Vì sao lại cấm chất bảo quản parabens trong dược mỹ phẩm?

Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa bổ sung quy định cấm năm dẫn xuất parabens do những chất này có nguy cơ gây nguy hại sức khỏe và chỉ được sử dụng hỗn hợp methylchlorothiazolinone (MCT + MIT) theo tỷ lệ 3:1 với nồng độ dưới 0.0015% trong các sản phẩm dầu gội, sữa tắm….Vì sao lại cấm chất bảo quản vốn đã rất quen thuộc này?

Năm dẫn xuất parabens bị cấm theo quy định mới nhất này bao gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben.

Nhiều loại mỹ phẩm bán trên thị trường không ghi đầy đủ thành phần hóa học. Ảnh: B.A.
Nhiều loại mỹ phẩm bán trên thị trường không ghi đầy đủ thành phần hóa học. Ảnh: B.A.

PGS.TS Trương Văn Tuấn, giảng viên bộ môn Bào chế, trường Đại học Y dược TPHCM cho rằng, người ta dùng parabens như một chất bảo quản trong mỹ phẩm và thức ăn (mã là E214, E219 trong ngành thực phẩm) để ngăn ngừa sự biến chất của sản phẩm.

Còn PGS.DS Nguyễn Hữu Đức, trường Đại học Y Dược TPHCM cho biết, hầu hết các mỹ phẩm, dược phẩm, ngay cả mỹ phẩm được gọi là thiên nhiên 100% đều dùng chất bảo quản. Trong đó, hóa chất parabens có chức năng sát khuẩn, diệt các loại vi nấm, vì thế không có gì ngạc nhiên khi parabens có mặt ở nhiều sản phẩm đòi hỏi sự bảo quản trong thời gian lâu.

Theo các nghiên cứu tại châu Âu, chất parabens vẫn thường được sử dụng làm chất bảo quản trong 80% mỹ phẩm, nhiều loại thực phẩm và dược phẩm để chống nấm mốc phát triển và vi sinh vật có hại cho con người.

Tuy nhiên, đã có nhiều nghiên cứu khoa học trên thế giới chứng minh parabens là chất gây mất cân bằng nội tiết tố, về lâu dài có thể gây ung thư.

Ngoài ra, nếu parabens có trong các loại kem bôi được xoa lên lưng của những thanh niên khỏe mạnh, các dấu vết của paraben cũng có thể được tìm thấy trong máu chỉ trong vài giờ sau khi sử dụng kem bôi. Điều đó chứng minh rằng parabens thực chất có thể thẩm thấu vào da người từ các loại thuốc bôi ngoài hoặc mỹ phẩm. Việc phát hiện ra các loại hóa chất bảo quản parabens trong các mô cơ thể và tìm thấy parabens trong 18 trên 20 mẫu khối u ở ngực cho thấy mối liên quan giữa parabens và ung thư.

Những thông tin về sự hoài nghi này về parabens có liên quan đến ung thư vú cũng làm cho nhiều phụ nữ lo lắng và người ta khuyên người tiêu dùng hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm xung quanh cánh tay, ngực và những vùng da nhạy cảm.

Xem kỹ nhãn mác trước khi mua

Hóa chất parabens thường xuất hiện trong các loại lăn nách, kem triệt lông, kem dưỡng da, xịt khử mùi, kem dưỡng thể, sữa rửa mặt, dầu gội đầu, gel cạo râu, khăn giấy cho trẻ em…

Ghi nhận trên thị trường hiện nay có hơn 30 loại sữa tắm dầu gội trẻ em có giá từ 30.000 - 300.000 đồng. Tuy nhiên, ngay cả 1 số sản phẩm uy tín cũng đang chứa các chất cấm này.

Còn thị trường giấy ướt thì phức tạp hơn bởi trong 50 nhãn hàng khăn giấy ướt khác nhau với mức giá dao động trong khoảng 15.000-50.000 đồng cùng thì ngoài một số ít sản phẩm nhập ngoại như Floria, Olivela... hoặc từ những nhà sản xuất trong nước uy tín như Bobby, Baby Care…, còn lại là hầu hết các nhãn hiệu khăn ướt hiện nay đều là sản xuất đóng gói thủ công (hàng cơ sở).

Số nhãn hàng có ghi đầy đủ thông tin về thành phần và xuất trình được giấy kiểm định của các trung tâm như Quatest, Sắc Ký Hải Đăng, Pasteur chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Do đó, để tránh mọi nguy cơ dị ứng, viêm da cho trẻ, khi mua khăn ướt và sữa tắm cho trẻ, người tiêu dùng nên dành thời gian để đọc kỹ thành phần ghi trên nhãn mác hoặc yêu cầu xem giấy kiểm định của nhà sản xuất. Và tuyệt đối không mua những sản phẩm không ghi rõ thành phần trên bao bì, bao bì đóng gói không rõ nguồn gốc.

Nguyễn Hồng

Theo CLVN