Tự ý dùng thuốc, coi chừng mù lòa
“Nhìn thấy nhiều bệnh nhân tuổi còn rất trẻ bị mù lòa chúng tôi rất xót xa. Nếu ngành y tế quản lý việc mua bán thuốc nghiêm ngặt hơn, người dân hiểu biết hơn về việc sử dụng thuốc thì đâu đến nỗi này”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Liên, trưởng khoa glaucoma, Bệnh viện Mắt TPHCM, nói về thực trạng nhiều BN bị mù lòa do tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoide.
Biết thì đã rồi
Cuối tháng mười, tại khoa glaucoma Bệnh viện Mắt TPHCM có bốn bệnh nhân (BN) bị mù lòa do nguyên nhân trên. Bệnh nhân Nguyễn Thanh Tuấn (1989, Ninh Thuận) thường hay bị đỏ mắt, ngứa mắt và thường xuyên mua thuốc Tobradex về nhỏ.
Cho đến một ngày bệnh nhân nhận thấy mắt mình mờ hẳn đi và nhức nhiều hơn. Ngày 20/10, BN đến BV Mắt TP khám bệnh và lúc này mắt phải chỉ còn nhìn thấy bóng của bàn tay lờ mờ, mắt trái chỉ đếm thấy ngón tay ở khoảng cách 2m, do gai thị đã hoàn toàn tổn thương.
BN Nguyễn Thanh Quang (1982, Bình Dương) đến khám sớm nên thị lực mỗi mắt còn 3/10 và 6/10. Trước đó, mỗi khi bị đỏ mắt BN lại nhỏ thuốc Polydexa liên tục. BN Lê Thị Phụng (1970, Long An) khi đến BV thị lực chỉ còn 1/10. BN Dương Thúy Kiều (1985, Bình Dương) bị mù hoàn toàn một mắt, mắt còn lại thị lực giảm nhiều.
Trên gương mặt cô vẫn còn vết thẹo dài sau một lần đi làm ca đêm chạy xe đâm vào nhà người khác vì không thấy đường. Kiều cho biết hai năm qua thường xuyên tự mua thuốc về nhỏ mỗi khi ngứa và đỏ mắt.
Bác sĩ Ngọc Liên cho biết trong mười tháng năm nay, BV đã nhận điều trị cho 31 BN bị mù lòa vì lý do trên.
Không thể phục hồi thị lực
Theo bác sĩ Ngọc Liên, nguyên nhân của mù lòa là do BN nhỏ thuốc có chứa chất corticoide kéo dài. Mỗi khi BN bị đỏ mắt, ngứa mắt thì tự mua thuốc (C.dexacol, Polydexa, Polymax, Neodex, Tobradex...) về nhỏ. Có BN đi khám mắt một lần được bác sĩ kê đơn rồi cứ thế lấy toa cũ mua tiếp. Khi nhỏ thuốc, các triệu chứng đỏ, ngứa mắt giảm nhanh nên BN cho là khỏi bệnh và không cần đi tái khám.
Nhỏ thuốc có chứa chất corticoide kéo dài sẽ gây tăng nhãn áp, nhãn áp tăng cao hơn mức bình thường sẽ gây tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mất thị trường và cuối cùng là mù lòa không hồi phục. BN cũng không thể nhận biết được hiện tượng tăng nhãn áp do bệnh không xuất hiện triệu chứng gì, mà tiến triển âm thầm cùng với thời gian nhỏ thuốc. Cho đến khi người bệnh nhận thấy giảm thị lực là lúc bệnh đã ở giai đoạn nặng.
Nếu BN nhận biết sớm, đến khám bác sĩ kịp thời sẽ được điều trị hạ nhãn áp bằng thuốc, ngưng thuốc nhỏ mắt có corticoide thì nhãn áp sẽ trở lại bình thường. Trường hợp đến trễ, phải phẫu thuật để hạ nhãn áp ngăn chặn bệnh tiến triển chứ không thể phục hồi thị lực. Những BN này sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt, nhất là không thể chạy xe ngoài đường vì chỉ nhìn thấy thẳng phía trước mặt mà không quan sát được hai bên.
Bác sĩ Ngọc Liên khuyên BN khi bị ngứa, đỏ mắt, tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc nhỏ mắt có chứa corticoide về sử dụng kéo dài. Tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ, không tự ý thay đổi thuốc, liều thuốc, số lần dùng thuốc. Ngoài ra, cần đi khám định kỳ để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Theo Lê Thanh Hà
Tuổi Trẻ