1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao đột tử, ngừng tim khi đang chơi thể thao?

Hồng Hải

(Dân trí) - Có những tai nạn xảy ra trên sân bóng, trên đường chạy, trong phòng tập gym... người khỏe mạnh đang tập bỗng ngã gục xuống, ngừng tim.

Từng có nam sinh lớp 12 tử vong khi đang tập gym ở Thanh Hóa. Tại Hà Nội cũng từng ghi nhận trường hợp nam thanh niên người Úc đổ gục khi đang tập gym. Trên sân cỏ, trên đường chạy... cũng từng ghi nhận hiện tượng các cầu thủ, vận động viên khỏe mạnh, đang chạy "phăm phăm" bỗng nhiên gục xuống, bất tỉnh.

Vì sao đột tử, ngừng tim khi đang chơi thể thao? - 1

Tiền vệ Eriksen bất ngờ đổ gục xuống sân trong trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan, giải Euro 2020.

Theo TS.BS Trần Song Giang, Trưởng khoa C9, Phó Trưởng Đơn vị Tim mạch can thiệp Viện tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Hà Nội, hoàn toàn có thể xảy ra những tình huống đột tử khi chơi thể thao.

Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý  tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì họ không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.

Có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, đi khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cơ bản như: xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi thậm chí siêu âm tim cũng không thể hiện bất thường về tim. Vì kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như: hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW... Đây là những bệnh lý có tính chất gia đình. Tuy nhiên, do bệnh biểu hiện khá kín đáo, nên có thể, bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra bệnh.

"Những người có bệnh lý tim mạch như vậy, có nguy cơ cao khi gắng sức, trong quá trình tập luyện nặng, dễ dẫn đến đột tử", TS Giang cho biết.

Vì sao gắng sức bị ngừng tim?

TS Giang cho biết, một số hội chứng hay bệnh lý dễ gây ngừng tim khi gắng sức, ví dụ như: hội chứng Brugada, hội chứng WPW, bệnh cơ tim phì đại....

Những người bị hội chứng đó, có thể không hề có yếu tố khởi phát, nhưng tự nhiên xuất hiện rối loạn nhịp tim, tim đập rất nhanh. Bình thường tim đập 70 - 80 lần/phút nhưng khi rối loạn, nhịp tim tăng lên 300 - 400 lần/phút gây tụt huyết áp, ngất xỉu và có thể ngừng tim ngay sau đó.

Người bị các hội chứng này, khi tập luyện quá sức thì rối loạn nhịp tim dễ xảy ra. Hoặc, người bị hội chứng đó, nếu uống rượu cũng dễ bị đột tử do ngưng tim. Trong thực tế, có những bệnh nhân trẻ, tối hôm trước vui vẻ uống rượu cùng bạn bè, nhưng sáng hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân đã tử vong.

TS Giang khuyến cáo, duy trì vận động rất tốt cho sức khỏe, rất tốt cho tim mạch nhưng cần phù hợp. Theo đó, nên kiểm tra sức khỏe tim mạch nếu chơi môn thể thao đối kháng để phòng nguy cơ ngừng tim khi đang tập luyện.

Tại Euro 2020 đang diễn ra, trong trận đấu giữa Đan Mạch và Phần Lan, cả sân vận động Parksen đã chết lặng khi chứng kiến cầu thủ Eriksen đổ gục xuống sân.

Trong tình huống ném biên của Đan Mạch ở phút 43, tiền vệ Eriksen bất ngờ đổ gục xuống sân sau khi nhận bóng mà không va chạm với cầu thủ nào trên sân.

Khoảnh khắc Eriksen đổ gục xuống sân.