“Vá” lại tim bằng cách... phun sơn

(Dân trí) - Các nghiên cứu trên động vật cho thấy việc đặt miếng dán tim được chế tạo từ khung polymer tái sinh lên bề mặt của tim có thể là cách hiệu quả để bảo vệ chức năng tim sau cơn đau tim. Tuy nhiên, một qui trình như vậy chắc chắn sẽ đòi hỏi phẫu thuật mở ngực, khá nặng nề và là một rào cản lớn đối với việc sử dụng ở bệnh nhân.

Hiện nay, nghiên cứu mới trên chuột gợi ý rằng việc “phun” vật liệu sinh học lên tim bằng thủ thuật xâm lấn tối thiểu có thể ít rủi ro hơn, ít tốn kém, nhưng cũng mang lại hiệu quả tương đương.

“Phun sơn” vật liệu sinh học lên tim là một chiến lược đầy hứa hẹn để sửa chữa tim sau cơn đau tim và sẽ không đòi hỏi phải phẫu thuật hoặc khâu.
“Phun sơn” vật liệu sinh học lên tim là một chiến lược đầy hứa hẹn để sửa chữa tim sau cơn đau tim và sẽ không đòi hỏi phải phẫu thuật hoặc khâu.

Nghiên cứu do Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill dẫn đầu được công bố trên tạp chí Tissue Engineering Part C: Methods.

Bài báo cho biết các phương pháp điều trị hiện nay - bao gồm thuốc và bơm tim (thiết bị hỗ trợ tâm thất) - chỉ làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Hạn chế này, cùng với việc thiếu người hiến tim, đồng nghĩa với nhu cầu cấp bách về các liệu pháp mới tập trung vào tái tạo tim bị tổn thương để cải thiện kết quả cho bệnh nhân.

Từ việc phun sơn trong ngành xây dựng

Trong những năm gần đây, vật liệu sinh học đã cho thấy một số kết quả triển vọng trong các nghiên cứu về công nghệ mô để sửa chữa mô tim.

Ví dụ, các miếng dán tim – những khung polymer tái sinh được phủ lên bề mặt tim - đã được chứng minh có hiệu quả trong việc bảo vệ chức năng tim sau nhồi máu cơ tim ở loài gặm nhấm.

Tuy nhiên, đặt miếng dán lên tim theo nhiều lớp có lẽ sẽ cần phẫu thuật mở ngực - một thủ thuật nặng nề và nguy hiểm cho những bệnh nhân bị đau tim.

Do đó, các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm cách để đưa vật liệu sinh học tái sinh lên tim theo cách ít xâm lấn hơn, như họ viết:

"Lấy cảm hứng từ việc phun sơn mà ngành xây dựng đang sử dụng, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng có thể phun các vật liệu sinh học trùng hợp tại chỗ lên bề mặt của tim để tạo ra một lớp phủ thông nhất trên tim".

Nhóm đã quyết định sử dụng vật liệu phun là gel fibrin tiểu cầu vì loại vật liệu sinh học này được biết là giúp tạo thành cục máu đông và đã được thử nghiệm trong nhiều nghiên cứu trên động vật.

Những con số về đau tim

Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 735.000 người bị đau tim

1/5 số cơn là “thầm lặng” - người bệnh không hề biết nhưng tổn thương vẫn xảy ra.

Bệnh mạch vành là nguyên nhân chính gây ra cơn đau tim.

Phun gel fibrin lên tim

Gel có hai thành phần được đựng trong một xylanh "hai luồng". Hai thành phần kết hợp với nhau ở đầu ống tiêm - cùng với một ống chứa CO2 dưới áp lực - để tạo gel khi phun lên mục tiêu.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hiệu quả của gel trên tế bào nuôi cấy và trên tim của chuột sống qua một vết mổ nhỏ cạnh ngực.

Kết quả cho thấy vật liệu sinh học đã được phun không gây độc cho cơ tim, đọng lại trên bề mặt của tim và tự tiêu theo thời gian.

Ngoài ra, vì gel có chứa những "lỗ nối nhau", nó cũng có thể được sử dụng để giải phóng các chất như các yếu tố tăng trưởng để thúc đẩy việc sửa chữa cơ tim.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng việc phun vật liệu sinh học là khả thi để tạo thành miếng dán tim mà không cần phẫu thuật xâm lấn và khâu, và là một chiến lược đầy hứa hẹn cho việc sửa chữa tim sau cơn đau tim.

"Phương pháp “phun sơn” được mô tả ở đây là một ví dụ tuyệt vời về sự tiến bộ của công nghệ mô từ những năm 1990. Phương pháp này dễ dàng áp dụng ở các cơ sở y tế và cho thấy tiềm năng đáng kể trong điều trị bệnh nhân", GS. John A. Jansen, Trung tâm Y tế Đại học Radboud, Hà Lan nhận xét.

Cẩm Tú

Theo MNT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm