Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Ung thư đại trực tràng thuộc nhóm 5 ung thư thường gặp ở Việt Nam, với số ca tử vong ngày càng tăng. Đáng chú ý, bệnh này gia tăng 51% ở người dưới 50 tuổi.

15-20% ca ung thư đáng lẽ có thể phát hiện sớm qua nội soi đại tràng nhưng đã bị bỏ sót, trong 3 năm qua. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, tầm soát ở tuổi 45 giúp sớm phát hiện và điều trị hiệu quả ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45? - 1

Hội thảo "Tiếp cận đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật" do bệnh viện FV (thành viên Tập đoàn Y tế Thomson) tổ chức ngày 24/8 tại TPHCM.

Thông tin được bác sĩ Jarrod Lee - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Phòng khám Tiêu hóa Gutcare (Singapore) chia sẻ tại Hội thảo "Tiếp cận đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật" do bệnh viện FV (thành viên Tập đoàn Y tế Thomson) tổ chức ngày 24/8 tại TPHCM. Chương trình thu hút hơn 450 bác sĩ của các bệnh viện tại TPHCM và các tỉnh lân cận tham dự, thảo luận, chia sẻ các nghiên cứu, phác đồ và thực tiễn điều trị.

Dẫn thống kê 2020 của WHO, bác sĩ Jarrod Lee nêu thực trạng báo động của ung thư đại trực tràng trên toàn cầu, với số người mắc cao, nằm trong top 2 các loại ung thư gây tử vong nhiều nhất (sau ung thư phổi). Tại Việt Nam, theo Globocan 2020, ung thư đại trực tràng chiếm 9%, đứng thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, số ca tử vong ngày càng tăng.

Là ung thư tiêu hóa thường gặp trên thế giới cũng như Việt Nam, các số liệu ghi nhận tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở người dưới 50 tuổi tăng 51% kể từ năm 1994 (tăng 1,3% hằng năm ở nhóm 40-49 tuổi).

Thực tế trên đặt ra vấn đề cần tầm soát ở tuổi 45, thay vì từ 50 tuổi như trước đây. Việc tầm soát để phát hiện và cắt bỏ polyp ở người 45-49 tuổi giúp giảm tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng ở người từ 50 tuổi trở lên. Ngoài ra, ngăn ngừa ung thư đại trực tràng từ sớm là cần thiết, vì tác động xã hội của tử vong do ung thư đại trực tràng ở độ tuổi sớm là đặc biệt nghiêm trọng.

Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45? - 2

Bác sĩ Jarrod Lee chia sẻ tại hội thảo "Tiếp cận đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật" (Ảnh: FV).

"Ít nhất 8 cơ quan y tế hàng đầu trên thế giới khuyên nên sàng lọc ung thư đại trực tràng từ 45 tuổi, đây là những người có nguy cơ trung bình, cần được tầm soát sớm. Người có nguy cơ cao tầm soát sớm hơn nữa, dựa trên tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc bệnh", bác sĩ Jarrod Lee thông tin.

Việc nội soi đại tràng, cắt polyp cần đến bệnh viện có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, vì để nhận ra dấu hiệu sớm và chẩn đoán chính xác phụ thuộc rất nhiều vào người thực hiện. "15-20% ca ung thư đáng lẽ có thể phát hiện sớm qua nội soi đại tràng nhưng đã bị bỏ sót, trong 3 năm qua", bác sĩ Jarrod Lee chia sẻ.

Các tiến bộ trong điều trị ung thư đại trực tràng

Tầm soát sớm ung thư đại trực tràng có ý nghĩa trong việc kịp thời phát hiện tổn thương bất thường trước khi có triệu chứng, thậm chí có thể điều trị dứt điểm. Trong trường hợp phải phẫu thuật, bệnh nhân sẽ tiếp cận phương pháp điều trị hiện đại, bởi Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, phác đồ chuẩn thế giới.

BS CK2. Phan Văn Thái - Trưởng khoa Ngoại Tổng quát - Bệnh viện FV cho biết từng gặp các ca ung thư đại trực tràng "cân não", nhưng nhờ điều trị theo hướng kết hợp đa chuyên khoa (phẫu thuật, nội khoa ung bướu, xạ trị, tiêu hóa), người bệnh đã trở lại cuộc sống bình thường.

Chẳng hạn, trường hợp nữ bệnh nhân 77 tuổi, đến khám tại FV sau khi được chẩn đoán ung thư trực tràng thấp (khối u ác tính cách rìa hậu môn dưới 6mm) và được chỉ định phẫu thuật Miles (tức cắt bỏ toàn bộ trực tràng, đại tràng chậu thông qua ngả bụng và tầng sinh môn) ở bệnh viện khác. Từ kết quả thăm khám, hội chẩn, bác sĩ FV quyết định xạ trị trước mổ, sau đó điều trị triệt căn và hóa trị bổ trợ. Bệnh nhân đã phục hồi tốt sau mổ, sau 4 năm không tái phát, không rối loạn đại tiện.

Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45? - 3

BS.CK2. Phan Văn Thái và ê-kip thực hiện phẫu thuật thư đại trực tràng cho bệnh nhân (Ảnh: FV).

"Xét thấy có thể bảo tồn hậu môn, chúng tôi dốc toàn lực, phối hợp nhịp nhàng liên chuyên khoa. FV áp dụng phác đồ điều trị của các nước tiên tiến, tuân thủ nguyên tắc trị ung thư, vừa giúp người bệnh giữ lại chức năng bài tiết tự nhiên, đảm bảo chất lượng cuộc sống", BS CK2. Phan Văn Thái kể lại ca bệnh đáng nhớ với hàng trăm đồng nghiệp tại hội thảo sáng ngày 24/8. Bác sĩ Thái cũng chia sẻ triển vọng của phẫu thuật bảo tồn co thắt hậu môn trong ung thư trực tràng thấp là giúp 85% bệnh nhân sống sau 5 năm.

Một vấn đề nhức nhối trong điều trị ung thư đại trực tràng thấp là đoạn chậu (cắt toàn bộ cơ quan vùng chậu). Theo BS CK2. Phan Văn Thái, khi ung thư xâm lấn tới niệu dục, sẽ phải cắt toàn bộ cơ quan vùng chậu, tức mang đường tiểu, phân ra ổ bụng. Điều này gây khó khăn trong sinh hoạt cho bệnh nhân, nhưng bù lại, họ được sống nhiều năm sau đó. Nếu không phẫu thuật, khối u chèn ép gây đau đớn, chảy máu tại vùng chậu, tiên lượng sống thấp.

Bệnh nhân nam 62 tuổi, ung thư trực tràng, đã xạ trị tại Thái Lan, không phẫu thuật, đến khám tại FV 3 năm sau đó với dấu hiệu tắc ruột, nhiễm trùng huyết. Kết quả thăm khám tại FV cho thấy ông bị ung thư trực tràng tiến triển sau xạ trị, tắc ruột và rò trực tràng - bàng quang, xâm lấn áp xe tiền liệt tuyến, xâm lấn đáy chậu, nhiễm khuẩn huyết. Bác sĩ FV điều trị cấp cứu; phẫu thuật triệt căn; hóa trị bổ trợ cho bệnh nhân. Kết quả, bệnh nhân hồi phục tốt sau ca mổ. Kết quả tái khám định kỳ của ông sau 6 năm (2023) cho thấy bệnh không tái phát, không di căn, hậu môn nhân tạo hoạt động tốt.

"Kỹ thuật mới trong phẫu thuật ung thư đại trực tràng cho kết quả khả quan, nhưng đây là kỹ thuật khó, ca mổ dài, nguy cơ biến chứng cao nên cần được thực hiện ở cơ sở y tế có thiết bị hiện đại, bác sĩ chuyên môn cao để hạn chế tối đa tai biến", BS CK2. Phan Văn Thái đúc kết.

40% các ca ung thư phòng ngừa được bằng lối sống lành mạnh

Theo BS.CKII.ThS. Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng Khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện FV, chế độ ăn uống, hoạt động thể chất và quản lý cân nặng có thể phòng ngừa 40% các ca ung thư, trong đó có ung thư đường tiêu hóa

Một số yếu tố nguy cơ ung thư cần tránh gồm: hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, sử dụng nhiều muối, thường xuyên dùng thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, thừa cân béo phì, chất gây ô nhiễm và phụ gia trong thực phẩm; nên chú trọng trái cây, rau củ, chất xơ trong khẩu phần ăn hằng ngày; bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng. Nhiều người lạm dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin, coi đó như giải pháp ngăn ngừa ung thư, theo bác sĩ Thư, đây là một sai lầm.

