Vi khuẩn ruột non: Thiếu sẽ bệnh, thừa cũng hại!
(Dân trí) - Hệ vi khuẩn đường ruột có chục nghìn tỷ vi khuẩn với cả ngàn loài khác nhau, giữ vai trò quan trọng trong tiêu hóa, nội tiết, miễn dịch...
Nhưng khi hệ vi khuẩn này, đặc biệt ở ruột non, phát triển quá mức chúng lại gây bệnh cho con người: bệnh “Vi khuẩn ruột non quá sản, SIBO”.
Hệ vi khuẩn ruột non
Bộ ruột con người chứa hàng chục nghìn tỷ vi khuẩn trong cả ngàn loài khác nhau. Hệ vi khuẩn ruột (gut microbiome) này ký sinh không gây bệnh cho con người, mà lại có vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa: giúp tiêu hóa một số thực phẩm vốn dạ dày và ruột non con người không có các enzyme tương ứng; sinh tổng hợp một số vitamin nhóm B, vitamin K; và đóng vai trò quan trọng trong chức năng hệ miễn dịch. Do đó, hệ vi khuẩn ruột còn ảnh hưởng lên một số bệnh nội tiết-chuyển hóa, bệnh thần kinh.. như bệnh béo phì, đái tháo đường, bệnh Parkinson, trầm cảm, tự kỷ, và cả một số bệnh ung thư.
Đặc biệt, các vi khuẩn ở ruột non (small intestine bacteria) sẽ chế tiết các enzyme phân giải chất béo trong thức ăn, và giải phóng các hợp chất hoạt tính sinh học giúp các tế bào niêm mạc ruột hấp thụ và vận chuyển chất béo.
Quá sản vi khuẩn ruột non
* Định danh
Quá sản vi khuẩn ruột non (Small intestinal bacterial overgrowth, SIBO) là tình trạng bệnh lý gây ra do sự phát triển quá mức hệ vi khuẩn ruột non. Tình trạng này xảy ra khoảng 10-15% người trên 65 tuổi. Vì mất cân bằng vi khuẩn trong ruột này, người bệnh thường bị các rối loạn tiêu hóa như đau bụng, dạ dày, chướng hơi, sình bụng, tiêu chảy…
Bốn nguyên nhân chính gây ra SIBO là: (1) Nhu động chậm bất thường của hệ tiêu hóa; (2) Giảm sút độ axit dạ dày; (3) Cấu trúc bất thường của ruột non; và (4) Hệ miễn dịch suy yếu.
SIBO cũng là biến chứng của các bệnh lý: Xơ gan, Bệnh Crohn, Bệnh celiac, Suy giáp, Nhiễm HIV, Đái tháo đường, IBS, Xơ cứng bì…
Các yếu tố nguy cơ khác của SIBO: Tuổi già, Nữ giới, Sử dụng nhiều thuốc ức chế bơm proton (PPI) để điều trị viêm dạ dày, Phẫu thuật đường tiêu hóa, Dùng kháng sinh , Nghiện rượu….
* Các dấu hiệu nhận diện
Những dấu hiệu và triệu chứng của SIBO thường tương tự với các rối loạn tiêu hóa khác, đặc biệt hội chứng ruột kích thích IBS và rối loạn dung nạp đường lactose.
Các triệu chứng của SIBO bao gồm: Đau bụng, đau dạ dày; Đầy bụng; Chướng bụng; Đầy hơi; Táo bón; Tiêu chảy; Buồn nôn; Phân nặng mùi; Mệt mỏi; Sụt giảm cân….
* Làm sao chẩn đoán xác định?
Vì SIBO có nhiều triệu chứng chung chung, không đặc thù, và chưa có xét nghiệm “vàng”, đặc hiệu, nên việc chẩn đoán xác định còn rất khó khăn.
Hiện nay, để chẩn đoán xác định SIBO, bác sĩ phải tìm, hỏi các dấu hiệu, triệu chứng gợi ý và tiền sử bệnh nhân kỹ lưỡng; sau đó phải làm các thăm dò bụng để tìm dấu hiệu khí dư hoặc đầy hơi. Nếu họ nghi ngờ SIBO, có thể làm thủ thuật kiểm tra hơi thở: đo nồng độ hydro và metan do vi khuẩn sản xuất sinh ra khi phân hủy carbohydrate trong ruột. Ngoài ra, cũng cần xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc dịch ruột để phân tích, tham khảo thêm.
* Biến chứng
SIBO có thể gây nhiều tác hại cho cơ thể. Do tổn thương tế bào niêm mao ruột, làm suy yếu sự hấp thụ chất dinh dưỡng:
(1) Giảm hấp thu carhohydrate khiến cơ thể thiếu năng lượng cần thiết, sụt cân, thiếu dinh dưỡng, giảm sút cân trọng. Carbohydrate không được hấp thu sẽ lên men gây đầy hơi, sình bụng và tiêu chảy.
(2) Các axit béo chuỗi ngắn là nguồn dinh dưỡng chính của các tế bào lót đại tràng. Các tế bào này là hàng rào ruột mạnh mẽ, giúp loại bỏ các chất có hại, vi rút và vi khuẩn ..kết quả là giảm viêm, giảm nguy cơ ung thư.
(3) Giảm hấp thu protein dẫn đến giảm cân, thiếu máu, giảm chức năng miễn dịch.
(4) Giảm hấp thu khoáng chất và vitamin. Trong SIBO, các axit mật chịu trách nhiệm cho việc tiêu hóa và hấp thụ chất béo bị thiếu, vì thế hấp thu chất béo sẽ giảm kéo theo sự giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu A, D, E, K với các hệ lụy: Thiếu vitamin A gây các bệnh lý mắt và suy giảm miễn dịch. Thiếu vitamin D gây loãng xương và trầm cảm. Thiếu vitamin E ảnh hưởng hệ sinh dục, chống lão hóa. Thiếu vitamin K gây rối loạn đông máu, xuất huyết. Vi khuẩn quá phát trong ruột non cũng sử dụng các vitamin tan trong nước, làm giảm nguồn cung cho cơ thể: Thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến viêm thần kinh ngoại biên, thiếu máu….
Các biến chứng khác của SIBO gồm: Són phân (leaky gut), Đau khớp, Táo bón, Bệnh não gan, “não sương mù” (brain fog), vi khuẩn quá phát sẽ toái biến carbohydrate thành axit lactic gây nhiễm toan não khiến người bệnh đau đầu, không tập trung.
* Điều trị và dự phòng
Việc điều trị SIBO nhằm 3 mục đích: (1) Điều chỉnh sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột non bằng kháng sinh phổ rộng, và thay đổi chế độ ăn uống; (2) Điều trị triệu chứng các hậu quả của SIBO như tình trạng mất nước, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin…; và (3) Điều trị các căn bệnh tiềm ẩn và các yếu tố nguy cơ gây bệnh.
Các khẩu phần FODMAP dành cho người SIBO được đề xuất thường có các thành phần: * oligosacarit: lúa mì, các loại đậu, hành tây, măng tây, * disacarit: sữa, sữa chua, bơ, pho mát mềm, * monosacarit (fructose và glucose): trái cây, mật ong, táo, nấm.
SIBO thường là hậu quả của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc bệnh lý cấu trúc của ruột non. Do đó, kiểm soát được nguyên nhân gốc cũng sẽ giảm nguy cơ tái phát.
Đôi điều bàn luận
Khuẩn chí đường ruột đóng vai trò rất quan trong việc tiêu hóa thức ăn, hệ nội tiết-chuyển hóa, kiểm soát các bệnh lý đường ruột, hệ miễn dịch... Đặc biệt, các vi khuẩn ở ruột non sẽ chế tiết các enzyme phân giải chất béo thức ăn, và giải phóng các hợp chất hoạt tính sinh học giúp các tế bào niêm mạc ruột hấp thụ và vận chuyển chất béo. Sự cân bằng động hệ vi khuẩn ruột giúp ổn định việc vận hành và chức năng của hệ thống tiêu hóa.
Thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng vi khuẩn đường ruột. Chế độ ăn nhiều đường và béo thường có ảnh hưởng “tiêu cực” đến vi khuẩn đường ruột, vì cho phép các loài gây hại phát triển quá mức.
Hiện nay, vì chưa thật hiểu đầy đủ về SIBO, nên việc điều trị chưa thể gọi là “chính chuẩn”. Do đó, việc nghiên cứu cần phải được tiếp tục rộng và xa hơn để có được một cách phòng ngừa và điều trị khoa học, hiệu quả hơn.
Thay lời kết
Trong cơ thể, cân bằng động là điều kiện bắt buộc để tế bào, mô, cơ quan, hệ thống hoạt động hiệu quả: Số lượng tế bào máu, nồng độ các chất sinh học, nhịp thở, nhịp tim...có giao động lên xuống nhưng luôn ổn định ở một mức hằng định trung bình.
Vi khuẩn đường ruột nói chung, và vi khuẩn ruột non, cũng cần có sự cân bằng như vậy: thiếu sẽ bệnh, thừa quá hóa hại. Trên lâm sàng, nhiều trường hợp loạn khuẩn ruột do dùng kháng sinh kéo dài chỉ cần bổ sung các lợi khuẩn probiotic là ổn. Ngược lại, sử dụng lợi khuẩn “vô tội vạ” có thể bị những tác dụng phụ tai hại: Satish S.C. Rao và các nhà khoa học ĐH Augusta, Georgia, Hoa Kỳ, chỉ ra rằng các probiotic một khi khi phát triển trong ruột non gây nhiễm toan axit lactic và chứng "não bộ sương mù" (brain fog) với ruột chướng hơi, đầu đau nhức và mơ màng không tập trung suy nghĩ.
Tóm lại, hệ vi khuẩn ruột rất có ích cho hệ tiêu hóa, nội tiết chuyển hóa, miễn dịch...và lấn át các vi khuẩn gây bệnh. Trong thực tế, có thể điều chỉnh sự cân bằng hệ vi khuẩn trong ruột bằng 3 cách: (1) Dùng các lợi khuẩn probiotic sau các đợt kháng sinh; (2) Dùng các prebiotic, các chất xơ thức ăn cho lợi khuẩn; và (3) Điều trị các căn bệnh tiềm ẩn và các yếu tố nguy cơ gây rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột. Cũng cần nhớ rằng: Vi khuẩn ruột non: thiếu hay thừa đều gây ra bệnh !
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam