Uống nhầm hóa chất làm bánh, trẻ bị teo thực quản
(Dân trí) - Sau khi chơi đùa với đám bạn, bé gái khát nước chạy lại chỗ người lớn đang làm bánh, cầm chai ngửa cổ uống. Ngay lập tức cháu bị ho sặc sụa, đàm nhớt nhễ nhại. Tại bệnh viện, bác sĩ xác định bệnh nhi bị bỏng nặng thực quản do uống phải dung dịch kiềm.
Ngày 8/10, thông tin từ BS Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, tại đây đang điều trị cho một trường hợp bị bỏng nặng thực quản do uống nhầm hóa chất. Nạn nhân là bé Phạm Thị Mai Lan (4 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp).
Điều tra bệnh sử ghi nhận, trước khi tai nạn xảy ra, cháu theo mẹ đi ăn đám giỗ. Trong lúc mẹ bận phụ bếp, bé Mai Lan chơi cùng nhóm trẻ đồng trang lứa. Sạu một hồi nô đùa, cháu khát nước nên lại chỗ người lớn đang làm bánh ú, cầm chai ngửa cổ uống. Ngay lập tức cháu khóc thét, ho sặc sụa, đàm nhớt nhễ nhại chảy ra từ miệng.
Cháu được người nhà đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu cùng với chai dung dịch chứa nước có màu trong tự nhiên. Bác sĩ xác định, loại dung dịch mà bé uống phải là nước tro tàu được sản xuất công nghiệp, chứa kiềm (KOH là chất ăn mòn). Theo thông tin người nhà cung cấp, dung dịch tro tàu bé uống phải được gia chủ của đám giỗ sử dụng để tạo độ dẻo và màu sắc cho bánh ú.
Bệnh nhi sau đó được chuyển lên bệnh viện Nhi Đồng 1 vì bỏng thực quản quá nặng. “Cháu bé bị bỏng thực quản độ II, chất kiềm đã ăn sâu vào thực quản hình thành sẹo, gây hẹp thực quản khiến bệnh nhân không nuốt được thức ăn. Trước nguy cơ sẹo hẹp gây dính thực quản có thể khiến bệnh nhân tử vong do suy kiệt vì đau đớn và không ăn uống được, chúng tôi đã phải tiến hành đặt stent nong thực quản. Tuy nhiên, việc điều trị rất khó khăn, nguy cơ sẹo gây tái hẹp có thể sẽ khiến bệnh nhân phải nong thực quản mỗi tháng 1 lần.”, BS Hoàng Sơn cho hay.
Được biết, tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi năm tiếp nhận khoảng 20 trường hợp uống hóa chất gây bỏng thực quản. Nhiều trường hợp bị bỏng nặng, thực quản hẹp khít không thể nong được, bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ và dùng ruột già để tái tạo thực quản mới. Tình huống xảy ra tai nạn thường là do trẻ uống phải hóa chất người lớn đựng trong chai nước giải khát, nhưng cũng có nhiều trẻ cố tình uống a-xít và các hóa chất khác tự tử do giận cha mẹ hoặc người thân.
Bác sĩ khuyến cáo, để tránh các tai nạn đau lòng tương tự có thể xảy ra với con trẻ, người lớn tuyệt đối không nên đựng dung dịch hóa chất trong vỏ của các loại chai giải khát; để hóa chất xa tầm tay của trẻ.
Việc sơ cứu ban đầu với những trẻ bỏng hóa chất cũng rất khó khăn, phương pháp xử trí đơn giản nhất nhưng ít hiệu quả là lấy nước lọc để rửa vết thương, cho bé súc miệng và uống. Nếu xác định hóa chất là dung dịch kiềm thì lấy chanh vắt vào nước để trung hòa chất kiềm nhưng giải pháp này có thể gây nguy hại vì không biết nồng độ bao nhiêu là hợp lý.
Nếu bỏng a-xít thì lấy sữa tươi cho trẻ uống do tính chất kiềm của sữa có khả năng trung hòa a-xít, nhưng nguy cơ nhiễm trùng có thể khiến tổn thương nặng thêm. Nếu phát hiện trẻ uống phải hóa chất, tốt nhất người nhà cần đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ can thiệp kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Vân Sơn