1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vàng da sơ sinh có thể gây tử vong

(Dân trí) - "Tỷ lệ vàng da ở trẻ sơ sinh rất cao và nếu bị vàng da bệnh lý trẻ có thể bị tổn thương não không hồi phục, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời", BS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Khoa Nhi BV Bạch Mai cảnh báo.

Thưa bác sĩ, vì sao trẻ sơ sinh thường bị vàng da?

 

Hầu hết trẻ sơ sinh sau sinh từ 2 - 3 ngày là bị vàng da, sau đó mức độ tăng dần cho đến ngày thứ 7 - 10 rồi hết. Nguyên nhân là do các hồng cầu trong máu bị vỡ đi quá nhanh chuyển hoá thành Bilirubin - một chất có sắc tố màu vàng. Bilirubin càng nhiều trong máu, mức độ vàng da càng nặng hơn.

 

Phân biệt giữa vàng da sinh lý và bệnh lý bằng cách nào và nó có ý nghĩa như thế nào, thưa bác sĩ?

 

Phân biệt được vàng da sinh lý và bệnh lý có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng ranh giới giữa bệnh lý và sinh lý rất mong manh.

 

Vàng da bệnh lý chỉ có hiệu quả điều trị trong 7 ngày sau sinh. Vì vậy, khi có dấu hiệu sau: vàng da chỉ ở phần đầu nhưng trẻ là trẻ sinh non hoặc có những triệu trưng nôn trớ, bú khó khăn, bú kém, hay quấy, khóc, ngủ li bì; vàng da tới bụng, tay chân; hay có bất cứ những dấu hiệu nghi ngờ gì khác thì hãy đưa trẻ đi khám ngay lập tức.

 

Được điều trị đúng cách, trẻ sẽ hết vàng da và không để lại bất cứ di chứng gì cho sức khoẻ của trẻ sau này.

Trẻ bị vàng da sớm trong 1- 2 ngày sau sinh thì gần như 80 - 90 % là bệnh lý. Nếu bị vàng da sinh lý, trẻ sẽ không cần điều trị, không cần can thiệp mà chỉ sau 7 - 8 ngày, hiện tượng vàng da sẽ hết.

 

Nhưng với vàng da bệnh lý, lúc này bilirubin vượt qua giới hạn cho phép, gan không đào thải kịp, bilirubin có nguy cơ thấm vào não (vàng da nhân) gây tổn thương não không hồi phục được.

 

Trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời, hoặc bị di chứng nặng nề do tổn thương não không hồi phục: không nói, không nhìn, không nghe được; bị liệt tay chân; có những rối loạn về hành vi; không phát triển về trí tuệ...

 

Vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Hàng ngày, trước khi tắm cho trẻ, cần quan sát từ đầu đến chân xem mức độ vàng da của trẻ như thế nào.

 

Trẻ sẽ bị vàng da toàn thân, nhưng quan sát bằng mắt thường thì vàng da biểu hiện ở đầu nhiều nhất. Nếu chỉ vàng da ở trên đầu, nói chung là mức độ nhẹ. Nhưng nếu thấy vàng da ở bụng, rồi xuống tới chân thì mức độ bệnh đã rất nặng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), người mẹ có thể dùng ngón tay ấn nhẹ xuống da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da, nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt.

 

Ngoài ra, người mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu: trẻ bị nôn trớ, bú kém, ngủ nhiều, quấy khóc... để xác định mức độ bệnh của trẻ. Đây là những biểu hiện sớm của vàng da đã có thể ảnh hưởng đến não.

 

Mức độ nặng hơn trẻ có thể bị co giật, li bì, hôn mê, bỏ bú nhưng thường ít sốt. Khi có những triệu chứng này, dù mới thấy trẻ bị vàng da phần trên đầu cũng phải đưa ngay trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được điều trị sớm nhất.

 

Bác sĩ có lời khuyên gì với các bà mẹ trong việc nhận biết vàng da cho trẻ?

 

Các bà mẹ thường có quan niệm, trẻ mới sinh không được cho trẻ ra ngoài mà luôn ở trong phòng kín, thiếu ánh sáng tự nhiên. Đây là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp bị vàng da mà không được phát hiện do ánh sáng đèn điện trong phòng làm khó nhận biết vàng da.

 

Mỗi ngày, bà mẹ nên bế con ra chỗ có ánh sáng tự nhiên (gần cửa sổ kín gió) để quan sát xem trẻ có bị vàng da không.

 

Xin cảm ơn bác sĩ.

 

Hồng Hải (thực hiện)