Vén màn bí mật “thai trong thai”

Ngay sau khi Bệnh viện Nhi T.Ư phẫu thuật thành công ca bệnh được gọi là “thai trong thai” cho một cháu bé 6 tháng tuổi thì Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng điều trị một ca bệnh tương tự cho bệnh nhi 7 tuổi. Vậy thực chất của hiện tượng “thai trong thai” này là gì?

Linh cảm của người mẹ

 

Mới chỉ 3 ngày đón con gái Nguyễn Trang Mai, 6 tháng tuổi, từ Khoa hồi sức phẫu thuật sang Khoa ngoại - Bệnh viện Nhi T.Ư, chị Bùi Thị Hoa (27 tuổi, Nam Trực, Nam Định) đã cảm nhận rất rõ sự biến chuyển tích cực sức khỏe của bé Mai. Chị Hoa cho biết, chị không bất ngờ với tình trạng bệnh của con mình mà đây là một điều đã được chị biết trước từ khi còn mang thai.

 

Sau khi sinh con gái đầu được 5 tuổi, vợ chồng chị Hoa quyết định sinh cháu thứ 2. Trong suốt thời gian 3 tháng đầu thai kỳ, chị Hoa không có biểu hiện ốm nghén như nhiều phụ nữ khác, vẫn ăn ngủ rất khỏe. Mặc dù ở nông thôn nhưng chị đi thăm khám thai đều đặn theo dặn dò của bác sĩ, cân nặng của chị cũng tăng khá đều theo thời gian mang thai.

 

Bản chất là người khỏe mạnh lại có kinh nghiệm trong lần mang thai con gái đầu lòng nên khi có mang bé Mai chị Hoa cảm thấy rất nhẹ nhõm, không phải lo lắng băn khoăn gì. Nhưng đến khi thai sang tháng thứ 8 chị thấy trong người có gì khang khác, rất khó diễn tả, không giống như lần mang thai trước. Linh tính báo trước có điều gì bất thường với đứa con trong bụng, vì thế 2 vợ chồng quyết định đi khám thai ngay sau đó.

 

Kết quả khám thai cho biết, trong bụng thai nhi có một túi nước ối lớn và các bác sĩ tư vấn cho gia đình nên bỏ thai. Nhưng thương con và tin tưởng rằng sau khi sinh ra đứa trẻ có thể chữa trị được nên chị Hoa vẫn quyết định sinh cháu Trang Mai bình thường. Do lo ngại có những trục trặc trong quá trình sinh nở nên khi đủ tháng chị Hoa quyết định mổ lấy thai. Kết quả chụp CT sau sinh cũng cho biết cháu Trang Mai có một khối u trong bụng, các bác sĩ khuyên nên nuôi cháu lớn rồi hãy mang đi phẫu thuật. Vì thế đợi cho con được 6 tháng vợ chồng chị mới quyết định cho con lên Bệnh viện Nhi T.Ư để điều trị.

 

Sự thật về “người anh em” trong bụng

 

Căn cứ kết quả chẩn đoán hình ảnh và thể trạng của bệnh nhi Trang Mai, các bác sĩ Bệnh viện Nhi quyết định phẫu thuật. Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Liêm người trực tiếp chủ trì ca mổ, khối u trong bụng bé Mai có hình thù như một thai nhi, nặng 1,5kg, chiều dài 10cm, chiều ngang 7cm và chiều dày 5cm, có các mạch máu bám vào trong ổ bụng để duy trì sự sống. Các bác sĩ đã bóc tách “người anh em” này ra khỏi cơ thể bệnh nhi và đưa xuống Khoa giải phẫu bệnh phân tích.

 

BS. Ngô Văn Tín, Phó trưởng Khoa giải phẫu bệnh cho biết, nhìn hình dạng bề ngoài khối u trong bụng bé Mai giống như thai, đó là: có hình đầu, nhưng không có não, không có hộp sọ, không có bộ phận nào của mặt, có hai tay (1 bên dài, 1 bên ngắn), ngón tay mới ở dạng nhu nhú, 1 bên chân có ngón, còn 1 bên không. Có tổ chức da bọc toàn bộ khối đó. Phần thân có tổ chức ruột tương đối dài, không có các nội tạng khác, chỉ có một chút tổ chức của tuyến tuỵ, chủ yếu phần thân là xương và mỡ. Các xét nghiệm mô học cho biết các tổ chức da và dưới da là phát triển hơn cả như có nang lông, tuyến bã, tuyến mồ hôi. Ngoài ra thành phần mô của thai quái này còn có cơ, các mạch máu, mô xương và sụn, có cả mô thần kinh, có đủ thành phần cấu trúc ruột. Tất cả các thành phần này đã biệt hóa thành các mô, không còn các thành phần của phôi.

 

Theo BS. Tín đây là một trường hợp hiếm gặp nhưng chưa đủ các thành phần cơ thể nên không thể gọi là “thai trong thai” mà chỉ là một dạng u quái. BS. Tín cũng cho biết nếu trường hợp trong u quái này còn tổ chức phôi thì sẽ phát triển thành u quái ác tính, còn trường hợp của cháu Mai u quái trong bụng có các thành phần qua giai đoạn phôi và thành các mô nên là u quái lành tính.

 

Sự bất thường nào gây ra tình trạng đặc biệt này?

 

ThS. Nguyễn Cảnh Chương, giảng viên Bộ môn Sản - Đại học Y Hà Nội cho biết trường hợp “thai trong thai” rất hiếm gặp. Bình thường đó là những cặp song sinh cùng trứng nhưng do quá trình phân chia muộn của phôi dẫn đến tình trạng “thai trong thai”. Sự phân chia của những cặp song sinh cùng trứng từ ngày thứ 3, 4 sau khi thụ thai nhưng do sự phân chia muộn hơn, khoảng từ ngày thứ 7, 8 sẽ dẫn đến các trường hợp thai trong thai. Hầu hết các trường hợp này thai đều chết trong chu kỳ 3 tháng đầu tiên của thai nghén, một số ít sống được thì sinh ra trong tình trạng thai dính nhau chung một hoặc nhiều bộ phận cơ thể, một số ít khác là dạng “thai trong thai”. Trong sản khoa, trường hợp của em bé ở Nam Định và Đồng Nai gọi là tách đôi trứng không hoàn chỉnh.

 

Trong quá trình đầu của thai nghén, thai được chia thành 3 lá: ngoài, trong và giữa. Mỗi lá thai này có vai trò biệt hóa thành những bộ phận khác nhau của cơ thể nhưng do sự bất thường nào đó của quá trình phân chia các lá thai dẫn đến có những trường hợp trong bụng có răng, tóc, xương hay 1 ngón tay...

 

Để phòng tránh được các dị dạng thai nhi nói chung, các nhà sản khoa cho rằng quá trình trước và trong thời kỳ thai nghén, đặc biệt là 3 tháng đầu các bà mẹ cần tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và các tia phóng xạ. Nên tiêm phòng các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, Rubella, thủy đậu.

 

Trong thời kỳ mang thai cần thiết phải được theo dõi chặt chẽ, việc mẹ cháu Mai phát hiện ra bất thường sớm và chủ động điều trị cho cháu thấy được tiến bộ và quan trọng của chẩn đoán trước sinh. Trong những trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ trẻ bị dị dạng khi sinh, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho cả người mẹ và sự phát triển của đứa trẻ sau này.

 

Theo Lê Hảo

Sức khoẻ và đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm