1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Ung thư ở trẻ em: Nhiều loại có thể điều trị khỏi

Bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng khoa nội 3, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết: hiện nay ở các nước phát triển tỷ lệ điều trị khỏi bệnh ung thư trẻ em (UTTE) lên tới 75%. Ở Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung tỷ lệ trẻ mắc bệnh ung thư được điều trị khỏi cũng đang ngày một tăng dần do được hợp phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Mùa xuân đang trở lại…!

 

Sáng 1/2, khi chúng tôi có mặt tại khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Ung bướu TPHCM thì cũng là lúc anh N.V.Phước và con trai N.T.Phú đang sửa soạn hành lý để về nhà. Niềm vui sướng, hạnh phúc làm anh N.V.Phước xúc động muốn khóc.

 

Anh N.V.Phước kể lại: cách đây 8 tháng trong lần đi học về đùa giỡn với bạn học cùng lớp thì cháu Phú bị vấp ngã. Khi đứng dậy cháu có cảm giác đau bụng. Cháu nhìn kỹ thì phát hiện ra phần bụng phía trên rốn bên phải bị lệch, đưa tay ấn vào bụng thấy cứng và cộm… gia đình đã đưa cháu đi điều trị nhiều nơi từ Nam chí Bắc nhưng do khối u trong bụng cháu quá lớn nên họ đành “bó tay”, khuyên anh nên đưa cháu về nhà được ngày nào hay ngày đó. Không nản lòng anh đưa cháu tới Bệnh viện Ung bướu TPHCM với hy vọng còn nước còn tát.

 

Theo bác sĩ Trần Chánh Khương, Trưởng khoa nội 3, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, thì cháu Phú bị ung thư nguyên bào gan thùy phải. Nhập viện trong tình trạng bụng to, bướu cực lớn – kích thước tới 18x20cm. Điều may mắn đó bệnh của Phú chưa di căn. Phú được các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM dùng phương pháp hóa trị trong gần 4 tháng làm giảm 50% kích thước khối u và đến ngày 10/10 thì tiến hành phẫu thuật cắt bỏ u. Tiếp tục dùng thuốc điều trị đến nay, em Phú đã bình phục và đang làm thủ tục để xuất viện.

 

Tại phòng bên cạnh, tình hình sức khỏe của bé L.P. Anh (4 tuổi) cũng rất khả quan. Bé Anh bị ung thư bạch cầu lympho cấp (nguy cơ vừa) làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7. Bé nhập viện trong tình trạng mí mắt trái bị sụp xuống, miệng bị méo… triệu chứng lâm sàng là sốt, xanh xao, biếng ăn… sau khi được điều trị sức khỏe hiện nay đã gần bình phục hoàn toàn. Cháu hết sốt, lên cân, mí mắt được phục hồi, hết méo miệng… chỉ cần điều trị thêm một thời gian ngắn nữa là có thể về nhà. Bác sĩ Khương phấn khởi cho biết.

 

Phát hiện sớm, điều trị đúng có thể khỏi bệnh

 

BS Trần Chánh Khương cho biết: việc chẩn đoán và điều trị UTTE ở nước ta có những bước tiến, một số dạng UTTE là có thể điều trị khỏi, một số khác sau quá trình điều trị tích cực cũng cải thiện được chất lượng và thời gian sống lâu hơn. Với điều kiện là phải phát hiện sớm bệnh chưa bị di căn, điều trị tích cực, đúng nơi có chuyên khoa.

 

Hiện nay, các bệnh UTTE có cơ may điều trị tốt là: bệnh bạch cầu lymphô cấp (nhóm nguy cơ thấp), bệnh Lymphô Hodgkin, ung thư nguyên bào gan, ung thư nguyên bào thận, ung thư tế bào mầm của buồng trứng (ở bé gái) hoặc tinh hoàn (ở bé trai), bướu wilms’, sarcom cơ vân, ung thư nguyên bào thần kinh…

 

Bảy triệu chứng cảnh báo UTTE:

 

1. Sốt cao kéo dài và có vết bầm, chảy máu dưới da

 

2. Trẻ xanh xao và mệt mỏi vô cớ

 

3. Có một khối u, hạch hoặc chỗ song bất thường

 

4. Đau một khớp xương kéo dài hoặc đi tập tễnh

 

5. Nhức đầu tăng dần có kèm nôn ói buổi sáng

 

6. Mắt nhìn kém hoặc bất chợt có đốm trắng ở tròng đen

 

7. Trẻ sụt cân, bụng to và sờ thấy bướu

 

Theo BS Trần Chánh Khương, UTTE chiếm tới 10% trong số các nguyên nhân gây tử vong ở trẻ. UTTE có những điểm khác người lớn là: xuất phát từ những tế bào non, tăng sinh rất mạnh, diễn tiến nhanh…

 

Các dạng ung thư thường gặp ở trẻ là ung thư hệ tạo huyết, bệnh bạch cầu Lympho cấp, nhũn bướu não, bướu nhật bản võng mạc, bướu nhật bản thần kinh, bướu tế bào mầm, sarcoma mô mềm… Việc điều trị UTTE hiện nay chủ yếu bằng các phương pháp hoá trị, xạ trị, và phẫu thuật.

 

Trong quá trình điều trị, tùy theo từng trường hợp, từng loại bệnh mà lựa chọn phương pháp tối ưu hoặc cũng có thể điều trị phối hợp giữa các phương pháp trên.

 

Tuy nhiên, hiện ở nước ta có tới trên 70% trẻ mắc bệnh ung thư đến các cơ sở bệnh viện để chẩn đoán và điều trị trong tình trạng trễ, thể trạng suy yếu nhiều nên khiến cho công tác điều trị gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp, tốn kém… do đó, cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân có thêm kiến thức cho việc phòng ngừa, tầm soát căn bệnh nguy hiểm này.

 

Theo Tiến Đạt

Sài Gòn giải phóng