Tưởng rối loạn tiêu hóa, cô gái 30 tuổi nhận kết quả ung thư giai đoạn cuối
(Dân trí) - Đến khi tình trạng đau bụng hạ vị xuất hiện nhiều, rối loạn phân, lúc lỏng, lúc táo, phân nhầy máu, sút cân, người mệt mỏi bệnh nhân mới đến bệnh viện thăm khám.
Thời gian gần đây, chị N., 30 tuổi, sống tại Phú Thọ xuất hiện tình trạng đau bụng. Tuy nhiên, vì chỉ nghĩ đơn giản là rối loạn tiêu hóa thông thường nên chị N. không đi bệnh viện.
Cho đến khi tình trạng đau bụng hạ vị xuất hiện nhiều, rối loạn phân, lúc lỏng, lúc táo, phân nhầy máu, sút cân, người mệt mỏi chị mới đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương thăm khám.
Bệnh nhân được thăm khám, làm các cận lâm sàng, qua kết quả cho thấy bệnh nhân bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối đã di căn phổi.
"Khi cầm kết quả chẩn đoán ung thư đại tràng của nữ bệnh nhân trên tay, chúng tôi cảm thấy vô cùng "sốc" vì chị N. mới chỉ 30 tuổi. Chị còn quá trẻ và có lẽ chưa bao giờ nghĩ rằng ung thư lại âm thầm tìm đến chị sớm như vậy", bác sĩ điều trị cho chị N. chia sẻ.
Với trường hợp của bệnh nhân N., các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt đoạn đại tràng, vét hạch vùng, lập lại lưu thông tiêu hóa, sau mổ bệnh nhân ổn định, hiện đang điều trị hóa chất bổ trợ.
Hiện tại bệnh nhân sức khỏe có tiến triển, đang được chăm sóc tại khoa Ung bướu bệnh viện.
Ung thư đại trực tràng do nhiều nguyên nhân như chế độ sinh hoạt, môi trường, di truyền, tuổi tác, polyp. Đặc biệt, những người bị polyp đại tràng không chữa trị kịp thời, để lâu ngày sẽ khiến các polyp này có nguy cơ cao phát triển thành ung thư đại trực tràng.
Ung thư đại trực tràng đa phần ban đầu chỉ là các tổn thương tiền ung thư, nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi. Một số trường hợp ung thư đại trực tràng có tính chất gia đình, nên bác sĩ khuyến cáo thân nhân của những người bệnh ung thư đại trực tràng nên khám tầm soát sớm, phát hiện sớm các tổn thương để xử lý kịp thời.
Ung thư đại trực tràng giai đoạn sớm các triệu chứng thường âm thầm, kín đáo nên rất khó phát hiện. Do vậy, khi có một trong các dấu hiệu sau, chúng ta nên tới các cơ sở y tế để được thăm khám:
- Sự rối loạn đại tiện như tiêu chảy, táo bón kéo dài hoặc đi phân mỏng và dẹt như lá lúa.
- Cảm giác buồn đi ngoài thường xuyên, đi ngoài không hết phân.
- Đại tiện ra máu lẫn với phân, đại tiện phân màu đen.
- Đau bụng thường xuyên.
- Mệt mỏi thường xuyên.
- Sút cân không rõ nguyên nhân.