Viêm khớp dạng thấp, không thể chủ quan!

(Dân trí) - Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính và bị tác động nhiều bởi yếu tố thời tiết. Vào mùa đông - xuân, thời tiết lạnh và ẩm làm cho bệnh trầm trọng hơn, đặc biệt những hôm trời có mưa phùn, các khớp dễ bị sưng tấy, đau đớn.

Triệu chứng của bệnh

 

Là bệnh khớp mãn tính kéo dài trong nhiều năm và có thể gây những di chứng nặng nề như: dính, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm 0,3% - 0,5% dân số, trong đó 80% là nữ giới ở độ tuổi từ 30 trở lên.

 

Người bị viêm khớp dạng thấp có triệu chứng điển hình nhất là viêm nhiều khớp, không chỉ khớp tay, chân mà còn viêm nhiều khớp khác trên cơ thể và diễn biến kéo dài. Các khớp viêm bị sưng, nóng, đỏ, đau, khó cử động khớp.

 

Đặc biệt vào buổi sáng khi mới ngủ dậy, khớp bị cứng khiến người bệnh rất khó cử động và tình trạng này có thể kéo dài hàng giờ. Kèm theo các triệu chứng tại khớp là triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút.

 

Viêm khớp dạng thấp diễn biến từng đợt, ở giai đoạn đầu, nếu được phát hiện sớm và chữa trị tích cực, đúng cách, bệnh có thể diễn biến tốt. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, xuất hiện tổn thương ở sụn khớp và đầu xương, người bệnh có nguy cơ bị biến dạng khớp, dính khớp, cứng khớp và mất khả năng vận động của khớp.

 

Trời lạnh, ẩm làm bệnh nặng hơn

 

GS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam cảnh báo, những người bị viêm khớp dạng thấp tuyệt đối không được ra ngoài khi trời lạnh kèm theo mưa phùn. Bởi những lúc trời lạnh, độ ẩm cao thì tình trạng bệnh càng nặng hơn, người bệnh bị sốt cao, sưng các khớp.

 

Trong tình huống bắt buộc phải đi ra ngoài, phải đi tất ấm và dùng áo đi mưa để tránh bị nước mưa dính vào người. Khi về nhà, nếu quần áo bị ẩm, cần thay ngay và lau khô người, chân tay.

 

Người bị viêm khớp dạng thấp phải được điều trị sớm để tránh tình trạng bị dính, biến dạng khớp dẫn đến tàn phế. Có rất nhiều loại thuốc trị bệnh trên thị trường, nhưng người bệnh không được tự ý dùng thuốc vì có thể có những tác dụng phụ của thuốc. Đặc biệt, những thuốc điều trị về thấp khớp rất gây ảnh hưởng đến dạ dày.

 

Người bệnh cũng nên phối hợp dùng thuốc và luyện tập, xoa bóp để khớp được vận động linh hoạt. Nhưng tuyệt đối không được tập quá cường độ, tác động mạnh đến khớp để tránh nguy cơ gây thoái hoá khớp do khớp đã có những tổn thương.

 

Hồng Hải