1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tưởng nốt ruồi bình thường hóa ung thư da

(Dân trí) - Nốt sùi xuất hiện trên sống mũi gần 2 năm nay song bệnh nhân chỉ nghĩ là nốt ruồi bình thường nên không đi khám. Đến khi nốt sần này chảy máu, sưng đau thì bà mới tá hóa đây là biểu hiện của ung thư da.

Nữ bệnh nhân 59 tuổi, Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, trước đó nốt sần này chỉ hơi đau nhưng song gần đây bà thấy nó to nhanh, dễ chảy máu khi rửa mặt nên mới đi khám.

Tưởng nốt ruồi bình thường hóa ung thư da - 1
Nốt mụn trên sống mũi bệnh nhân tưởng vô hại nhưng lại là biểu hiện của ung thư da. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Bác sĩ Tạ Thị Chà, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, bệnh nhân có một nốt sùi ở trên sống mũi kích thước 1x2 cm có biểu hiện sưng, đau, chảy máu. Nghi ngờ đây là biểu hiện của ung thư da, bác sĩ đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm mô bệnh học. Kết quả bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy.

Ung thư biểu mô tế bào đáy là một dạng phổ biến của ung thư da. Bệnh phát triển chậm và thường phát triển ở phần đầu và cổ. Nếu không phát hiện sớm tổn thương có thể lan rộng, xâm lấn tổ chức xung quanh gây biến dạng và làm rối loạn chức năng của các cơ quan lân cận như mũi, miệng, mắt.

Ung thư da là một các ung thư thường gặp, dễ chẩn đoán bằng mắt thường, có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Để phát hiện sớm, người dân nên tự quan sát da toàn bộ cơ thể, đặc biệt là vùng da hở, tốt nhất là sau mỗi lần tắm.

Những biểu hiện của ung thư da có thể là: vết loét dai dẳng, thỉnh thoảng chảy máu, nổi cục có thể ở vùng da bị sừng hóa do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời hoặc ở một vết sẹo hoặc ở đường rò hay đơn giản chỉ là một vết đốm đỏ nhạt kéo dài dai dẳng với vết xước trợt nhẹ.

Một loại ung thư da là ung thư hắc tố rất hay liên quan đến các nốt ruồi. Vì thế cần lưu ý các dấu hiệu như thay đổi về màu sắc, hình dạng, kích thước, đường viền, bề mặt các nốt ruồi hoặc có cảm giác ngứa, chảy máu hoặc chảy nước vàng ở nốt ruồi.

Bác sĩ khuyên người dân khi thấy xuất hiện những bất thường trên da dù là nhỏ nhất cũng cần đi khám. Tránh tâm lý chủ quan khiến bệnh diễn biến phức tạp gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, mọi người nên có thói quen đi khám định kỳ 3 năm một lần ở độ tuổi 30-39 và khám hàng năm sau tuổi 40. Những người có nguy cơ cao là tiền sử gia đình có người thân bị ung thư da, bị những bệnh da có nguy cơ chuyển thành ung thư hoặc những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cần đi khám đều đặn.

 Nam Phương