(Dân trí) - Tiếp cận với đối tượng bán dâm, người tiêm trích ma tuý để tuyên truyền cho họ các biện pháp an toàn phòng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS, nhiều tuyên truyền viên đồng đẳng đã từng bị “gom” lẫn với đối tượng bán dâm, bị những người nghiện ma tuý lên cơn “phê” đòi đánh…
Những kinh nghiệm, sẻ chia về công việc, sự gắn bó với nghề được các tuyên truyền viên đồng đẳng chia sẻ tại Diễn đàn tuyên truyền viên đồng đẳng trong cộng đồng, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS diễn ra trong hai ngày 17-18/11 tại Hà Nội, cho thấy: "Công việc của họ quả không dễ dàng, thậm chí có thể nói là khá nguy hiểm. Nhưng khi được hỏi, hầu hết các tuyên truyền viên đều quyết gắn bó với nghề, vì ý nghĩa thực sự của nó.
Đối mặt với những tin đồn, kỳ thị…
Chị Phạm Thị Dung, tuyên truyền viên đồng đẳng ở TP Hạ Long, Quảng Ninh đã có kinh nghiệm 6 năm tiếp cận với những người bán dâm. Trước đó, cô gái có ngoại hình ưa nhìn, có năng khiếu ăn nói, ca hát này chưa một lần biết tới công việc đặc biệt này, càng không nghĩ mình sẽ gắn bó với nó như một nghề. Nhưng sau một lần được tiếp cận với dự án, được trang bị những kiến thức, cũng như ý nghĩa của công việc tuyên truyền viên, Dung đã quyết định gắn bó với nghề.
Chị Phương Anh và chị Dung chia sẻ những khó khăn, nguy hiểm nhưng cũng như những niềm vui trong công việc tuyên truyền viên. (Ảnh: H.Hải)
Quyết tâm là thế, nhưng lần đầu tiên, khi cho vào túi xách hơn chục chiếc bao cao su (BCS) rồi lân la tiếp cận các nhà hàng để làm quen với người bán dâm (NBD), Dung run cầm cập. “Rồi có lần, đang trò chuyện với một NBD trong phòng của họ thì lực lượng công an ập vào nhà hàng đó kiểm tra, họ gom tất cả các cô gái trong nhà hàng lại, trong đó có Dung và đưa về đồn. Dù trong túi có đầy đủ giấy tờ, chứng minh thư, thẻ do cơ quan chức năng cấp cho tuyên truyền viên mà mặt mình vẫn tái xanh”, Dung chia sẻ.
“Thời gian đầu, khi mới bắt đầu công việc của một tuyên truyền viên, quả thực, mình rất e ngại ánh mắt của mọi người nhìn mình khi bước vào các nhà hàng, rồi lại cầm theo BCS nữa chứ. Thực sự, có rất nhiều điều tiếng, rồi sự đánh giá không tốt về mình. Nhưng đến nay, mọi người đã hiểu công việc của mình và rất ủng hộ. Vì việc mình tiếp cận với NBD, không chỉ để trang bị kiến thức, phương tiện giúp họ phòng nguy cơ nhiễm HIV/AIDS mà qua đó giúp tránh lây lan căn bệnh này cho rất nhiều đối tượng”, Dung tâm sự.
Cũng tiếp cận với đối tượng NBD, nhưng chị Đỗ Thị Phương Anh (38 tuổi Nam Định) lại gặp những khó khăn khác. Khi tiếp cận với những NBD di động, do đặc thù nên họ thường tụ tập nhiều ở khu vực vườn hoa, công viên. Mỗi lần chị tới những nơi “nhạy cảm” này vào một thời điểm cũng rất “nhạy cảm” để tiếp cận họ, chị đều phải nhận những cái nhìn đầy nghi hoặc của những người xung quanh. Tuy nhiên, chị đã vượt qua tất cả những khó khăn đó để tiếp cận với NBD, phát BCS miễn phí cho họ, cung cấp những thông tin, hiểu biết của mình để cứu những cô gái trót bước chân vào con đường này.
Khác với các tuyên truyền viên nữ, các tuyên truyền viên nam thường có nhiệm vụ tiếp cận đối tượng nghiện hút, tiêm chích ma tuý. Để tiếp cận những đối tượng này cũng khó khăn không kém việc tiếp cận NBD. Anh Vinh (Hoà Bình) vẫn nhớ như in thì lần đầu tiếp cận đối tượng nghiện. Do chưa có kinh nghiệm, anh đến lân la làm quen đúng thời điểm đối tượng này đang lên cơn đói thuốc nên đã bị đối tượng này văng tục, đuổi đánh. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi rồi vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu để trở thành một tuyên truyền viên “cứng”, đã tiếp xúc được rất nhiều đối tượng nghiện để phát bơm kim tiêm sạch cho họ, dạy cho họ các kỹ năng phòng nhiễm HIV/AIDS và cũng không quên động viên, khuyên nhủ mong một ngày từ bỏ ma tuý.
