1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nữ ít tử vong hơn?

(Dân trí) - Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Y tế công cộng T.H. Chan Harvard ở Boston, Mỹ, đã tìm hiểu xem liệu sự khác biệt giới của bác sĩ có tác động đến kết quả lâm sàng của bệnh nhân hay không.

Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nữ có kết quả lâm sàng tốt hơn.
Nghiên cứu cho thấy bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nữ có kết quả lâm sàng tốt hơn.

Một số nghiên cứu trước đây đã gợi ý các bác sĩ nam và nữ có cách làm việc khác nhau. Ví dụ, các bác sĩ nữ có xu hướng tuân thủ các hướng dẫn lâm sàng chặt chẽ hơn, cung cấp chăm sóc phòng ngừa nhiều hơn, và giao tiếp lấy bệnh nhân làm trung tâm hơn so với bác sĩ nam.

Mặc dù vậy, các bác sĩ nữ được trả lương thấp hơn đáng kể so với đồng nghiệp là nam giới, và các tác giả khác nhau đưa ra những lý giải khác nhau cho khoảng cách lương này.

Do đó nhóm nghiên cứu – đứng đầu là Yusuke Tsugawa, Khoa Chính sách và Quản lý Y tế - đã quyết định nghiên cứu kết quả của bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu gồm 1 triệu người hưởng bảo hiểm y tế Medicare từ 65 tuổi trở lên phải vào viện điều trị cấp tính trong khoảng thời gian từ 01 tháng 01 năm 2011 đến ngày 31 tháng 12 năm 2014.

Họ đã kiểm tra mối liên quan giữa giới tính của thầy thuốc và tỷ lệ tử vong 30 ngày của bệnh nhân (nghĩa là có bao nhiêu bệnh nhân tử vong trong vòng 30 ngày sau khi nhập viện), cũng như tỷ lệ nhập viện lại 30 ngày (bệnh nhân phải nhập viện lại trong vòng 30 ngày sau khi xuất viện).

Tsugawa và nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra một loạt sự khác biệt giữa bác sĩ nam và nữ. Ví dụ, các bác sĩ nữ thường trẻ hơn và điều trị ít bệnh nhân hơn so với đồng nghiệp nam.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nữ có tỷ lệ tử vong 30 ngày thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nam.

Nhìn chung, các bệnh nhân được điều trị bởi bác sĩ nữ có nguy cơ tương đối của tử vong thấp hơn 4%, và nguy cơ nhập viện lại thấp hơn 5%.

Tỷ lệ tử vong 30 ngày đối với tất cả các bệnh nhân là 179.162, hoặc 11,32%.

Bệnh nhân được điều trị bởi các bác sĩ nữ có tỷ lệ tử vong 10,82%, so với 11,49% bệnh nhân được điều trị bởi các bác sĩ nam. Những khác biệt này ít hoặc không bị ảnh hưởng bởi những hiệu chỉnh khác nhau.

Các tác giả đã chỉ ra rằng tuy những con số này có vẻ khiêm tốn, song chúng tương ứng với sự khác biệt khá là có ý nghĩa trên lâm sàng.

Bệnh nhân được các bác sĩ nữ điều trị cũng có tỷ lệ nhập viện lại thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân do các bác sĩ nam điều trị.

Tỷ lệ nhập viện lại 30 ngày là 237.644, hay 15,42%. Sau khi hiệu chỉnh về đặc điểm bệnh nhân, tác động của bệnh viện, và đặc điểm của bác sĩ, bác sĩ nữ vẫn có tỷ lệ nhập viện lại là 15,01%, so với 15,57% của các bác sĩ nam.

Những phát hiện này là nhất quán trên những tình trạng bệnh khác nhau và mức độ nặng của bệnh khác nhau, và được các nhà nghiên cứu xem là "đáng ngạc nhiên".

Theo các tác giả, một số khác biệt trong hành nghề bao gồm xu hướng thầy thuốc nữ thực hành y học dựa trên bằng chứng, thực hiện tốt hoặc tốt hơn các xét nghiệm chuẩn hóa, và cung cấp sự chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm hơn.

Xem xét bằng chứng từ các ngành nghề khác, các tác giả đưa ra giả thuyết rằng xu hướng nam giới chấp nhận rủi ro không cần thiết và quá tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề của mình cũng có thể đóng một vai trò.

Ashish Jha, giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu Harvard Global Health Institute và là tác giả chính của nghiên cứu cũng lưu ý rằng bác sĩ nữ có xu hướng bị đối xử khác biệt vì giới tính của họ. Ví dụ, họ ít được đề bạt và có mức lương thấp hơn.

Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Internal Medicine.

Cẩm Tú

Theo MNT