1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao bác sĩ chuộng kê thuốc ngoại?

(Dân trí) - Đó là thực tế không chỉ diễn ra tại các phòng khám ngoài mà cả với hệ thống BV công lập, đặc biệt là BV tuyến trên. Bác sĩ giải thích, họ chọn thuốc ngoại bởi họ chưa có nhiều thông tin về hiệu quả thuốc nội.

Chuyên trị thuốc ngoại!

Cầm quyển sổ khám bệnh dày đặc của cô con gái 18 tháng tuổi, chị Bùi Thị Lan (Cát Linh, Hà Nội) chỉ cho chúng tôi xem, cả thảy 20 lần khám bệnh chỉ duy nhất có một lần bác sĩ kê kháng sinh nội.

Sổ khám của con chị Lan chỉ toàn thuốc ngoại. Ảnh: H.Hải
Sổ khám của con chị Lan chỉ toàn thuốc ngoại. Ảnh: H.Hải
 
“Con mình vốn hay đau ốm, trung bình tháng ốm lần. Mình không đi khám riêng một thầy thuốc nào mà khám ở Viện Nhi trung ương cũng có, Nhi Bạch Mai cũng có, bác sĩ tư cũng có… và hầu như lần nào bé cũng phải uống kháng sinh và chống viêm. Cả hai loại thuốc này đều là thuốc ngoại. Chỉ riêng một lần đến khám tại phòng khám của một bác sĩ viện Tai mũi họng, tôi rất bất ngờ khi bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh nội cũng uống trong 5 ngày nhưng với chi phí đơn thuốc rẻ bằng 1/3 so với các đơn thuốc trước đó”, chị Lan nói.

Chị cho biết thêm, khi bác sĩ kê thuốc chị cũng không để ý là thuốc nội hay thuốc ngoại, chỉ bất ngờ vì giá rẻ, hộp 12 gói chỉ vỏn vẹn 56 ngàn đồng. Về nhà cho con uống chị mới phát hiện, cứ băn khoăn không định uống nhưng rồi tặc lưỡi, không ngờ con bé cũng hợp thuốc, sau 6 ngày hoàn toàn khỏi bệnh. “Chỉ có điều, thuốc hơi khó uống hơn vì nó không tan hoàn toàn như gói thuốc ngoại, có mùi hắc hên nên uống lúc nào cũng lo con trớ”.

Vì thế, sau một lần khám đó, chị đã “nhắm” vị bác sĩ này khám bệnh cho con giai 5 tuổi. “Thằng cu lớn rồi, dễ uống hơn, bác sĩ kê thuốc nội rẻ tiền mà vẫn hiệu quả. Còn con gái nhỏ quá, uống rình trớ mình vẫn tạm thời cho con đi khám bác sĩ kê đơn ngoại, khi nào con lớn hơn, chắc chắn mình sẽ chọn vị bác sĩ kia”, chị Lan nói.

Chị Thu Minh (Ô Chợ Dừa, Đống Đa) cho biết, chị có hai con nhỏ 18 tháng và 4 tuổi. Hai bé thường xuyên ốm đau, tháng nào cũng phải vào viện. Trước đây chị hay cho con khám phòng khám tư, nhưng giờ giá lên đắt đỏ nên con ốm, chị cho vào viện công lập nhà nước khám. “Giá khám rẻ hơn trăm ngàn so với phòng ngoài, nhưng đơn thuốc thì vẫn vậy, khó dưới 500 ngàn. Tối qua, tôi cho con đi khám ở Bạch Mai vì sốt, bác sĩ nói bé bị viêm VA, kê thuốc Augmentin 500 ngày 4 gói, riêng tiền kháng sinh đã hết gần 300 ngàn chưa kể thuốc long đờm, hạ sốt cũng hoàn toàn dùng thuốc của Pháp... Mình có mẹ ở quê bán thuốc nên mới biết và tự đổi sang loại thuốc nội cùng hoạt chất là với giá chưa bằng một nửa”, chị Minh nói.

Tại diễn đàn Người Việt dùng thuốc Việt mới đây, Bộ Y tế cũng phải thừa nhận, thuốc nội hoàn toàn lép vế trước thuốc ngoại. Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang cho biết, trong năm 2009, tổng giá trị thuốc ngoại nhập (của bệnh viện công lập) chiếu 61,8% trong khi thuốc nội là 38,2%. Đặc biệt tại các bệnh viện tuyến trung ương, thuốc ngoại chiếm ưu thế với khoảng 88%, thuốc nội chỉ chiếm con số rất khiêm tốn, trên dưới 12%.

