Ung thư phổi gia tăng ở phụ nữ và người không hút thuốc lá

(Dân trí) - Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng tỉ lệ ung thư phổi ở phụ nữ và những người không hút thuốc lá đang tăng lên.

 

Ung thư phổi gia tăng ở phụ nữ và người không hút thuốc lá

 

Các nhà khoa học đến từ trường Cao đẳng Bác sĩ khoa hô hấp và Điều dưỡng tổng hợp Pháp đã thực hiện nghiên cứu trên 7.610 bệnh nhân ung thư phổi và 7.610 trường hợp mới phát hiện ung thư phổi ở Pháp trong năm 2010.

 

Nghiên cứu chỉ ra rằng số người không bao giờ hút thuốc bị mắc ung thư phổi chiếm 11,9%, tăng 7,9% so với năm 2000. Và tỉ lệ nữ mắc ung thư phổi tăng từ 16 - 24,4% trong 10 năm qua.

 

Ở những phụ nữ từng hút thuốc, tỉ lệ mắc bệnh ung thư phổi gần như không đổi trong khoảng thời gian 10 năm, dao động trong khoảng 65% số trường hợp mắc bệnh. Trong khi đó, con số này giảm ở nam giới và tỉ lệ nam không hút thuốc bị mắc bệnh cũng tăng lên.

 

Hơn nữa, nghiên cứu còn cho thấy sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng của bệnh ung thư ở thời điểm chuẩn đoán.

 

“Không những số bệnh nhân tăng lên mà số ca được chẩn đoán ung thư giai đoạn 4 cũng tăng lên”, trưởng nhóm nghiên cứu TS Chrystèle Locher bày tỏ lo ngại.

 

Sự thay đổi này - 58% trường hợp phát hiện ung thư giai đoạn 4 trong năm 2010 so với 43% vào năm 2000 - phản ánh sự phát triển khó lường của ung thư. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra một thay đổi lớn trong về loại ung thư mà người bệnh được chuẩn đoán. Tỉ lệ người bị u tuyến tăng từ 35,8% lên đến 53,5% trong thập kỉ qua.

 

Locher cho rằng cần tiến hành nhiều nghiên cứu thí nghiệm nữa để tìm ra nguyên nhân gây ung thư ở những người không sử dụng thuốc lá, tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng khí thải từ động cơ diesel có thể là một trong những nguyên nhân. (Tổ chức Y tế Thế giới WHO mới đây đã đưa khí thải động cơ diesel vào danh sách chất có khả năng gây ung thư).

 

Trong các công trình nghiên cứu được công bố tại hội nghị tổ chức bởi Hiệp hội Hoa Kỳ về sự phát triển của ung thư, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ung thư phổi ở người không hút thuốc và người nghiện thuốc lá có sự khác nhau. Đối với trường hợp bệnh nhân ung thư phổi là người không sử dụng thuốc lá thì số đột biến DNA trong các tế bào ung thư nhiều gấp hai lần so với người hút thuốc.

 

Để chống lại sự gia tăng tỉ lệ ung thư ở phụ nữ, Locher đề nghị cần có chiến dịch nâng nhận thức trong cộng đồng. Chiến dịch chống hút thuốc cần hướng tới phụ nữ hơn nữa bởi hiện tỉ lệ mắc ung thư ở phụ nữ do hút thuốc lá có sự thay đổi nhẹ theo chiều hướng xấu.

 

Các kết quả của nghiên cứu này được trình bày vào ngày 04/09 tại Hội nghị thường niên của Ngành Hô hấp Châu Âu.

 

Thu Trang