Và hạnh phúc mỉm cười!
Chị Phương Anh luôn đặc biệt chú ý đến NBD là những cô gái thôn quê, do hoàn cảnh đưa đẩy mới dấn thân vào con đường tội lỗi này. Chia sẻ tại diễn đàn, chị rất tiếc vì không thể đưa cô em kết nghĩa xuống tham dự cùng do cô em còn phải đi làm. Chị kể, thời gian đầu, khi tiếp cận bạn gái này, chị cảm nhận cô gái này bước vào nghề do có một sự phẫn uất nào đó. Qua những lời thủ thỉ, động viên, tâm sự, chị mới biết, cô gái lạc lối vào con đường này do bị một gã sở khanh lừa đảo, Khi yêu nhau, hắn một mực hứa yêu thương cô trọn đời nhưng khi đã chiếm được cô, tên sở khanh giở mặt, bỏ rơi. Tủi hờn, nghĩ đời con gái đã mất cái ngàn vàng, không dám trở về với cha mẹ, không công ăn việc làm, cô gái đã nhắm mắt làm liều… Nhưng khi được chị Phương Anh khuyên nhủ, cô gái đã từ bỏ con đường lầm lỗi, làm lại cuộc đời. Giờ cô gái này đang làm công nhân ở Nam Định và là một bạn tâm giao của chị Phương Anh, giúp đỡ, chia sẻ với chị rất nhiều trong công việc.
Các tuyên truyền viên đồng đẳng ở Hoà Bình tiếp cận với NBD để phát BCS miễn phí, cung cấp cho họ những kiến thức phòng nguy cơ
nhiễm HIV/AIDS (Ảnh chụp qua poster)
Còn với anh Hiếu (Sơn La) giờ vẫn cùng người bạn tên Tuấn đã từng được anh khích lệ bỏ ma tuý để tiếp cận thêm nhiều đối tượng nghiện hút khác, giúp họ tiếp cận những hành vi an toàn phòng chống nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Trước đây, anh Tuấn cũng từng tiêm chích ma tuý, nhưng cơ duyên đã giúp Tuấn gặp anh Hiếu. Qua sự động viên, khích lệ, anh Tuấn quyết tâm từ bỏ ma tuý và đồng ý đi xét nghiệm HIV. Dù nhiễm HIV nhưng nhờ được điều trị thuốc ARV kịp thời nên anh vẫn khỏe mạnh, lấy vợ và sinh được cậu con trai không nhiễm HIV. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ, không chỉ riêng anh Tuấn mà cũng là niềm vui khôn cùng của chính những tuyên truyền viên, vì sự giúp đỡ nhỏ bé của họ đã giúp người khác làm lại cuộc đời.
Với tuyên truyền viên Ma Thị Hậu (Thái Nguyên), dù mới tiếp cận được công việc gần 2 năm nhưng chị đã giúp cho nhiều NBD thoát khỏi sự phản ứng của khách hàng do không chịu sử dụng BCS khi quan hệ. Không chỉ ở khía cạnh công việc, những người phụ nữ dễ tìm thấy sự đồng cảm với nhau, dần thân thiết như tình cảm chị em. Không ít lần, giữa đêm hôm khuya khoắt, những cô gái bán dâm cũng không ngại ngần gọi điện cầu cứu chị cách sử xự như thế nào khi đối tượng mua dâm nhất quyết không dùng BCS.
“Đánh giá hiệu quả công việc của tuyên truyền viên trong nỗ lực phòng chống HIV/AIDS, ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cho biết: Sự đóng góp của các tuyên truyền viên đồng đẳng hết sức ý nghĩa. Nhiều người trong số họ bị nhiễm HIV/AIDS do nhiều nguyên nhân, nên họ hiểu hơn hết nỗi khổ của những đối tượng này nếu không may nhiễm HIV. Bằng nhiều hình thức, họ mang chính nỗi lòng của họ để thuyết phục, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bệnh tật. Dù đồng lương rất ít ỏi (còn những tuyên truyền viên nhiễm HIV/AIDS sẽ được điều trị, chăm sóc miễn phí), công việc nguy hiểm nhưng các tuyên truyền viên đồng đẳng đều rất say nghề. Những nỗ lực của họ đang góp phần phòng chống rất hiệu quả nguy cơ nhiễm HIV/AIDS ở những đối tượng nguy cơ này”.