Vacxin - Biện pháp ngừa cúm gia cầm hữu hiệu
(Dân trí) - Một tín hiệu đáng mừng cho cuộc chiến chống dịch bệnh cúm gia cầm trong những ngày đầu năm 2007 là số xã nhiễm cúm gia cầm đã giảm nhờ vào những nỗ lực dập dịch triệt để của Chính phủ.
Những xã này đã tuyên bố hết dịch sau 21 ngày không xảy ra ổ dịch nào mới. Tuy nhiên nguy cơ quay trở lại của dịch bệnh vẫn còn rất cao khi nhu cầu sản phẩm gia cầm tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán, do vậy chúng ta cần phải đề cao cảnh giác đối với các hoạt động chăn nuôi và buôn bán gia cầm trái phép.
Tại Hà Nội, 60% nhu cầu về gia cầm do các địa phương lân cận như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…cung cấp. Thế nhưng lãnh đạo Sở NN- PTNT Hà Nội cũng thừa nhận, phần lớn các sản phẩm gia cầm vào thành phố không qua sự kiểm soát của Cơ quan thú y. Dù rằng đã có 8 trạm kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông chính ra vào thành phố, nhưng chỉ có 10 - 20% số phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật chấp hành phúc kiểm tại các trạm kiểm dịch.
Thực tế cho thấy virus H5N1 gây ra các đợt bùng phát dịch ở các tỉnh phía Nam trong những tháng gần đây đều được phát hiện ở các đàn gà, vịt ấp nở trái phép và không được tiêm phòng. Trong những năm qua, căn bệnh nguy hiểm này đã gây ra những tổn thất đáng kể về mặt kinh tế và xã hội, đặc biệt là gây thiệt hại cho hàng triệu hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Năm 2004, GDP giảm 0.5% dưới tác động trực tiếp của dịch cúm gia cầm. Hơn 45 triệu con gia cầm các loại bị tiêu hủy và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của 8 triệu hộ gia đình tham gia ngành chăn nuôi và chế biến gia cầm.
Chúng ta có thể không phải tiêu hủy hàng loạt gia cầm cũng như giảm thiểu những thiệt hại to lớn về mặt kinh tế và xã hội nếu người chăn nuôi gia cầm đã chấp hành nghiêm túc việc tiêm phòng vac-xin và không ấp nở gia cầm trái phép.
Tại sao cần phải tiêm phòng?
Tiêu hủy đàn gia cầm là biện pháp cần phải làm ngay khi phát hiện dịch bệnh, tuy nhiên biện pháp chính để ngăn ngừa dịch bệnh xảy ra là tiêm phòng vac-xin. Việc tiêm phòng vac-xin khi được thực hiện đồng bộ cùng các biện pháp ngăn ngừa và khống chế khác như kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, và chăn nuôi an toàn sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh, khống chế sự lây lan của virus và giảm thiệt hại cho người người chăn nuôi. TS Tô Long Thành - Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán Thú y TƯ cho rằng, ở những nơi thực hiện giám sát chủ động, tiêm phòng tốt, quản lý tốt thì tỷ lệ bảo hộ của đàn gia cầm rất cao, lên tới trên 80%.
Khi dịch cúm gia cầm xảy ra, giảm sự lưu hành của virus là một yếu tố quan trọng nhằm khống chế sự lây lan của virus sang gia cầm khác cũng như sang người. Khi gia cầm được tiêm phòng đầy đủ, chúng sẽ có sức đề kháng đối với virus tuy nhiên nguy cơ lây nhiễm vẫn còn. Mặc dù virus có trong phân gia cầm nhưng lượng virus có trong phân của những gia cầm đã được tiêm vac-xin sẽ ít hơn. Điều đó có nghĩa là việc giảm lượng virus trong phân của gia cầm sẽ làm giảm nguy cơ lây lan bệnh từ nơi này sang nơi khác.
