Tư vấn - khâu quyết định trong điều trị bệnh đái tháo đường
Bệnh nhân thường bị sốc tâm lý khi mắc đái tháo đường song vì thiếu kiến thức hoặc không tuân thủ điều trị khiến người bệnh gặp biến chứng nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến cáo, sự hợp tác trong tư vấn chuyên môn giữa bác sĩ và người bệnh là khâu quyết định trong điều trị.
Căn bệnh nguy hiểm đang gia tăng nhanh
Cơ thể mệt mỏi kéo dài, thường bị đói cồn cào, khát và uống nước liên tục, đi tiểu thường xuyên kèm cảm giác ngứa các đầu ngón chân, ngón tay... bà Trương Thị Đ. (65 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến bệnh viện thăm khám. Qua xét nghiệm, bác sĩ xác định bà bị bệnh đái tháo đường có biến chứng thần kinh ngoại biên. “Choáng váng” khi biết mình mắc bệnh, thời gian đầu bệnh nhân điều trị theo phác đồ của bác sĩ, nhưng bệnh chuyển biến chậm. Nghe người thân “mách” bà đi cắt lể, dùng nước muối ngâm chân. Phương pháp điều trị phản khoa học khiến bệnh nhân bị nhiễm trùng, hoại tử hai bàn chân, phải điều trị trong thời gian dài mới thoát khỏi nguy cơ đoạn chi.
Bệnh nhân khác là Nguyễn Thị S. (58 tuổi, ngụ tại Tiền Giang) đã vĩnh viễn mất bàn chân phải vì biến chứng, hoại tử. BS Trần Minh Triết, phân khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược, TPHCM cho hay, bệnh nhân mắc đái tháo đường nhưng không điều trị thường xuyên. Sau khi giẫm phải gai, người bệnh tự điều trị, đắp thuốc nam khiến vết thương nhiễm trùng, hoại tử phải đoạn chi mới tránh được nguy cơ nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
GS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho hay, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người mắc đái tháo đường hàng đầu thế giới, khoảng 5,4% dân số (tương đương 5 triệu ca). Ngoài 50% người bệnh trong cộng đồng chưa được chẩn đoán thì sự chủ quan, thiếu hợp tác trong điều trị khiến gần 53% bệnh nhân đã được chẩn đoán tử vong trước tuổi 60 vì những biến chứng nặng về tim mạch, thận, tổn thương mắt, nhiễm trùng, hoại tử...
“Hợp tác” với bác sĩ là cứu cánh cho người bệnh
Trước thực trạng bệnh ở mức báo động, PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê, Nguyên Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam nhận định: Dù ngành y tế đã nỗ lực tuyên truyền song ý thức phòng và điều trị của người dân còn hạn chế. Người bệnh thường bị sốc tâm lý khi biết mình mắc đái tháo đường, nhưng vì thiếu kiến thức, không tuân thủ điều trị nên nhiều người bị biến chứng, tỷ lệ tử vong cao.
Ban giảng huấn của chương trình iSTEP-D là chuyên gia quốc tế và các bác sỹ đầu ngành của Việt Nam
Nhấn mạnh tầm quan trọng của bác sĩ tư vấn và sự hợp tác của người bệnh, PGS Thy Khuê cho rằng, điều trị đái tháo đường mạn tính là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì của cả bác sĩ lẫn người bệnh. Chính bác sĩ phải ý thức được tầm quan trọng của việc tư vấn để giúp bệnh nhân nâng cao ý thức về sự nguy hiểm của bệnh từ đó có trách nhiệm với chính bản thân, thay đổi hành vi, chủ động hợp tác kiểm soát bệnh với sự hỗ trợ chuyên môn của bác sĩ. Tuân thủ phác đồ, kết hợp dinh dưỡng, vận động hợp lý sẽ tăng hiệu quả điều trị, giảm gánh nặng bệnh tật giảm chi phí y tế cho bệnh nhân.
Điều trị đái tháo đường trên thế giới hiện đang tập trung vào mục tiêu tự kiểm soát của chính bệnh nhân. GS. Mary Korytkowski, Trưởng Bộ môn Nội tiết – Trường Đại Học Y Pittsburg, Pennsylvania chia sẻ: “ Bệnh nhân không chỉ sốc giai đoạn phát hiện bệnh, mà cả lúc khởi trị insulin. Người bệnh sợ insulin hơn tiêm các thuốc tiêm khác, họ cho rằng tiêm insulin có nghĩa là bệnh đã sang giai đoạn tồi tệ. Do đó, sự tương tác với bác sĩ là tiền đề cần thiết đối với hầu hết bệnh nhân. Khi người bệnh và thân nhân được tư vấn các phương pháp quản lý đái tháo đường gồm: chế độ ăn kiêng, tập thể dục, cách sử dụng thuốc, triệu chứng của đường huyết cao và thấp thì chất lượng điều trị sẽ được cải thiện”.
PV