Vào mùa bánh Trung thu... bẩn

Với cơ sở chật hẹp, ẩm thấp, nhân bánh không rõ nguồn gốc và các dụng cụ chế biến không đảm bảo vệ sinh, nhiều lò làm bánh tại TPHCM đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu… bẩn.

 

Vào mùa bánh Trung thu... bẩn - 1


 

Chưa ăn đã mốc

 

Trên thị trường xuất hiện tràn lan bánh Trung thu không nhãn hiệu. Điều đáng nói, bên cạnh những loại bánh cao cấp bán trong nhà hàng, khách sạn thì dọc lòng đường, vỉa hè cũng nhan nhản đủ các thương hiệu. Cách nay 2 ngày, chị Nguyễn Ngọc Hường (ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM) mua 2 cái bánh Trung thu được bán dạo dọc đường Nguyễn Thị Thập nhưng về đến nhà bóc bánh ra thì không ăn được vì có dấu hiệu mốc meo, lên mùi. “Hôm rước thằng nhỏ đi học về, đến gần ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Thị Thập thấy có một xe lam chất đầy bánh Trung thu rao bán nên tôi mua cho con ăn thử. Ai dè đâu mua phải của bỏ đi”, chị Hường bức xúc.

 

Theo miêu tả của chị Hường, chiếc xe lam bán bánh Trung thu thường xuất hiện vào tầm buổi chiều và toàn bán bánh đã bóc rời ra khỏi hộp. Trên bao ni lông của bánh ghi đủ thứ tên của các hãng bánh nổi tiếng. Ngoài bánh nhân thập cẩm, nhân đậu xanh, còn có bánh 1 trứng, 2 trứng. Người bán cho biết, do bánh bị đóng gói lỗi nên loại ra, bán rẻ.

 

Cũng theo chị Hường, giá bán mỗi bánh là 12.000 đồng, mua 3 cái được tặng 1 cái. Trong khi đó, theo tìm hiểu, giá bánh hiện có của các nhãn hàng như Kinh Đô, Hỷ Lâm Môn, loại bánh bình thường đã có giá gần 200.000 đồng/hộp 4 cái… Tương tự, chị Lê Thu Phương, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM, phản ánh cũng vừa mua phải bánh Trung thu dỏm được bán dạo trên quốc lộ 13 (đoạn gần chợ Bình Triệu).

 

Chị Phương cho biết, mấy ngày qua xuất hiện một xe tải nhỏ bán bánh Trung thu đậu ở đoạn đường trên với giá khá mềm, chỉ 10.000 đồng/cái. Cách nay mấy hôm, chị Phương đã mua 4 cái nhân hạt sen và thập cẩm nhưng khi về nhà bóc ra đã có mùi thum thủm. Theo chị Phương, nhìn mẫu mã bánh cũng đẹp nhưng vỏ ni lông in ấn mờ nhòe, không thấy hạn sử dụng, không thấy địa chỉ nơi sản xuất.

 

Trong khi đó, trên đường An Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân), đường Nguyễn Văn Linh (giáp ranh quận 8 và huyện Bình Chánh) những ngày qua cũng xuất hiện nhiều xe tải nhỏ bán bánh Trung thu. Qua tìm hiểu, phần lớn là bánh không rõ nguồn gốc, bánh nhái của các nhãn hiệu nổi tiếng. Các loại bánh này thường ăn theo thương hiệu Đồng Khánh, Kinh Đô.

 

Một người bán bánh Trung thu trên đường Nguyễn Văn Linh thừa nhận, bánh Trung thu được sản xuất ở Bến Tre, Long An và vận chuyển lên TPHCM bán, còn chất lượng ra sao thì không biết vì lấy sỉ bán lại. Ghi nhận tại các địa bàn quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, Hóc Môn cho thấy nhiều lò sản xuất bánh ngọt nay cũng đổ xô vào sản xuất bánh Trung thu. Tuy nhiên, để giữ cho bánh được lâu, nhiều cơ sở không ngại bỏ cả hàn the, formol và đường hóa học vào bánh. Chính vì vậy mà chưa đến rằm Trung thu, mà bánh đã đại hạ giá, mua 1 tặng 1.