Việc tiêm phòng còn giúp ngăn ngừa bệnh cho gia cầm và làm giảm lượng virus có trong môi trường và như vậy sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Những nghiên cứu thực nghiệm và dịch tễ học cho thấy việc tiêm phòng vac-xin như là một phần của chiến lược khống chế, trong đó có cả các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và giám sát, sẽ giúp dập được các ổ dịch cúm gia cầm.
Hãy là người tiêu dùng thông thái!
Bày một con gà lên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên vào các dịp lễ, Tết là một phong tục lâu đời của các gia đình người Việt. Tuy nhiên vào năm ngoái, vì lo sợ dịch cúm gia cầm nên nhiều gia đình đã không cúng tổ tiên bằng thịt gà và điều này đã gây thiệt hại cho ngành sản xuất và chăn nuôi gia cầm.
Vậy làm thế nào để vừa có thể giữ gìn được phong tục truyền thống lại vừa có thể thưởng thức được những sản phẩm gia cầm mà mình yêu thích? Câu trả lời là hãy mua gia cầm khỏe mạnh đã qua kiểm dịch và chế biến gia cầm một cách an toàn (như đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với gia cầm. Nấu gia cầm chín kỹ đến khi thịt không còn màu hồng và trứng không còn lòng đào). Bằng cách mua gia cầm sạch đã qua kiểm dịch, chúng ta không chỉ giảm nguy cơ lây nhiễm từ người sang người mà còn khuyến khích những người chăn nuôi gia cầm thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ.
Chúng ta chỉ nên mua và tiêu thụ các sản phẩm gia cầm có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y. Và nhớ là đừng dễ bị những người bán hàng thuyết phục như bác hàng xóm của tôi. Tuần rồi, khi đang đi một vòng quanh chợ Kim Liên, tình cờ gặp bác hàng xóm đi mua thịt gà và tôi nhìn thấy nửa con gà mà bác mua không hề có dấu kiểm dịch. Khi được hỏi, bác hàng xóm trả lời không một mảy may nghi ngờ rằng người bán hàng đã nói nửa con gà có dấu kiểm dịch đã được bán cho người khác rồi, cho nên nửa còn lại mà bác đã mua dĩ nhiên sẽ không có dấu kiểm dịch!
Qua câu chuyện này chúng ta cần nên rút kinh nghiệm khi mua các sản phẩm gia cầm và hãy luôn nhớ rằng việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch dễ làm chúng ta mắc bệnh cúm gia cầm. Vì sức khỏe của bản thân, chúng ta cần phải cẩn thận với việc lựa chọn mua các sản phẩm gia cầm của mình!
Hỏi đáp:
1.Việc tiêm phòng vac-xin cho gia cầm có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của bệnh cúm gia cầm không?
Tiêm phòng vac-xin là một biện pháp rất quan trọng nhằm giúp giảm sự lây lan của bệnh cúm gia cầm ở trong đàn gia cầm. Và do đó sẽ làm giảm nguy cơ con người bị phơi nhiễm với loại virus gây bệnh và giảm nguy cơ nhiễm bệnh ở người.
Việc tiêm phòng vac-xin phải được thực hiện đồng bộ cùng với các biện pháp khác như giám sát liên tục để có thể theo dõi được sự phát triển và phát tán của virus một khi việc tiêm phòng đã giúp giảm việc bùng phát dịch trên diện rộng.
2.Có nên lo ngại về vac-xin tiêm cho gia cầm?
Mục đích chủ yếu của việc tiêm phòng vac-xin cho gia cầm là để khống chế dịch cúm gia cầm ở gia cầm và do đó sẽ làm giảm lượng virus có trong môi trường và giảm nguy cơ lây nhiễm cho người. Nếu gia cầm được tiêu thụ 14 ngày sau khi tiêm vac-xin thì vac-xin sẽ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Việc tiêm phòng giúp ngăn ngừa bệnh cho gia cầm nhưng không phải lúc nào nó cũng ngăn ngừa sự lây nhiễm của vi rút H5N1. Do vậy những gia cầm được tiêm phòng đôi khi nhìn rất khỏe mạnh nhưng vẫn có thể tiếp tục phát tán vi rút mặc dù mức độ phát tán ít hơn gia cầm mắc bệnh. |