Viêm gan “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe con người
(Dân trí) - Diễn tiến âm thầm nhưng khi có biểu hiện rõ ràng thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn, viêm gan được xem là “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe con người. Việt Nam thuộc vùng dịch tễ của viêm gan nhưng căn bệnh này chưa được quan tâm đúng mức.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên thế giới, hiện có khoảng 240 triệu người nhiễm siêu vi viêm gan B mạn, kéo dài; 150 triệu người khác nhiễm siêu vi viêm gan C mạn tính. Biến chứng của bệnh viêm gan dẫn tới xơ gan và ung thư gan là nguyên nhân cướp đi sinh mạng của khoảng 1 triệu người mỗi năm trên toàn cầu.
BS Lý Văn Chương, Trưởng khoa Nhiễm A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho biết: “Việt Nam thuộc vùng dịch tễ của bệnh viêm gan B, hiện có khoảng 10 đến 15% dân số mang bệnh này. Bệnh không phải di truyền mà là bệnh truyền nhiễm do siêu vi viêm gan B gây ra. Thực tế cho thấy, bệnh diễn tiến rất âm thầm người bệnh trong quá trình đi khám các loại bệnh khác thì vô tình phát hiện mình đã mắc viêm gan B cấp hoặc mạn tính. Thông thường, sau khoảng vài tháng điều trị 90% bệnh viêm gan B cấp có thể tự hết nhưng 10% còn lại chuyển sang giai đoạn mạn tính.”
Cũng theo BS Chương, Việt Nam không thuộc vùng dịch tễ của bệnh viêm gan C nhưng trên thực tế tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao. Nguyên nhân của tình trạng trên là do các thủ thuật không đảm bảo vô trùng như làm răng, chích kim, châm cứu, xăm, xuyên da, truyền máu ở giai đoạn chưa được tầm soát bệnh viêm gan hoặc tình dục không an toàn…
BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới cho biết: “Ước tính, cả nước có khoảng 3-4% dân số nhiễm siêu vi C mạn. Khả năng cơ thể đào thải tự nhiên siêu vi viêm gan C kém hơn nhiều so với siêu vi viêm gan B. Có đến 85% người nhiễm siêu vi C sẽ sẽ mang siêu vi mạn tính, kéo dài...” Chi phí điều trị của bệnh nhân viêm gan C ở mức rất cao nên không ít người mắc bệnh đã “đầu hàng” vì không đủ điều kiện theo phác đồ điều trị. Hậu quả của bệnh viêm gan đang để lại gánh nặng cho gia đình bệnh nhân, kìm hãm sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Bệnh nguy hiểm là thế, nhưng trên thực tế việc phòng ngừa viêm gan chưa được quan tâm đúng mức. Người dân ít tầm soát bệnh viêm gan, khi tình cờ phát hiện bệnh mới bắt đầu quá trình điều trị hoặc bệnh đã có biểu hiện rõ ràng mới nhập viện thì đã chuyển sang giai đoạn cuối. Nguy hiểm hơn, do không được phát hiện sớm nên người mang mầm bệnh có thể đã lây truyền cho nhiều người khác trong gia đình, cộng đồng khiến việc kiểm soát và “đánh gục” vi rút viêm gan trở nên khó khăn hơn.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục vi rút viêm gan” nhằm giúp cộng đồng hiểu hơn về bệnh viêm gan, sáng 28/7 bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới sẽ tổ chức kỷ niệm ngày phòng chống viêm gan thế giới. Cùng với họat động trên, bệnh viện sẽ ra mắt phòng tư vấn viêm gan miễn phí dành cho bệnh nhân viêm gan với thông điệp “Hiểu để tốt hơn”.
Vân Sơn