Tuỳ tiện truyền dịch cho trẻ: Hại nhiều hơn lợi
(Dân trí) - Con chị Quỳnh (Ba La, Hà Đông) bị viêm phế quản phổi cấp, ho nhiều, nôn trớ liên tục, trong khi đó bé vẫn phải tiêm kháng sinh 2 mũi/ngày nên xọp cả người. Quá sốt ruột, chị nhờ luôn cô y tá đến tiêm truyền dịch cho con.
Viêm phổi truyền dịch rất nguy hiểm
Cả hai ngày liền, bé Tít con chị chẳng ăn được lấy thìa cháo, cốc sữa. Cứ động ăn là lại nôn trớ, vừa ti mẹ một bầu xong lại bị trớ ra ngay. Thấy con phải tiêm kháng sinh liều cao, ăn uống ít, người xọp đi trông thấy nên chị quyết định truyền dịch cho bé.
TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai khẳng định: "Việc truyền dịch bừa bãi khi không có chỉ định của thầy thuốc rất nguy hiểm, hại nhiều hơn lợi".
Như trong trường hợp của em bé này, rất may mắn là mới chỉ truyền được 1 chai dịch nên sự ảnh hưởng không mấy nặng nề. Nếu không sẽ vừa gây hại về bệnh lý, vừa rất phức tạp cho điều trị sau này.
“Viêm phổi thường không được truyền dịch. Thậm chí, bệnh nhân viêm phổi bị mất nước, bác sĩ vẫn khuyên uống nước bồi phụ hơn là truyền dịch. Chỉ trong trường hợp bắt buộc phải truyền, bác sĩ cần tính toán kỹ lượng truyền chứ không thể truyền dịch bừa bãi”, TS Dũng cảnh báo.
Thực tế, không riêng gì chị Quỳnh mà rất nhiều phụ huynh ngày càng lạm dụng truyền dịch. Nhiều người, con sốt cao, đi ngoài dù chưa có chỉ định truyền dịch, cũng… xin bác sĩ truyền cho yên tâm.
Tại một phòng khám nhi trên phố Nhuệ Giang, Hà Đông, phóng viên Dân trí từng chứng kiến phụ huynh một bé trai rất bụ bẫm, nhanh nhẹn “xin” bác sĩ truyền dịch cho con chị vì bé bị rối loạn tiêu hoá, đi ngoài 2 - 3 lần một ngày, lại kèm đầy bụng nên lười ăn uống. Nhưng bác sĩ đã kiên quyết, thể trạng con chị tốt, bé chỉ bị rối loạn nhẹ, chỉ cần uống men tiêu hoá và cho bé uống oserol theo nhu cầu là ổn, không cần truyền dịch.
Thất vọng bước ra cửa, chị bấm ngay điện thoại hỏi người bạn thân số điện thoại của y tá vẫn hay đến nhà tiêm, truyền cho con bạn để nhờ vả, quyết không thể để con mịnh bị sút cân nào vì đợt rối loạn tiêu hoá này.
Đắt, kém hiệu quả lại không an toàn
TS Dũng khẳng định, dịch truyền chỉ phát huy tác dụng khi đúng chỉ định, đó là những trường hợp sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, đi ngoài mất nước… TS Dũng đưa ra một so sánh dễ hiểu, với tỷ lệ 5g đường/100ml dung dịch thì việc truyền cho trẻ một chai Glucose 5% cũng chỉ tương đương với việc cho trẻ uống gần1 thìa cà phê đường. Tương tự như vậy, truyền một chai dung dịch muối 9% chỉ như uống một bát canh nhạt. Số chi phí bỏ ra từ đường, muối rất ít, mà bé vẫn hấp thụ tốt, thay vì truyền, bé cũng chỉ hấp thụ đến thế, chưa kể bé phải chịu đau khi lấy ven, còn có thể bị tác dụng phụ như sốc dịch và lây nhiễm bệnh nguy hiểm như viêm gan, HIV/AIDS do tiêm truyền.
Thậm chí, ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền: chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực...
Vì thế, người dân không nên lạm dụng dịch truyền, bác sĩ cũng cần phải rất thận trọng khi chỉ định truyền dịch cho trẻ để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm không đáng xảy ra với người bệnh.
Hồng Hải