Vì sao Khánh Hòa không “dập” nổi sốt xuất huyết dù đã “rót” hàng tỷ đồng?
(Dân trí) - (Dân trí) – Câu chuyện Khánh Hòa đã “rót” hàng tỷ đồng cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue (SXHD) nhưng dịch bệnh vẫn đang “tung hoành” dữ dội là câu chuyện “nóng” ở địa phương này.
Cán bộ đi diệt lăng quăng nhưng “không có phương tiện gì”!
Ngày 19/11, tại Hội nghị công tác phòng, chống SXHD do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức, bác sỹ Trần Thị Tuyết Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận gần 5.500 ca mắc SXHD, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện tỉnh này đang có 170 ca SXHD nặng và đã có 2 trường hợp tử vong ở huyện Vạn Ninh. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Khánh Hòa, tất cả các huyện thị có số ca mắc SXHD đều tăng so với năm ngoái.
Cụ thể, huyện Diên Khánh tăng hơn 13 lần (hơn 1.000 ca); huyện Vạn Ninh tăng hơn 8 lần (gần 1.000 ca); thị xã Ninh Hòa tăng hơn 7 lần (hơn 1.300 ca); Nha Trang tăng hơn 4 lần (hơn 1.300 ca)…
Tại Hội nghị, một số chuyên gia, bác sỹ cho rằng, đến nay việc diệt bọ gậy, lăng quăng ở Khánh Hòa không có kết quả. Một chuyên gia ở Viện Pasteur Nha Trang nói rằng, cán bộ y tế ở Khánh Hòa đi diệt lăng quăng mà “không có phương tiện, dụng cụ gì”, chỉ đi xem hời hợt rồi về. Còn một lãnh đạo ở Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh Khánh Hòa nói rằng, ông cảm thấy “xấu hổ” khi tivi phát sóng Khánh Hòa liên tục dẫn đầu về số ca SXHD.
Theo cán bộ này, ngay cả cán bộ tổ trưởng dân phố ở một địa phương, có con bị SXHD nhưng “không biết tờ rơi tuyên truyền SXH là gì”. Từ đó, cán bộ này “truy” rằng những người phụ trách công tác phòng, chống SXHD cấp xã, phường đã làm hết trách nhiệm với dân hay chưa?
Một số ý kiến khác cho rằng, việc tuyên truyền phòng chống SXHD bằng xe ô tô chạy trên đường là chưa hiệu quả. Theo cán bộ này, khi xe ô tô đang chạy trên đường, người dân nghe câu được câu mất, không hiểu rõ nội dung tuyên truyền. Thay vào đó, vị này cho rằng nên thay đổi cách tuyên truyền phòng chống SXHD hiện nay bằng các cuộc họp dân.
Khánh Hòa “lúng túng” vì sốt xuất huyết?
TS Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, đánh giá, trong vòng một tháng qua Khánh Hòa tăng thêm 2.000 ca mắc SXHD là “bất thường” so với trước đây. Theo TS Mai, việc SXHD tăng cao cần nghiên cứu thêm, nhưng không loại trừ khả năng do “biến đổi khí hậu” vì năm nay chưa có cơ bão nào vào Khánh Hòa và thời tiết hiện đang có nắng nóng.
Tại Hội Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa – ông Đào Công Thiên đã đồng ý về chủ trương cấp thêm kinh phí để mua sắm các phương tiện, thiết bị y tế để điều trị SXHD tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh. Hiện Khánh Hòa đã “rót” hơn 2,3 tỷ đồng cho công tác phòng, chống SXHD.
TS Mai cho rằng, không thể mãi phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, vì như thế sẽ rất tốn kém, mà phun hóa chất nhiều vào môi trường sẽ gây độc hại, không tốt. “Giải pháp lúc này là cần tập trung vào việc diệt lăng quăng, bọ gậy”, TS Mai nói.
Bác sỹ Nguyễn Đông, Giám đốc bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa, đánh giá công tác phòng, chống SXHD hiện rất tốn kém nhưng SXHD “hầu như không giảm mà còn gia tăng”.
Bác sỹ Đông cho rằng, hiện Khánh Hòa đang chống dịch dàn trải, không tập trung. “Mô hình phòng, chống SXH điểm ở Khánh Hòa hiện chưa có. Tôi cho rằng nên lấy một xã hoặc một huyện làm điểm, sau đó đúc rút kinh nghiệm rồi nhân rộng ra”, bác sỹ Đông nói.
Sở Y tế Khánh Hòa thừa nhận việc phun hóa chất diệt muỗi là có “hạn chế”, “chưa đúng quy định”. Ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, nhấn mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống SXHD “làm chưa đúng ở chỗ nào đó nên chưa đến được với người dân”.
Ông Thiên yêu cầu, việc tuyên truyền là cần đi sâu, đi sát người dân bởi khi “người dân chưa tham gia tích cực thì chưa thể thành công”. Phó Chủ tịch UNND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh Bí thư các xã, phường cần phải đi đầu, tích cực trong công tác, phòng chống SXHD. Ông Thiên yêu cầu ngành y tế cùng các địa phương cần quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống SXHD và khắc phục các các thiếu sót, tồn tại chủ quan để hạn chế SXHD gia tăng.
Viết Hảo