Ưu đãi tốt, bác sĩ trẻ hăng hái về vùng cao
(Dân trí) - Nhiều sinh viên tốt nghiệp ĐH Y khá giỏi sẽ được tăng cường về các địa phương, đặc biệt vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… để góp phần nâng cao chất lượng y tế tại các địa phương. Các sinh viên tình nguyện cũng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ.
Ngày 27/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã chính thức khởi động Dự án "Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, ưu tiên 62 huyện nghèo".
Người yêu hẹn đợi, gia đình cũng đồng ý!
“Khi em đăng kí, nhiều người nói, con gái học y ra trường đã “nhừ”. Giờ thêm 2 - 3 năm làm vùng cao rồi mới quay về thành phố, chắc lại rước anh dân tộc làm chồng thôi nhưng em vẫn quyết tâm đăng kí dự án này với nguyện vọng 1 là về Bắc Yên, một huyện nghèo của Sơn La”, Hoài nói.
Theo Hoài, thuận lợi nhất của em là có sự ủng hộ của gia đình và bạn trai. “Bạn trai đã ủng hộ Hoài đi tình nguyện và hứa chờ em 4 năm. Tuy nhiên, nếu anh ấy không chờ đợi được tới ngày đó thì em cũng chấp nhận. Biết đâu em lại gắn bó với nơi mình đến và lấy một anh dân tộc thật”, Hoài vui vẻ nói.
Cùng lớp với Hoài là bạn Trần Thị Hòa (quê ở Quế Võ, Bắc Ninh) cũng tham gia dự án tình nguyện này.
Chàng sinh viên trẻ Nguyễn Văn Hùng, sinh viên năm thứ 6, trường ĐH Y Hà Nội tham gia dự án cho biết: “Nhiều bạn chọn cho mình nơi mà các bạn chưa từng đặt chân đến nhưng em lại chọn về công tác tại một huyện nghèo của Bắc Giang, đây cũng chính là quê hương em. Bởi em nghĩ, đóng góp cho quê hương cũng là cống hiến. Vấn đề làm sao để mình có hăng hái tham gia rồi nhưng phải đạt điều kiện để được tham gia, đó là tốt nghiệp loại khá, giỏi trở lên”.
Anh Nguyễn Đức Nghĩa, Bí thư Đoàn trường Đại học Y Hà Nội cho biết, đó là 3 trong số hơn 50 sinh viên trường Đại học Y đăng kí tham gia dự án thí điểm bác sỹ tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo của 62 huyện nghèo. Dự kiến, sau 4 tháng nữa, khi khóa SV Y6 tốt nghiệp thì số lượng đăng ký tham gia Dự án sẽ còn cao hơn. Đa số các bạn đều ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, xuất thân gia đình khá giả nhưng vẫn nhiệt tình xung phong về nơi vùng sâu, vùng xa để cống hiến sức trẻ. Tuy nhiên, các bạn vẫn rất băn khoăn về những ưu đãi của Dự án. Các bạn cho biết vẫn có thể đi công tác tình nguyện với thời gian lâu hơn, nhưng không biết khi trở về, liệu vị trí công tác có được đảm bảo như cam kết không.
Hưởng nhiều quyền lợi
Nếu sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi đăng ký về công tác tại huyện nghèo sẽ được đạo tạo miễn phí trong 20 tháng và được cấp chứng chỉ tùy theo khóa đào tạo. Cụ thể, các sinh viên sẽ được đào tạo bằng chuyên khoa cấp I (20 tháng) hoặc ít nhất có chứng chỉ chuyên khoa định hướng (10-12 tháng) rồi mới đưa các em về công tác tại các huyện. Trong thời gian đó, các cơ sở đào tạo và bệnh viện tuyến trung ương tiếp tục cử người về địa phương để đào tạo, hướng dẫn BS trẻ đó theo nguyên tắc “cầm tay chỉ việc”. Đặc biệt, trước đó sinh viên tham gia đề án sẽ được một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tuyển dụng thành cán bộ chính thức... Đây là hai quy định (trong Dự án đưa BS về huyện nghèo công tác) tạo sức hút đặc biệt đối với rất nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp đại học Y.
Ngoài ra, mức hỗ trợ lương của dự án cũng rất hấp dẫn. Mỗi BS sĩ trẻ sẽ có thu nhập từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương có thể giúp cán bộ trẻ ổn định cuộc sống trong thời gian cống hiến sức trẻ cho các địa phương nghèo. Được các địa phương hỗ trợ một khoản kinh phí. Đặc biệt, các BS trẻ về tình nguyện về công tác tại huyện nghèo sẽ được giãn khoản nợ đã vay ngân hàng trong quá trình học trước đây
Tại hội nghị khởi động dự án diễn ra sáng 27/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mục tiêu của dự án là làm giảm bớt khoảng cách về chất lượng dịch vụ y tế giữa vùng thành phố, đồng bằng và vùng sâu vùng xa, nâng cao sự thụ hưởng về y tế của người dân các vùng này. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nhiều thanh niên được cống hiến cho đất nước, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên tại các BV tuyến TƯ.
Thực tế hiện nay nhiều sinh viên trường y ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, hoặc có thực tập ở các BV cũng rất lâu mới ký được hợp đồng. Trong khi đó, tham gia dự án mang lại cơ hội học tập và nghề nghiệp rất tốt cho các em.
Tuy nhiên, để tránh việc cung nhiều, cầu ít, Bộ trưởng cũng cho biết sẽ có khảo sát kỹ lượng tại các địa bàn khó khăn, thiếu bác sĩ, đề nghị các huyện đăng ký số lượng bác sĩ cần có, chuyên ngành đang thiếu. Theo Bộ trưởng, đợt đầu “ra quân” sẽ đào tạo cho khoảng 70 sinh viên sắp ra trường.
Đến nay đã có hơn 150 sinh viên năm thứ 6 thuộc 4 trường ĐH Y (ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Thái Bình, ĐH Y Hải Phòng, ĐH Y Dược Thái nguyên) đăng ký tham gia Dự án đưa BS trẻ về huyện nghèo công tác. Sau khi tốt nghiệp đại học (6/2013), những BS trẻ này sẽ được tham gia khóa đào tạo của Dự án. Dự kiến tới tháng 6/2014, số bác sĩ trẻ tình nguyện đầu tiên sẽ về công tác tại các huyện nghèo. Đến nay, cũng đã có 35 BV trực thuộc Bộ Y tế cam kết tuyển dụng các BS trẻ. |
Hồng Hải