Vẹo xương sống vì bàn ghế
(Dân trí) - Phải ngồi học nhiều giờ trên lớp học, trong khi chỗ ngồi lại không phù hợp khiến tỷ lệ học sinh mắc các bệnh học đường như tật khúc xạ, cong vẹo xương cột sống ngày một nhiều.
Mới đi lao động nước ngoài trở về, tối nay chị Nga mới có thời gian ngồi xem con trai ngồi học. Chị bỗng giật mình khi phát hiện dáng ngồi lệnh hẳn một bên, đầu cúi gằm xuống quyển vở của con. Nhắc nhở con ngồi ngay ngắn thì nó chỉnh lại tư thế, nhưng chỉ được một lúc, cu cậu lại quay trở về với kiểu ngồi vẹo vọ quen thuộc.
Nghe con kể, chị mới biết, nó đã quen với kiểu ngồi như vậy trong suốt 2 năm học vừa rồi. Hoá ra, trường nơi con chị học bao gồm cả cấp I và II nên bàn ghế là những loại cao vút dùng chung cho cả hai cấp.
Bọn trẻ học cấp II còn đỡ chứ đám học trò tiểu học từ lớp 1 đến 3, đứa nào cũng khổ sở với những bộ bàn ghế quá cỡ so với vóc dáng bé nhỏ của chúng. Nhưng dần dà chúng rồi cũng phải thích nghi. Sau khi vắt vẻo ngồi được lên ghế chúng buộc phải vươn người, dùng khuỷu tay làm điểm tựa rồi cúi rạp đầu để viết. Cứ như vậy, lâu ngày thành tật.
Đưa con đi khám, các bác sĩ cho biết, do cháu ngồi học sai tư thế qua lâu khiến cho xương bả vai bị chèn ép và làm tổn thương dây thần kinh. Thêm vào đó mắt cháu bắt đầu có biểu hiện cận thị.
Trường hợp như con chị Nga là điển hình cho số rất đông các em học sinh hiện nay đang mắc những chứng bệnh học đường vì nhiều lý do. Một trong những nguyên nhân đó là những bộ bàn ghế sai quy định. Ngoài ra, hơn 15.000 học sinh xơ cơ đelta đã được mổ cần phải ngồi vào loại bàn ghế thích hợp để có thể phục hồi.
Quy định Vệ sinh trường học của Bộ Y tế: - Bàn học thích hợp nhất là loại hai chỗ ngồi, mỗi chỗ rộng không dưới 0,5m. Ghế phải rời bàn. - Lớp lá: Ghế cao 30cm, bàn cao 50cm (cỡ 2).
- Tiểu học: Ghế cao 33cm, bàn cao 55cm (cỡ 3) hoặc ghế cao 38cm, bàn cao 61cm (cỡ 4).
- Trung học cơ sở: Cỡ 4 hoặc cỡ 5 (ghế cao 44cm, bàn cao 64cm).
- Khoảng cách từ bàn đầu tới bảng là 1,7 - 2m, bàn cuối cách bảng không quá 8m. |
Phạm Thanh