Vì sao y tế Việt Nam giá rẻ, chất lượng nhưng du khách "chê"?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo một giám đốc bệnh viện, có du khách Úc thay xương khớp phải đợi 3-4 tháng ở nước khác. Tại Việt Nam có thể thực hiện ngay, với chi phí chỉ bằng 1/3 mà vẫn chất lượng.

Ngày 24/11, tại TPHCM đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác phát triển sản phẩm Du lịch Y tế TPHCM giai đoạn 2017-2023 và Phương hướng thực hiện giai đoạn 2024-2029.

Giá rẻ, chất lượng nhưng du khách… không biết

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, tháng 6 vừa qua, TPHCM đã công bố trở lại các sản phẩm du lịch y tế. Sau 5 năm ký kết phối hợp liên ngành giữa Sở Du lịch và Sở Y tế, lĩnh vực du lịch y tế của địa phương đã đạt được nhiều thành quả.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch y tế vẫn còn nhiều trăn trở, khó khăn, bất cập cần cải thiện. Đầu tiên là nguồn nhân lực thông thạo về ngôn ngữ chuyên ngành y tế chưa đảm bảo được nhu cầu phục vụ du khách.

Kế đến, công tác quảng bá xúc tiến trong thời gian qua chưa thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, dẫn đến du lịch y tế chưa được nhiều người biết đến.

Vì sao y tế Việt Nam giá rẻ, chất lượng nhưng du khách chê? - 1

Bệnh viện Từ Dũ, một đơn vị định hướng phát triển du lịch y tế ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

"Một giám đốc bệnh viện chia sẻ, thậm chí có khách ở nước Úc cho biết chỉ thay xương khớp mà phải đợi 3-4 tháng. Trong khi đó tại Việt Nam có thể thực hiện ngay, với chi phí chỉ bằng 1/3 nước ngoài mà vẫn đảm bảo chất lượng.

Nhưng du khách lại không biết đến y tế Việt Nam", bà Võ Ngọc Điệp, Trưởng phòng Quản lý cơ sở lưu trú du lịch (Sở Du lịch TPHCM) dẫn chứng thêm.

Các bệnh viện công lập cũng có tình trạng quá tải, dẫn đến việc đảm bảo thời gian, chất lượng phục vụ cho đối tượng khách du lịch tham gia các sản phẩm tour chưa được thuận lợi. Đáng chú ý, hầu hết các bệnh viện tại TPHCM chưa có các chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu.

Ngoài ra, số lượng các sản phẩm tour du lịch y tế trong thời gian qua chưa được đầu tư đúng mức, còn đơn lẻ, chưa có sự gắn kết giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn.

Đại diện Sở Du lịch TPHCM nhận định, sau dịch Covid-19, người dân không chỉ đi du lịch đơn thuần mà cần được "chữa lành". Do đó, phải có các sản phẩm du lịch chăm sóc "thân - tâm - trí" cho du khách. TPHCM định hướng đến năm 2030 sẽ trở thành thương hiệu du lịch y tế mang tầm khu vực.

Vì sao y tế Việt Nam giá rẻ, chất lượng nhưng du khách chê? - 2

Sản phụ trải nghiệm chăm sóc nha khoa tại Bệnh viện Hùng Vương (Ảnh: BV).

Nhiều địa phương thiếu cơ sở lưu trú phục vụ du lịch y tế

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ, Thái Lan, Singapore và Malaysia là 3 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN về du lịch y tế. Theo số liệu năm 2019, Thái Lan thu hút 3,4 triệu khách (doanh thu khoảng 3,37 tỷ USD), Singapore và Malaysia thu hút lần lượt là 1,5 triệu và 1,3 triệu khách.

Có 8 lý do làm Thái Lan đạt được thành quả trên, như giá dịch vụ kỹ thuật thấp, chú trọng đào tạo chuyên sâu cho nhân viên y tế, cung ứng dịch vụ theo tiêu chuẩn 5 sao, kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền, thủ tục nhập cảnh đơn giản…

Với Singapore, đất nước này xây dựng cơ sở hạ tầng tiên tiến, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nhân lực, đầu tư mạnh cho nghiên cứu, có chính sách thu hút các nhà cung cấp dịch vụ y tế hàng đầu trên thế giới.

Còn ở Malaysia, dù hệ thống y tế có tính cạnh tranh nhưng chi phí cao, khó khăn hơn về tổ chức cung ứng dịch vụ và thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho khách quốc tế phức tạp, nên chỉ đứng vị trí thứ 3.

Vì sao y tế Việt Nam giá rẻ, chất lượng nhưng du khách chê? - 3

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM chia sẻ định hướng phát triển du lịch y tế trong giai đoạn sắp tới (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo ông Châu, thời gian qua, nhiều bệnh viện chuyên khoa tại địa phương đã cùng tham gia phát triển du lịch y tế, như chuyên khoa sản, nhi, y học cổ truyền… Nhưng hiện nay, tại nhiều địa phương (như huyện Bình Chánh, TP Thủ Đức) có rất ít các cơ sở lưu trú phục vụ du lịch y tế.

"TPHCM nên hình thành một tổng đài du lịch y tế để đáp ứng các như cầu kết nối, tư vấn, cung ứng các dịch vụ khám chữa bệnh, tham quan, đào tạo y tế… cho du khách", bác sĩ Châu nói.

Lãnh đạo ngành y tế TPHCM chia sẻ, học tập các bài học từ nước bạn, TPHCM đã đề ra 7 nhóm giải pháp để TPHCM sớm trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe của khu vực ASEAN.

Thứ nhất, hình thành trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao.

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại, triển khai "Khu y tế kỹ thuật cao".

Thứ ba, phát triển du lịch y tế, kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.

Thứ tư, cung ứng đầy đủ các loại hình khám chữa bệnh.

Thứ năm, xây dựng mạng lưới cơ sở chuyên khoa từ y tế cơ sở đến chuyên sâu (phát triển y tế vùng).

Thứ sáu, phát triển kỹ thuật chuyên sâu đáp ứng mô hình bệnh tật.

Thứ bảy, đẩy mạnh R&D (các hoạt động đổi mới, ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mới) và đổi mới sáng tạo của ngành y tế.

Phương hướng phát triển du lịch y tế TPHCM đến năm 2030

1. Đề xuất mô hình cấp cứu du lịch để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh về bệnh lý đối với du khách.

2. Thiết kế, hoàn thiện các sản phẩm du lịch y tế theo chuyên đề điều trị hiếm muộn, nha khoa, y học dân tộc cổ truyền, khám và tầm soát tổng quát.

3. Xây dựng các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền theo đề án phát triển đến năm 2030 của Bộ Y tế.

4. Tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn, phổ biến kiến thức về du lịch y tế.

5. Nghiên cứu và xây dựng sản phẩm du lịch y tế đặc trưng, liên kết với các tỉnh thành để xây dựng tour.

6. Giới thiệu sản phẩm du lịch y tế thông qua các phương tiện truyền thông.

7. Tổ chức các roadshow giới thiệu du lịch y tế TPHCM tại các thị trường trọng điểm; khảo sát, học tập các mô hình của các nước tiên tiến

8. Thường xuyên quảng bá sản phẩm du lịch y tế trong các sự kiện hàng năm.