bệnh viêm não, nguy cơ bệnh gia tăng tại thành phố và các tỉnh thành phía Nam trong thời gian tới đang ở mức cao.

 

Cụ thể, tại bệnh viện Nhi đồng 2, BS Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết: Ngày 3/7 tại khoa Nhiễm đang điều trị nội trú cho 10 bệnh nhi bị viêm não, trong đó có hai trường hợp được xác định viêm não Nhật Bản sau khi có kết quả xét nghiệm dịch não tủy.

 

Trong đó, đáng chú ý là trường hợp của bé N.L.P. (ngụ tại Đồng Nai). Sáng 1/7 bé còn chơi vui vẻ thì đầu giờ chiều cháu lên cơn sốt cao, kèm theo nôn ói, co gồng cứng người. Sau khi đến bệnh viện địa phương cấp cứu, cháu được chuyển thẳng lên bệnh viện Nhi Đồng 2, qua thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm ban đầu bé được chẩn đoán mắc viêm não. Dịch não tủy của bệnh nhi đang được lưu mẫu phân tích để xác định cụ thể chủng vi-rút gây bệnh.

 

Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, tình trạng tương tự cũng đang xảy ra. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm xác nhận: “Trong số 9 bệnh nhi bị viêm não điều trị tại đây, có 2 bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. Các trường hợp bị viêm não Nhật Bản đều từ tỉnh thành lân cận chuyển lên, từ đầu năm đến nay bệnh viện chưa tiếp nhận ca viêm não Nhật Bản nào sinh sống tại TPHCM”.

 
Chích ngừa là phương pháp hiệu quả để phòng viêm não Nhật Bản
Chích ngừa là phương pháp hiệu quả để phòng viêm não Nhật Bản (Ảnh: Vân Sơn)
 
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, VN NB thường  thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%. VNNB không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ hồi sức, duy trì đợi bệnh nhân tự hồi phục nên tỉ lệ tử vong cao, nếu khỏi tỉ lệ di chứng cũng cao hơn. Nhưng điều may mắn căn bệnh nguy hiểm này lại có vắc xin phòng bệnh, vì thế, việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em theo đúng lịch, người lớn ở những vùng nguy cơ cao là rất cần thiết.

 

Phân tích của BS Đỗ Châu Việt cho thấy: “Chỉ bỏ ra một khoản tiền rất nhỏ để chủng ngừa sẽ giúp trẻ tránh được bệnh viêm não. Nhưng khi trẻ đã mắc bệnh thì chi phí điều trị rất lớn, nhiều trường hợp có cả núi tiền cũng khó cứu được”.

 

BS Cấp cũng khuyến cáo, ở thời điểm này đã bắt đầu vào “mùa” bệnh viêm não, viêm màng não do vi rút, vi khuẩn nói chung, vì thế bất cứ trường hợp nào sốt, đau đầu nhiều, nôn, buồn nôn, rối loạn tri giác cần đến bệnh viện ngay để kịp thời chẩn đoán, điều trị giảm thiểu tối đa những di chứng do viêm não gây ra.

 

Hồng Hải - Vân Sơn