1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tử vong sau khi nhập viện điều trị khó thở, người nhà tố cáo bác sỹ tắc trách

(Dân trí) - Sau khi bệnh nhân tử vong, cho rằng nguyên nhân là do sự tắc trách của bác sỹ, gia đình đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sự việc.

Gia đình bà Cao Thọ Ngọ (SN 1960), trú tại thôn Minh Hòa, xã Lộc Tân, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã có đơn tố cáo gửi cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện Hậu Lộc về hành vi thiếu trách nhiệm trong khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc.

Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc.
Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc.

Theo gia đình, bệnh nhân là ông Trần Đình Dậu (SN 1960) - thương binh hạng 4/4, nạn nhân nhiễm chất độc dioxin.

Cụ thể, ngày 12/10/2018, ông Dậu có triệu chứng ho, khi đi khám tại bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc được bác sĩ chẩn đoán là “viêm phế quản không xác định được đợt cấp hay mãn tính”. Bệnh nhân được cho nhập viện điều trị. Đến ngày 22/10, ông Dậu được xuất viện.

Tiếp đó, đến ngày 30/10, ông Dậu lại có biểu hiện ho, khó thở. Gia đình đưa ông đến thăm khám và điều trị tại khoa Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hậu Lộc.

“Sau gần một tuần điều trị, mặc dù bác sĩ điều trị nói bệnh có tiến triển tốt. Tuy nhiên, qua thực tế chăm sóc, tôi thấy các biểu hiện khó thở của chồng tôi không thuyên giảm và có chiều hướng tăng lên. Suốt thời gian điều trị, bệnh viện không hề tư vấn, giải thích đầy đủ về tình trạng bệnh tật, hướng điều trị hoặc biến chứng có thể xảy ra cho gia đình được biết”, bà Ngọ cho biết.

Nhận thấy tình trạng của bệnh nhân có chiều hướng xấu đi, nên sáng ngày 5/11, gia đình đã đề xuất bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu để được chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.

Cũng theo đơn tố cáo của gia đình, mặc dù giữ bệnh nhân ở lại không cho chuyển tuyến, nhưng suốt nhiều giờ đồng hồ, bác sĩ chỉ thăm khám qua loa.

“Khoảng 20h30 cùng ngày, chồng tôi kêu khó thở, toát mồ hôi, mặt tái. Tôi chạy vào khoa gọi người cấp cứu. Tuy nhiên, chỉ có một y chạy sang phòng chụp máy chạy khí dung cho chồng tôi rồi bỏ về phòng mà không ở lại theo dõi”, bà Ngọ cho biết.

Trong khi bệnh nhân liên tục kêu khó thở, người nhà tiếp tục đi gọi y tá, khi đó, y tá mới gọi bác sĩ. Khi bác sĩ đến thăm khám, tiên lượng bệnh nặng. Tuy nhiên bác sĩ không tiến hành cấp cứu khẩn cấp mà nói với gia đình cho chuyển lên tuyến trên và về phòng làm hồ sơ.

“Đau đớn quá tôi la toáng lên: “Bác sĩ đâu rồi” và chạy sang khoa gọi, đến tận lúc này, bác sỹ Nghiêm mới ngừng viết giấy chuyển viện, cho đưa bình ôxy sang, rồi tiến hành tiêm, hô hấp nhân tạo nhưng đã muộn. Chồng tôi đã ra đi trong nỗi uất hận tận cùng trước mắt tôi vào khoảng 22h ngày 5/11”, bà Ngọ nghẹn ngào.

“Là người bệnh, gia đình tôi luôn tin tưởng, gửi gắm và phó thác tính mạng của mình nơi được coi là cứu người. Thế nhưng, chồng tôi đã không chết giữa chiến trường khói lửa khốc liệt, mà lại chết một cách đau đớn giữa thời bình”.

Trước sự việc trên, gia đình bà Ngọ đã đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề liên quan đến cái chết của bệnh nhân.

Theo ông Lê Hữu Uyển, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Thanh Hóa, cho biết: Sở đã nhận được đơn của người thân ông Trần Đình Dậu. Theo quy định, đơn thư đã được chuyển về Thanh tra Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa huyện Hậu Lộc để xử lý, báo cáo, trả lời công dân.

Duy Tuyên