Một số nghiên cứu cho thấy việc lạm dụng thực phẩm chức năng có thể tăng nguy cơ ung thư, nên nhận vitamin từ nguồn thực phẩm tự nhiên thay vì dựa vào thực phẩm chức năng. Mọi người nên lựa chọn sữa ít béo hoặc tách béo và giàu canxi, cần đa dạng hóa nguồn cung cấp canxi, cả từ rau lá xanh và các loại hạt.

Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45? - 4

Chế độ ăn Địa Trung Hải được cho là giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư (Ảnh: Freepik).

"Chế độ ăn Địa Trung Hải giàu trái cây, rau củ, cá, dầu ô liu, hạt, được coi là một trong những mô hình ăn uống lành mạnh nhất, có thể giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư vú và đại trực tràng", bác sĩ Thư thông tin.

Ngoài ra, việc duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh có thể giảm nguy cơ ung thư và tăng cường sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn uống giàu chất xơ, rau củ và thực phẩm lên men hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong đường ruột.

Bệnh nhân ung thư có cơ hội chữa trị bởi chuyên gia Singapore ngay tại Việt Nam

ThS. BS. Vũ Trường Sơn - Quyền Giám đốc Y Khoa, Bệnh viện FV thông tin, trước đây, nhiều người ung thư thường sang Singapore chữa trị, nhưng từ giờ đã có thể tiếp cận phương pháp hiện đại, ngang tầm thế giới ngay tại Việt Nam. FV trở thành thành viên Tập đoàn Y tế Thomson, nên sẽ có nhiều chuyên gia hàng đầu từ Singapore sang trao đổi chuyên môn, chia sẻ kiến thức, trực tiếp thăm khám, điều trị tại FV, với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với việc sang Singapore hoặc các nước khác. Hiện FV làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị bệnh lý tiêu hóa gan mật.  

Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45? - 5

ThS. BS. Vũ Trường Sơn phát biểu tại hội thảo (Ảnh: FV).

Phần trình bày về nội soi siêu âm can thiệp của TS. BS. Hồ Đăng Quý Dũng - Trưởng khoa Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Chợ Rẫy & Chủ tịch liên chi hội nội soi Việt Nam cũng gây chú ý với hàng trăm bác sĩ, khi đây là phương pháp quan trọng giúp hỗ trợ, đánh giá, tiên lượng tổn thương, nguy cơ di căn, giúp bác sĩ quyết định hướng điều trị. Đây được xem là thành tựu nổi bật của y khoa trong lĩnh vực nội soi đường tiêu hóa.

FV là một trong số ít bệnh viện tư nhân đầu tiên triển khai kỹ thuật siêu âm nội soi (EUS), có độ nhạy 90-95% trong phát hiện các khối u tụy ác tính có kích thước 2-3cm; hiệu quả trong chẩn đoán viêm tụy mạn tính, u nang tụy, sỏi đường mật, vàng da tắc mật, viêm túi mật và các bệnh lý ống tiêu hóa khác.

Ung thư đại trực tràng: Vì sao nên tầm soát từ tuổi 45? - 6

Các diễn giả trao đổi tại hội thảo "Tiếp cận đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật".

Tại hội thảo "Tiếp cận đa chuyên khoa trong điều trị bệnh lý tiêu hóa và gan mật", ThS. BSCKII. Bùi Nhuận Quý Trưởng khoa Tiêu hóa & Gan mật, Bệnh viện FV trình bày về "Ứng dụng các kỹ thuật trong điều trị các bệnh lý Tiêu hóa Gan Mật tại Bệnh viện FV".

BS Quý cho biết, Khoa Tiêu hóa - Gan mật Bệnh viện FV đang triển khai hầu hết các kỹ thuật chuyên sâu về Nội soi và thăm dò chức năng của cơ quan Tiêu hóa để điều trị các bệnh về gan, đường mật, đại tràng, trực tràng, thực quản, dạ dày, tụy, ruột non. Với sự đầu tư về cơ sở vật chất của Tập đoàn Y tế Thomson, Khoa Tiêu hóa & Gan mật sẽ sớm phát triển thành 1 trung tâm Tiêu hóa - Gan mật tầm cỡ khu vực.

Đang được quan tâm