Viêm họng trẻ em khi nào gây hoạ “khớp đớp tim”?

(Dân trí) - "Khớp đớp tim" thường khởi nguồn từ viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A gây nên. Việc nhận biết sớm dấu hiệu để điều trị rất quan trọng, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến tim mạch.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, vào những ngày Hà Nội sáng lạnh, trưa nắng ấm do chuyển mùa như hiện nay, tình trạng trẻ em bị viêm đau họng rất phổ biến.

Chỉ sau một đêm ngủ dậy, trẻ có thể kêu nuốt đau, rát, đau họng, do nhiễm virus, vi khuẩn, do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra...

"Tuy nhiên, trong các nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ em, gần 80% là do virus gây ra. Điều này có nghĩa trẻ sẽ không cần một can thiệp gì quá đặc biệt, mà bệnh thường tự khỏi nếu sức đề kháng của trẻ tốt. Lúc này, việc điều trị chỉ mang tính điều trị triệu chứng, như dùng thuốc ho, thuốc giảm phù nề vùng họng, chăm sóc sinh dưỡng tốt, trẻ sẽ tự khỏi bệnh sau vài ngày", PGS Dũng cho biết.

Viêm họng trẻ em khi nào gây hoạ “khớp đớp tim”? - 1

Còn lại, khoảng 20-30% ca viêm họng là do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A. Với tính chất là vi khuẩn, những trẻ viêm họng do vi khuẩn này gây ra sẽ cần được chỉ định dùng kháng sinh đúng loại, đúng liều để tiêu diệt vi khuẩn.

"Người ta hay nói đến "khớp đớp tim" do viêm họng gây ra, cụ thể là vi khuẩn liên cầu khuẩn nhóm A. Tuy nhiên, biến chứng này chỉ xảy ra khi việc điều trị viêm họng do nhiễm liên cầu này không được triệt để, từ đó, chỉ bắt đầu từ viêm họng gây ra các biến chứng như thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận", PGS Dũng nói.

Giải thích hiện tượng này, GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: "Sau khi nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm A, việc điều trị không triệt để sẽ dẫn đến viêm khớp. Thông qua cơ chế miễn dịch, các tế bào miễn dịch tấn công lại liên cầu A. Nhưng liên cầu A có cấu trúc vỏ giống như cơ tim vì vậy dẫn đến tổn thương cơ tim và van tim (chủ yếu là van tim) dẫn đến hậu quả là hẹp hở van tim, dân gian hay dùng ngôn ngữ "khớp đớp tim" để nói về căn bệnh này".

Khi nào dùng kháng sinh?

Do vậy, để nhận biết đâu là viêm họng do virus, đâu là viêm họng do vi khuẩn gây ra rất quan trọng cho việc điều trị.

Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A thường hay gặp ở lứa tuổi trên 5, trong khi đó, trẻ càng lớn thì phụ huynh càng chủ quan, không để ý kỹ các biểu hiện bệnh và thường tự mua thuốc điều trị.

Cái khó của bệnh là phải nhận ra dấu hiệu để uống thuốc kháng sinh triệt để, đủ liều khuyến cáo để tiêu diệt liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Còn với các viêm họng thông thường chỉ điều trị triệu chứng như thuốc ho, hạ sốt, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi...

Viêm họng trẻ em khi nào gây hoạ “khớp đớp tim”? - 2

"Cụ thể, khi trẻ viêm họng kèm dấu hiệu viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng vi rút, các bố mẹ hãy bình tĩnh theo dõi con tại nhà (hoặc đi khám nếu bố mẹ thấy không yên tâm) vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, muối biển, vệ sinh sạch răng miệng, cho trẻ súc bằng nước muối, ăn đồ loãng, uống nhiều nước ấm để hỗ trợ làm loãng dịch đờm dãi.

Tiếp đó, nếu trẻ sốt trên 38.5 độ hãy dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Nếu trẻ ho nhiều, nên đi khám để được hướng dẫn dùng loại thuốc ho phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh". PGS Dũng nhấn mạnh.

Còn khi có những biểu hiện sau: bệnh nhân sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, chất xuất tiết ở họng, amidan, lưỡi đỏ... cho thấy khả năng lớn bệnh nhi viêm họng do liên cầu tan huyết beta -nhóm A. Lúc này trẻ sẽ phải sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Mục đích của dùng kháng sinh lúc này là nhằm tiêu diệt vi khuẩn với mục tiêu khỏi bệnh lâm sàng tối đa, vi khuẩn chết không thể đột biến, giảm thiểu kháng thuốc.

PGS Dũng khuyến cáo tuyệt đối không uống dở chừng kháng sinh, sau 2 - 3 ngày thấy đỡ liền dừng thuốc rất nguy hiểm, vì thực ra, bệnh mới chỉ đỡ mà chưa khỏi hẳn, người bệnh có nguy cơ nhờn thuốc và tái phát viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.

Bởi lúc này, do tác dụng của kháng sinh vi khuẩn đang bị yếu dần đi, không có sức phản kháng để gây các triệu chứng ồ ạt như ban đầu. Nhưng vi khuẩn mới chỉ yếu mà chưa chết hẳn. Nếu dừng thuốc, vi khuẩn không bị tiêu diệt, dần khoẻ lại, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm, bị nhiễm bệnh lần sau loại kháng sinh đó sẽ không cò tiêu diệt được vi khuẩn.

Khi sưng đau họng kèm theo biểu hiện sốt, đau khớp phải đến bác sĩ thăm khám, loại trừ bệnh thấp tim. 

Tú Anh