 

Vỏ nội, nhân... Trung Quốc

 

Một trong những nguy cơ gây ngộ độc từ bánh Trung thu dỏm là nhân bánh. Thế nhưng, tìm hiểu thị trường cho thấy, hiện đang có sự bỏ ngỏ về nguồn gốc và chất lượng của loại nhân bánh này.

 

Tại một số chợ như Hòa Bình, An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6)... xuất hiện tràn lan nhiều loại bánh Trung thu với giá rẻ bất ngờ. Thường thì những loại bánh này chỉ được bọc bằng bao ni lông, còn lại không nhãn mác, không địa chỉ sản xuất, không túi hút ẩm, không hạn sử dụng.

 

Ghé qua chợ Bình Tây, loại bánh nướng (1-2 trứng) có giá chỉ từ 12.000 - 25.000 đồng/bánh, loại 120gr (không trứng) giá chỉ 8.000 đồng/bánh, bánh nhân thập cẩm loại 120g giá 9.000 đồng/bánh.

 

Quan sát kỹ, tất cả những loại bánh nói trên đều có chung một loại bao bì và cùng được ghi thành phần giống nhau như đậu xanh, bột mì, hạt sen, trần bì, vi cá, lạp xưởng, thịt gà, hạt dưa, hạt điều, thịt mỡ... Ngoài ra, nhiều sạp hàng bán bánh kẹo ở chợ Bình Tây ngoài việc bán các loại bánh Trung thu giá rẻ, còn bán đầy đủ các loại bao bì bánh Trung thu in sẵn với giá 300 đồng/cái, khay đựng bánh 500 đồng/cái, vỏ hộp 5.000 - 10.000 đồng/cái, tem các loại bánh như thập cẩm, đậu xanh, hạt sen... cùng với gói chống ẩm được bán theo ký.

 

Tại cửa hàng M., khi được hỏi có bán nhân làm bánh Trung thu hay không, chị chủ sạp không chút ngần ngừ: “Loại trứng muối hay nhân thập cẩm, bao nhiêu cũng có”. Chị chủ sạp còn nói, từ đầu tháng 8 đến nay, bán nhân làm bánh Trung thu rất chạy, nhất là bán về các tỉnh miền Tây. Xem qua một bịch nhân bánh có chữ Trung Quốc, chúng tôi không khỏi giật mình vì chẳng hề có nhãn chỉ tiêu chất lượng, địa chỉ nhà nhập khẩu…

 

Kiểm tra cho có

 

Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, hiện các đoàn thanh tra của sở và các quận huyện đã vào cuộc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm từ gần 1 tháng nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ông Phạm Kim Bình, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM, vẫn chưa phát hiện sai phạm lớn trong việc sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn TP. Thực tế là có trường hợp, ngay cả với cơ sở sản xuất bánh lớn như Công ty CP bánh kẹo V., qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện lô bánh với số lượng lớn được đóng bao ni lông không có nhãn mác. Loại bánh này trên bao bì chỉ in ngày sản xuất và hạn dùng mà không có bất kỳ thông tin về đơn vị sản xuất, thành phần, chỉ tiêu chất lượng, hướng dẫn sử dụng... Ngoài ra, tại khu vực sản xuất của công ty, bồn nước rửa tay cho nhân viên cáu bẩn.

 

Cũng theo ông Phạm Kim Bình, từ ngày 10-8 đến nay, đoàn thanh tra Sở Y tế và đoàn liên ngành TPHCM đã thanh tra 18 cơ sở sản xuất bánh Trung thu. Tuy nhiên đoàn vẫn chưa lấy bất kỳ mẫu bánh Trung thu nào để kiểm nghiệm chất lượng bởi theo BS Bình, các cơ sở sản xuất sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, các vi phạm không lớn nên đoàn không lấy mẫu kiểm nghiệm(?!). Điều này liệu có khách quan hay chỉ là thanh kiểm tra cho có? Trong khi đó, theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, nếu không kiểm soát tốt nguồn gốc, chất lượng bánh Trung thu thì nguy cơ ngộ độc là không tránh khỏi.

 

Theo Tường Lâm

Sài Gòn giải phóng