Vì sao có người tỉnh lại sau hôn mê, có người không?

Phạm Hường

(Dân trí) - Sau chấn thương, có người bị hôn mê hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm. Vậy điều gì khiến họ tỉnh lại?

Vì sao có người tỉnh lại sau hôn mê, có người không? - 1
Trước khi một người hồi tỉnh sau hôn mê, não của người đó cần hồi phục bằng cách mọc lại các tế bào thần kinh đã bị tổn thương hoặc dựa vào các mạng lưới khác trong não tiếp nhận các vùng tổn thương. (Ảnh: Kobus Louw/ Getty Images).

Một trong những trường hợp hôn mê lâu nhất là bà Murina Abdulla ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Bà rơi vào tình trạng hôn mê sau tai nạn ô tô năm 1991 và bất ngờ tỉnh lại sau 27 năm.

Điều gì khiến một người tỉnh dậy sau thời gian bất tỉnh sâu kéo dài như vậy? Giáo sư tâm lý học Martin Monti ở Trường đại học California tại Los Angeles, Mỹ, cho biết: "Câu trả lời ngắn gọn là chúng ta thực sự không biết. Chính vì thế chúng ta chưa có nhiều biện pháp can thiệp để giúp họ hồi phục."

Một người rơi vào tình trạng hôn mê phải là người bị tổn thương não, ví dụ như chấn thương, viêm hoặc nhiễm trùng. Trước khi tỉnh lại được, não của người đó phải được hồi phục bằng cách mọc lại các tế bào thần kinh bị tổn thương hoặc các mạng lưới khác trong não đảm nhận công việc của vùng não bị tổn thương.

Nhưng kể cả khi có sự phục hồi như vậy vẫn chưa đủ, vì tình trạng hôn mê còn làm cho não hoạt động kém đi và các mạng lưới trong não không giao tiếp hiệu quả như bình thường. Bộ não cần một kích thích khởi động nào đó để lấy lại tốc độ và khiến người đó thức dậy.

Vậy điều gì có thể trở thành yếu tố kích thích cho bộ não tỉnh lại? Giáo sư Monti cho biết có một cách là các bác sĩ cho bệnh nhân sử dụng amantadine, một loại thuốc làm tăng lượng dopamine trong não.

Ông giải thích rằng dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh rất quan trọng đối với việc liên lạc giữa các mạng lưới trong não, nhất là các mạng lưới liên quan đến kiểm soát chuyển động và hành vi có động cơ. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí Giả thuyết Y khoa năm 2010, những người hôn mê có ít dopamine hơn so với lúc họ tỉnh táo.

Một nghiên cứu khác cũng cho thấy amantadine cải thiện ý thức ở những người rơi vào trạng thái thực vật hoặc chỉ có ý thức tối thiểu sau khi bị chấn thương sọ não.

Amantadine cũng giúp phục hồi sau các rối loạn ý thức ở người bị tổn thương não không do chấn thương, chẳng hạn như bị đột quỵ. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu bằng chứng cho thấy thuốc này có tác dụng lâu dài sau khi người bệnh tỉnh dậy.

Ngoài ra, các chuyên gia y tế còn sử dụng một số kỹ thuật khác cũng dựa trên cùng một nguyên tắc là kích thích khởi động bộ não. Một trong các kỹ thuật đó là phẫu thuật cấy các điện cực vào sâu trong não để cung cấp một lượng điện nhỏ kích thích các tế bào thần kinh gần đó.

Theo một nghiên cứu công bố năm 2018, kích thích này thường nhằm vào đồi thị, một vùng não phụ trách khả năng chú ý và kích thích. Một kỹ thuật khác là siêu âm tập trung, tương tự như xung động siêu âm và không cần phẫu thuật. Bên cạnh đó còn có kỹ thuật kích thích từ tính, một kỹ thuật không xâm lấn có thể kích thích các tế bào sâu trong não.

Dù người bệnh được sử dụng kỹ thuật nào thì để tỉnh lại được, bộ não của người đó phải còn cấu trúc nguyên vẹn.

Theo các chuyên gia, sự phát triển của tế bào thần kinh diễn ra chậm, khoảng 1mm mỗi tuần. Các biện pháp kỹ thuật sẽ hỗ trợ thêm để người bệnh có cơ hội phục hồi bộ não hoàn toàn.

Theo bác sĩ Chethan Venkatasubba Rao, Trưởng khoa Chăm sóc tích cực khoa học thần kinh, Trung tâm Y tế St. Luke ở Texas, Mỹ, thì có rất nhiều hy vọng cho những bệnh nhân đang hôn mê. Chúng ta không nên từ bỏ họ sớm. Các nghiên cứu cho thấy đôi khi sự hỗ trợ sự sống cho họ bị ngừng quá sớm. Khi não hồi phục sau chấn thương, thường phải mất ít nhất 2 tuần để bệnh nhân tỉnh lại.

Tuy nhiên cũng có một số người bệnh không tỉnh lại. Ví dụ như trường hợp bà Terri Schiavo ở Florida, Mỹ, đã rơi vào trạng thái thực vật trong 15 năm và ống truyền dinh dưỡng của bà được tháo bỏ vào năm 2005. Bà qua đời khoảng 2 tuần sau đó. Báo cáo khám nghiệm tử thi cho thấy não của bà chỉ còn ½ kích thước bình thường và nghiêm trọng hơn là nó đã bị tổn thương quá nhiều.

Các nhà khoa học không có nhiều dữ liệu về tần suất và nguyên nhân gây hôn mê. Bác sĩ Rao ước tính tỷ lệ bệnh nhân không bao giờ tỉnh lại là khoảng 20 - 40%. Tuy nhiên, một nghiên cứu về những người hôn mê ở Mỹ và Anh cho thấy 54% bệnh nhân không tỉnh lại, 15% có tỉnh lại với hậu quả nặng nề và 31% sống lại với kết quả tốt.

Nhìn chung, vì sao và làm thế nào để người bệnh tỉnh dậy sau khi hôn mê, tự họ hay do được dùng thuốc và liệu pháp điều trị khác, vẫn là bí ẩn. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và tiến gần hơn đến việc hiểu rõ để có thể cải thiện khả năng đánh thức người bệnh tỉnh dậy sau hôn mê nhanh hơn và khỏe mạnh hơn.

Theo www.livescience.com