Riêng bệnh viện tuyến huyện, thuốc nội có phần nhỉnh hơn. Năm 2010, số tiền mua thuốc ngoại tại các bệnh viện tuyến huyện là 38,5%, trong khi đó, thuốc nội chiếm 61,5%.

Tuy nhiên thực tế số liệu thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương, tuyến huyện cho thấy điều ngược lại. Bệnh nhân không phải là người được lựa chọn thuốc cho mình mà là do thầy thuốc quyết định. Và thực tế cho thấy, ở bệnh viện tuyến trung ương, thuốc ngoại chiếm ưu thế tuyệt đối. Trong khi tại các bệnh viện tuyến huyện, thuốc nội lại vươn lên.

Theo ông Trần Viết Tiệp, Giám đốc BV Hữu Nghị Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh), tại bệnh viện này, thuốc ngoại chiếm khoảng 55 - 56%, còn lại là thuốc nội. “Thuốc nội dù được sử dụng nhiều, nhưng đại đa số là các thuốc thông thường như kháng sinh đường uống, thuốc bổ đường uống, dịch truyền… nên số tiền chi cho thuốc nội không nhiều, khoảng 205 triệu trong năm 2011, trong khi đó thuốc ngoại chiếm hơn một chút nhưng số tiền chi đến 457 triệu đồng.

Không quan tâm nội - ngoại mà quan tâm chất lượng

Nói về tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc ngoại như hiện nay, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai khẳng định: “Với tôi thuốc nội, ngoại không quan trọng. Quan trọng là khi người bác sĩ kê đơn phải biết thuốc đó nguồn gốc ở đâu, công ty, nhà máy đó đạt được tiêu chuẩn gì. Nếu thuốc nội đạt đầy đủ tiêu chuẩn của GMP (thực hành sản xuất thuốc tốt) thì thuốc Việt cũng giống Mỹ, Anh, Pháp”.
Sổ khám của con chị Lan chỉ toàn thuốc ngoại. Ảnh: H.Hải
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khẳng định, chất lượng thuốc mới là vấn đề quan tâm hàng đầu chứ không phải là nội - ngoại. Ảnh: H.Hải

Nhưng thực tế điều trị hiện nay, nhiều bác sĩ chọn kê đơn thuốc ngoại, vì sao?

“Thuốc generic giá thành rẻ hơn thuốc sáng chế là đương nhiên. Bởi thuốc generic là thuốc sản xuất hàng loạt để nhiều người dân ít có điều kiện kinh tế tiếp cận được với thuốc. Nếu chỉ để điều trị khỏi bệnh thì nó gần tương đương giống nhau bởi có cùng hoạt chất chính. Nhưng ngoài ra có nhiều yếu tố liên quan để người bác sĩ lựa chọn thuốc cho bệnh nhân, đặc biệt với trẻ em, người lớn tuổi bởi nó liên quan đến nhiều yếu tố từ chỉ tiêu hòa tan, mùi vị…Không thể so sánh chất lượng của thuốc sáng chế và thuốc generic.

Hơn nữa, không thể cứ nói thuốc Việt tốt, chất lượng tương đương là tin được. Nói thuốc mình tốt, các công ty Dược phải cho bác sĩ thông tin để thuyết phục bác sĩ thấy thuốc đó là tốt. Chúng tôi muốn biết quy trình sản xuất thuốc như thế này, nhà máy như thế nào… Bởi chúng tôi là những nhà khoa học, không thể chỉ tin vào lời nói thuốc tôi sản xuất tốt lắm. Cũng là nhập nguyên liệu từ nước ngoài nhưng chúng tôi phải biết quá trình bảo quản nguyên liệu ra sao, công bố chỉ số kỹ thuật, độ hòa tan, lưu kho bãi ra làm sao…

Với những thuốc nội cho tôi sự tin tưởng, tôi vẫn kê thuốc và kê nhiều. Kể cả với thuốc ngoại, tôi chỉ kê khi biết rõ chất lượng thuốc”, TS Dũng khẳng định.

