1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ giảm thấp!

(Dân trí) - Năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng và thể thấp còi ở trẻ đều giảm so với năm 2013. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ tại khu vực thành thị.

Theo Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, năm 2014, công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em vẫn tiếp tục được triển khai toàn diện. Mạng lưới triển khai chương trình từ trung ương đến địa phương được kiện toàn, mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng được cơ cấu lại lồng ghép vào hệ thống y tế thôn bản. Cán bộ triển khai các hoạt động dinh dưỡng đã bao phủ 100% số huyện, xã. Toàn quốc hiện có trên 100.000 cộng tác viên dinh dưỡng đảm bảo mỗi thôn bản có ít nhất 1 cộng tác viên.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ giảm 

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ giảm 

Chương trình mục tiêu quốc gia về dinh dưỡng đã được triển khai mạnh mẽ tại địa phương, trong đó tiếp tục ưu tiên triển khai các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng chung ở các vùng/tỉnh có tỷ lệ suy dinh dưỡng còn cao (truyền thống giáo dục dinh dưỡng hợp lý, theo dõi tăng trưởng…)  và đặc biệt là các can thiệp phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi.

Số liệu của Viện dinh dưỡng quốc gia cho thấy, năm 2014, ước tính tỷ lệ suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi trẻ em dưới năm tuổi là 15%, giảm 0,3% so với năm 2013. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ước là 25,5%, giảm 0,4% so với năm 2013 , tuy nhiên vẫn ở mức cao. Để phấn đấu thực hiện mục tiêu cải thiện tầm vóc, thể lực của người Việt Nam, trong những năm tới cần tăng cường ưu tiên đầu tư và lồng ghép với can thiệp chăm sóc, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai bao gồm cả bổ sung vi chất dinh dưỡng, tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.

Tuy nhiên, cũng theo Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, bên cạnh đó, chúng ta cũng đang phải đối mặt với tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ tại khu vực thành thị, những nơi có điều kiện về kinh tế - xã hội thuận lợi và phát triển cũng như tình trạng gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Đây tiếp tục là một gánh nặng kép về dinh dưỡng mà Việt Nam cần phải giải quyết trong các năm tới.

Khánh Hồng