1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao chúng ta khó nhớ lại ký ức tuổi thơ?

(Dân trí) - Những ký ức ban đầu có sức mạnh rất lớn trong việc định hình con người mà chúng ta sẽ trở thành. Và sự khác biệt văn hóa trong phong cách nuôi dạy con có thể tác động vào những ký ức đó.

Bạn sẽ nhớ việc chơi với các bánh xe màu đỏ hay sẽ nhớ hình ảnh của nó?
Bạn sẽ nhớ việc chơi với các bánh xe màu đỏ hay sẽ nhớ hình ảnh của nó?

Hầu hết chúng ta không có ký ức gì về 3-4 năm đầu tiên của cuộc đời - trong thực tế, chúng ta thường nhớ rất ít về cuộc sống trước khi 7 tuổi. Và khi cố nghĩ lại những ký ức sớm nhất, thường không rõ liệu đó là những điều có thật hay chỉ là hồi ức dựa trên hình ảnh hoặc những câu chuyện mà ta được nghe người khác kể lại.

Hiện tượng được gọi là "chứng quên thơ ấu" này đã khiến các nhà tâm lý bối rối trong hơn một thế kỷ - và đến giờ chúng ta vẫn chưa hiểu đầy đủ về nó.

Thoạt nhìn, có vẻ lý do khiến chúng ta không nhớ là vì trẻ ở tuổi chập chững chưa có trí nhớ phát triển đầy đủ. Nhưng trẻ em từ 6 tháng tuổi đã có thể hình thành cả trí nhớ ngắn hạn kéo dài vài phút, và trí nhớ dài hạn kéo dài vài tuần, nếu không nói là vài tháng.

Trong một nghiên cứu, trẻ 6 tháng tuổi được học cách ấn vào một chốt để điều khiển một chiếc xe lửa đồ chơi. Trẻ đã nhớ được cách thực hiện hành động này trong 2-3 tuần sau lần cuối cùng nhìn thấy món đồ chơi. Trong khi đó, trẻ mẫu giáo có thể nhớ các sự kiện từ vài năm trước.

Tất nhiên, khả năng ghi nhớ ở độ tuổi này không như người lớn - nó tiếp tục thành thục cho đến tuổi vị thành niên. Trong thực tế, những thay đổi phát triển trong quá trình ghi nhớ cơ bản đã được đưa ra như là một lời giải thích cho “chứng quên thơ ấu”.

Những quá trình cơ bản này có sự tham gia của nhiều vùng não. Ví dụ, vùng hồi hải mã, được cho là chịu trách nhiệm về sự hình thành ký ức, tiếp tục phát triển cho đến ít nhất là 7 tuổi.

Trẻ em và thanh thiếu niên có những ký ức sớm hơn so với người lớn.

Khả năng ngôn ngữ dự báo trí nhớ

Nhưng dường như vấn đề không hoàn toàn như vậy. Một yếu tố khác có vai trò quan trọng là ngôn ngữ.

Từ độ tuổi 1-6, trẻ em tiến từ giai đoạn nói một từ để trở nên thành thạo tiếng mẹ đẻ và nó trùng với giai đoạn quên thơ ấu.

Vậy khả năng diễn tả bằng lời về một sự kiện tại thời điểm mà nó xảy ra sẽ dự báo trí nhớ của đứa trẻ sau nhiều tháng hoặc nhiều năm như thế nào?

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã tiến hành công việc này bằng cách phỏng vấn trẻ ở tuổi lên 2 được đưa đến khoa cấp cứu do bị thương. Những trẻ trên 26 tháng có thể kể lại sự kiện vào thời điểm đó sẽ nhớ lại nó đến 5 năm sau, trong khi những trẻ dưới 26 tháng, không thể nói về sự kiện, sẽ nhớ lại rất ít hoặc không nhớ gì.

Điều này cho thấy rằng những ký ức trước khi kể lại thành lời sẽ bị mất đi nếu chúng không được chuyển thành ngôn ngữ.

Văn hoá quyết định nội dung ghi nhớ

Khi cha mẹ cùng với con cái hồi tưởng về những sự kiện trong quá khứ, họ mặc nhiên dạy chúng những kỹ năng kể chuyện - những loại sự kiện rất quan trọng để nhớ và làm thế nào để cấu trúc việc nói về chúng theo cách mà những người khác có thể hiểu được.

Bằng cách này, những câu chuyện gia đình duy trì khả năng tiếp cận của trí nhớ theo thời gian, và cũng làm tăng sự mạch lạc của câu chuyện, bao gồm trình tự các sự kiện, chủ đề của chúng, và mức độ cảm xúc. Câu chuyện càng mạch lạc càng được nhớ tốt. Người Maori trưởng thành có những kí ức thơ ấu sớm nhất, nhờ những câu chuyện gia đình rất hấp dẫn của các bậc cha mẹ người Maori.

Người trưởng thành trong nền văn hóa coi trọng quyền tự chủ (Bắc Mỹ, Tây Âu) có xu hướng kể về kỉ niệm tuổi thơ sớm hơn và nhiều hơn so với người trưởng thành trong nền văn hóa coi trọng giá trị họ hàng (châu Á, châu Phi).

Bởi trong nền văn hóa thúc đẩy quan niệm tự chủ, hồi tưởng của cha mẹ tập trung nhiều hơn vào những trải nghiệm cá nhân của trẻ, sở thích, và cảm xúc và ít hơn vào các mối quan hệ của chúng với người khác, nề nếp xã hội, và các tiêu chuẩn về hành vi. Ví dụ, trẻ em Mỹ có thể nhớ là mình được nhận ngôi sao vàng ở trường mẫu giáo, trong khi một đứa trẻ Trung Quốc có thể nhớ lại việc học một bài hát cụ thể tại trường mầm non.

Cuối cùng, điều quan trọng cần nhớ là, mặc dù chúng ta không thể nhớ rõ những sự kiện cụ thể từ khi còn rất nhỏ, sự tích tụ của chúng vẫn để lại dấu vết lâu dài có ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Bạn có thể quên những năm tháng đầu đời, nhưng nó lại có sức mạnh trong việc định hình con người mà chúng ta sẽ trở thành.

Cẩm Tú

Theo Independent