Ví như loại thuốc ho Hoastex của Việt Nam rất rẻ, chỉ chừng 15 - 20 ngàn mà lại rất hiệu quả. Bởi đây là loại thuốc đã được nghiên cứu tại BV Nhi đồng 1, có bằng chứng khoa học rõ ràng. Trong khi đó, cũng với một loại thuốc ho nhập ngoại giá cao gấp 3 - 4 lần nhưng tôi không kê. Bởi tôi biết chắc chắn về hiệu quả của loại thuốc nội kia và giá thành thì rất rẻ. Vừa rẻ, vừa hiệu quả không dại gì bác sĩ chúng tôi không kê cho người bệnh.

Với kháng sinh thì lại phải tính, đặc biệt là kháng sinh đường uống. Nhà sản xuất phải công bố được độ hòa tan, tương đương sinh học… nếu không thầy thuốc rất khó tin tưởng vào chất lượng.

Theo TS Dũng, chất lượng thuốc là lý do chính để bác sĩ kê đơn thuốc nội hay thuốc ngoại chứ không phải vấn đề hoa hồng. Quan điểm dùng thuốc của các nước khác trên thế giới cũng như Việt Nam là dùng thuốc cho những nhóm nhân dân phù hợp với khả năng chi trả. Có nghĩa là thuốc chính hãng cho người giàu, còn thuốc generic dùng cho đại đa số người dân. Người thầy thuốc phải lựa chọn thuốc phù hợp với khả năng kinh tế của người bệnh.

Theo ông, người bác sĩ không dại gì để các công ty Dược lái mình bằng mấy đồng hoa hồng bởi rất nguy hiểm ngay đến chính họ chưa kể đến bệnh nhân. Ví như khám xong, thấy bệnh nhân thuốc A là tốt nhưng vì hoa hồng lại kê thuốc B mà chưa biết nó có tác dụng tốt không. Chữa tỉ lệ khỏi bệnh thấp hơn nhiều, không khỏi, bác sĩ mất uy tín. Đánh đổi cho tí hoa hồng làm hại chính bản thân mình.

Về việc cung cấp thông tin thuốc, ông Dũng cho rằng các Công ty Dược chưa làm được nhiều. Tôi luôn mở cửa cho các công ty Dược tiếp cận với chúng tôi để cung cấp thông tin về thuốc của họ hoàn toàn miễn phí.

Vấn đề TS Dũng cho là bất cập nhất không phải là kê đơn thuốc nội - thuốc ngoại, mà đó là tình trạng Việt Nam vẫn cho nhập những thuốc gọi là ngoại, nhưng là ngoại Hàn quốc, Ấn Độ… “Thực ra đó vẫn là thuốc generic giống hệt như Việt Nam làm, mua nhiên liệu và đóng gói thành thuốc chứ không phải thuốc sáng chế. Nhưng nhiều người đang bị nhập nhèm bởi loại thuốc này, tưởng ngoại là tốt trong khi chất lượng thì như Việt Nam bởi đều là thuốc generic”, ông Dũng nói.

TS Dũng dẫn chứng loại thuốc tiêm Cefotaxime 1g Việt Nam sản xuất rất nhiều, nhập nguyên liệu, đóng chai và có tác dụng tốt. Nhưng tại Việt Nam cũng có vài chục mặt hàng “ngoại” cùng dòng thuốc này từ Ấn Độ, Hàn Quốc… trong khi nó là hàng giống mình.

“Thuốc generic giống mình sản xuất, nhập lại đắt hơn nhiều, tại sao dùng thuốc đó? Vì thế trong Hội đồng thuốc BV Bạch Mai, cùng nhóm này chỉ có khoảng 3 - 4 loại thuốc khác nhau để tránh tình trạng độc quyền, còn không cho phép dùng bừa bãi”, TS Dũng nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ trưởngY tế Cao Minh Quang cho rằng, để thuốc nội đến được với người bệnh thì bác sĩ kê đơn có vai trò quan trọng. “Bác sĩ hoàn toàn có thể lựa chọn thuốc có tên generic tương đương sinh học với thuốc gốc mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị”.

Tuy nhiên ông cũng thẳng thắn cho rằng, muốn bác sĩ kê đơn thuốc nội thì chính nhà sản xuất, kinh doanh phải chứng minh thuốc của mình tương đương điều trị, tương đương tác dụng dược lý so với thuốc cùng loại nhập khẩu. Không thể có chuyện thuốc nhập khẩu uống 1g, thuốc trong nước uống đến 1,5 - 2g mới có tác dụng thì làm sao nói tương đương được. Điều đó không thuyết phục được bác sĩ kê đơn”, ông Quang nói.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm