Ung thư lưỡi dễ nhầm với nhiệt miệng

(Dân trí) - “Ở giai đoạn đầu, rất nhiều bệnh nhân ung thư lưỡi nhầm mình bị nhiệt miệng. 90% bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, do đó buộc phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tuỳ vị trí và kích thước khối u)”, TS.BS Nguyễn Quốc Bảo cho biết.

Chủ quan, coi thường bệnh nhẹ, anh Bùi Văn Hậu (48 tuổi, Mỹ Đức - Hà Nội) phát hiện mình ung thư lưỡi khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Tại viện K Trung Ương các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn lưỡi cho anh.

 

Đưa chồng đi khám lại, chị Nguyễn Thị Huệ (vợ anh Hậu) buồn bã kể: “Ban đầu tưởng anh ấy chỉ nhiệt miệng thôi. Mấy tháng liền kiêng bia rượu, ăn toàn đồ mát, rồi uống kháng sinh không thấy đỡ nhưng cũng không bị đau nhiều. Thời gian sau, các vết loét thi nhau mọc, vết cũ chưa khỏi hẳn thì vết mới đã lên. Đi khám thì bác sĩ bảo bị chứng nhiệt miệng, viêm nhiễm khoang miệng...

 

Hết thuốc tây rồi chuyển sang thuốc bắc cũng không thấy đỡ. Hai vợ chồng ra bệnh viện tỉnh khám thì được bác sĩ ở đó giới thiệu ra viện K Trung Ương. Ở đây bác sĩ đã phát hiện chồng tôi bị ung thư bờ lưỡi (một dạng của ung thư khoang miệng) giai đoạn cuối”.

 

Thủ phạm gây bệnh

Ung thư lưỡi dễ nhầm với nhiệt miệng    - 1

Rượu, thuốc lá - thủ phạm chính gây ung thư lưỡi

Cũng giống như ung thư niêm mạc má và ung thư vòm họng, hầu hết bệnh nhân ung thư lưỡi có sử dụng thuốc lá và rượu. Những người nghiện rượu hay thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

 

Ngoài ra, viêm cận răng cũng là nguyên nhân sinh ra tế bào ung thư lưỡi, tình trạng vệ sinh răng miệng kém cũng được coi là thủ phạm. Loại trừ những nguyên nhân trên, người bệnh vẫn có nguy cơ mắc ung thư lưỡi nếu vệ sinh răng miệng không được đảm bảo.

 

Hàng năm, số lượng bệnh nhân mắc ung thư khoang miệng trên 20.000 người, chiếm 10 - 15% trong số các bệnh ung thư và là một trong 10 loại ung thư thường gặp nhất ở VN.

 

“Trong 2 năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân mắc ung thư lưỡi tăng gấp 3 lần các năm trước (nam cao hơn nữ). Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là những người trung niên (trên 40 đến trên 60 tuổi)”, TS.BS Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng khoa ngoại Đầu - Cổ bệnh viện K Trung Ương cho biết.

 

Khám K ngay nếu 3 tuần dùng kháng sinh không khỏi

 

Hầu hết bệnh nhân ung thư khoang miệng đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, trong đó 90% bệnh nhân ung thư lưỡi được phát hiện khi các tổn thương đã lan rộng, phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tuỳ vị trí và kích thước khối u). Ở giai đoạn đầu rất nhiều bệnh nhân đã nhầm với nhiệt miệng.

 

“Phần lớn các bệnh nhân ung thư lưỡi không có cảm giác đau ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường chủ quan và không đi khám. Nhưng khi tổn thương lớn lên mới xuất hiện nhiều triệu chứng như: xuất hiện hạch ở cổ, vết loét lâu ngày, màu trắng hoặc đỏ ở hai bên lưỡi (có thể hơi đau hoặc không đau), khó khăn khi nói, nhai, chảy máu lưỡi, đau tai… ngứa hoặc đau rát lưỡi khi uống rượu hoặc ăn các loại thức ăn có tính axit. Những biểu hiện trên có thể tái đi tái lại nhiều lần. Quá trình chăm sóc, điều trị hậu phẫu khá phức tạp vì ung thư lưỡi có nguy cơ tái phát và biến chứng rất cao. Giống các loại ung thư khác, ung thư lưỡi có thể di căn đến phổi, gan hoặc xương…”, TS Bảo cho biết.

 

Qua đây, bác sĩ khuyến cáo: “Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sau bữa ăn, trong khoảng 3 phút. Ngoài ra, nên dùng chỉ tơ nha khoa làm vệ sinh những kẽ trống giữa hai răng mà việc đánh răng không chạm tới được, nên đi khám nha sĩ tối thiểu 1 lần/năm. Một điều hết sức quan trọng cần lưu ý là: hạn chế tối đa rượu và thuốc lá (nguyên nhân chính gây ung thư). Khi có những dấu hiệu trên nếu sau 3 tuần điều trị bằng kháng sinh không khỏi cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện và điều trị sớm”.

 

Thu Hà