Vì sao ăn cá ngừ dễ bị ngộ độc?

Theo cảnh báo của các nhà chuyên môn, chất Histamine có trong cá ngừ, nhất là khi cá đã bị ươn, chính là nguyên nhân gây ngộ độc.

Độc tố Histamine

 

Cá ngừ và một số loại cá khác như cá thu, cá trích, cá nục, cá heo  là loại cá có chứa Histamine rất cao. Histamine tạo ra khi cá chết.

 

Đặc tính của Histamine là chịu được nhiệt, thậm chí cá đã nấu chín, đóng hộp thanh trùng thì Histamine vẫn không bị tiêu hủy. Cơ thể con người chấp nhận hàm lượng Histamine nhất định không gây ra phản ứng ngộ độc nào, nhưng nếu hàm lượng Histamine quá cao sẽ gây độc.

 

Vì thế, khi cơ thể người bị yếu mà ăn phải cá ngừ có chứa nhiều độc tố Histamine thì sẽ bị ngộ độc ngay. Người bị ngộ độc do ăn cá ngừ có nhiều Histamine thường có các triệu chứng như: mặt đỏ bừng, đường tiêu hóa bị ảnh hưởng nên gây tiêu chảy, buồn nôn, ảnh hưởng trực tiếp đến thần kinh, đau đầu, nổi mẩn ngứa toàn thân và nóng ran trong miệng.

 

Nên chọn cá ngừ tươi

 

Bản thân một số loại cá biển như cá ngừ, cá thu chết sau 4 -6 giờ là bị phân hủy, cộng với hàm lượng đạm có trong cá cao càng làm cho cá mau bị hư và như thế hàm lượng Histamine sẽ tăng lên rất nhiều. Chưa kể tình trạng người đánh bắt đến người buôn bán ở chợ đã dùng nhiều hóa chất như urê, hàn the tẩm ướp cho cá cứng như cá tươi nhằm qua mắt người tiêu dùng, nên chất độc trong cá đã cao lại càng cao hơn.

 

Độc tố Histamine có ở khắp cơ thể cá, nhưng thường tích tụ nhiều ở những nơi dễ bị nhiễm vi sinh vật như ở phần xung quanh ruột cá (khi cá đã chết) hay trên da cá vốn thường có các tuyến dịch, môi trường rất thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Phần gần mang cá cũng là nơi tích tụ nhiều độc tố bởi khi cá chết, mang cá thường tụ máu, máu là môi trường rất tốt cho vi sinh vật phát triển... Ngoài ra, vi sinh còn xâm nhập từ vết thương như thịt cá bị rách trong quá trình đánh bắt và vận chuyển.

 

Vì vậy, người tiêu dùng nên chọn những con cá tươi và nên chọn cá được trữ lạnh liên tục hoặc được ướp muối thật kỹ.

 

Theo Người Lao Động