1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tự uống viên sắt bổ sung: Lợi bất cập hại

(Dân trí) - Phần lớn mọi người tin rằng mệt mỏi và xanh xao là do thiếu sắt và uống bổ sung sắt là cách giải quyết vấn đề từ gốc. Vậy nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy việc tự bổ sung sắt mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Viên sắt - Thuốc bổ sung được ưa chuộng

Tất cả chúng ta đều cần sắt. Nhiệm vụ chính của sắt là giúp tạo nên hồng cầu để đưa oxy đi khắp nơi trong cơ thể. Thiếu sắt đồng nghĩa với thiếu hồng cầu, từ đó dẫn đến thiếu máu, gây mệt mỏi và khó thở. Thông thường, thiếu máu xảy ra khi lượng dự trữ sắt bị thiếu hụt do chảy máu quá nhiều trong kỳ kinh nguyệt hay do bệnh lý (loét dạ dày)...

Theo RDI, khuyến cáo ăn uống hàng ngày là 8.7mg sắt đối với nam giới và 14.8mg sắt đối với phụ nữ (để bù lại cho kinh nguyệt).

Theo công ty nghiên cứu thị trường Mintel, viên sắt (thông thường chứa 15mg sắt/viên) là một trong những loại thuốc bổ sung được bán nhiều nhất cho phụ nữ Anh. Và điều này hoàn toàn không lạ khi các quảng cáo ra rả mỗi ngày rằng sắt có thể giúp hồi phục năng lượng khi cơ thể mệt mỏi.


Khoảng 6 triệu đơn thuốc bổ sung sắt được kê hàng năm ở Anh và xứ Wales (Nguồn: Retrofile/Getty Images)

Khoảng 6 triệu đơn thuốc bổ sung sắt được kê hàng năm ở Anh và xứ Wales (Nguồn: Retrofile/Getty Images)

Tuy nhiên, mới đây, các nhà nghiên cứu tại trường Imperial College London đã phát hiện ra rằng uống nhiều sắt bổ sung có thể phá hủy các tế bào trong mạch máu.

Trước đó, 1 loạt các nghiên cứu trước đó gợi ý rằng việc dùng quá nhiều sắt, đặc biệt là dùng sai loại sắt có thể gây nguy hiểm và là nguyên nhân của nhiều vấn đề về sức khỏe, từ các bệnh tim mạch đến bệnh gút.Sắt được hấp thụ tại ruột và được dự trữ trong các tế bào. Nạp quá nhiều sắt có thể gây thương tổn niêm mạc dạ dày do không được ruột hấp thụ hết. “Nhiều hơn 20mg có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như đau dạ dày hoặc táo bón”, theo Alison Clark, thuộc Hiệp hội ăn uống Anh quốc (British Dietetic Association).

Nhiều người có cơ thể đặc biệt nên dễ gặp nhiều nguy hiểm hơn. Ví dụ, các bệnh nhân bị rối loạn gen haemochromatosis tích tụ một lượng lớn sắt trong máu, dẫn đến các triệu chứng như đau khớp hoặc cực kỳ mệt mỏi (phương pháp điều trị thông thường là lấy máu ra khỏi cơ thể, tương tự như hiến máu).

Vì sắt có hại với tế bào trong thời gian dài, nên nếu bị dư sắt trong cơ thể mà không được chữa trị có thể làm tổn thương gan, tim và tăng nguy cơ ung thư.

Hình 2: Hãy cẩn thận: Các nhà nghiên cứu tại trường Imperial College London đã phát hiện ra rằng kê nhiều sắt trong các đơn thuốc như liều lượng chứa trong các viên thuốc sắt có thể phá hủy tế bào trong mạch máu (Nguồn: Shutterstock/JeniFoto)
Hình 2: Hãy cẩn thận: Các nhà nghiên cứu tại trường Imperial College London đã phát hiện ra rằng kê nhiều sắt trong các đơn thuốc như liều lượng chứa trong các viên thuốc sắt có thể phá hủy tế bào trong mạch máu (Nguồn: Shutterstock/JeniFoto)

Cơ thể có tự đào thải sắt dư thừa?

Quan điểm truyền thống cho rằng trong cơ thể chúng ta có khả năng tự điều tiết lượng sắt hấp thụ hàng này. Vậy nên thừa sắt sẽ không gây ra vấn đề gì cho những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, 1 vài nghiên cứu mới đây đã dấy lên nghi ngờ về tính xác thực của quan điểm này.

Trong nghiên cứu mới nhất, xuất bản trong tạp chí Plos One, các nhà khoa học đã công bố kết quả điều trị các tế bào nội mô (lớp phía trong các mạch máu) trong phòng thí nghiệm bằng 1 phương pháp liên quan đến sắt.

Theo đó, họ cung cấp 1 lượng sắt tương tự như lượng sắt có trong máu của bệnh nhân khi uống viên thuốc sắt, khoảng 65mg. Trong vòng 10 phút, các nhà khoa học nhận thấy cơ chế chữa bệnh của các tế bào được kích hoạt – một chỉ dấu cho thấy đã có tổn thương xảy ra. Điều này có nghĩa là các tế bào trong cơ thể có thể nhạy cảm với sắt hơn rất nhiều so với những gì chúng ta nghĩ trước đây.

Tiến sỹ Claire Shovlin, 1 trong các tác giả và là chuyên gia y học phân tử và khám bệnh thuộc Imperial, đặt vấn đề: “Trước đây, chúng ta nghĩ rằng liều lượng cần thiết cho các vết thương ở mạch máu cao hơn rất rất nhiều. Nghiên cứu của chúng tôi đặt ra câu hỏi về liều lượng sắt mà chúng ta nên dùng là bao nhiêu?”.

Nó có hại cho tim không?

Câu hỏi về tác dụng của sắt được đặt ra từ những năm 80 khi Giáo sư Jerome Sullivan, nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học South Florida bắt đầu nghiên cứu vì sao phụ nữ không có xu hướng đau tim cho đến khi bị mãn kinh, trong khi bệnh này bắt đầu xuất hiện ở nam giới từ độ tuổi 30. Ông cho rằng nguyên nhân là do lượng sắt dự trữ trong cơ thể nữ giới sụt giảm khi kinh nguyệt; nói 1 cách khác, mức độ sắt thấp hơn có thể có tác động bảo vệ với tim.

Các nghiên cứu cho thấy những người thường lấy máu khỏi cơ thể (những người đi hiến máu…) có sức khỏe tốt hơn so với những người khác đã củng cố giả thuyết này, Tiến sỹ Shovlin nói. Mức độ sắt cao còn dẫn đến nhiều tổn thương hơn tới các cơ tim sau mỗi cơn đau tim.

Hình 3: Câu hỏi về tác dụng của sắt được đặt ra từ những năm 80 khi Giáo sư Jerome Sullivan, nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học South Florida bắt đầu nghiên cứu vì sao phụ nữ không có xu hướng đau tim cho đến khi bị mãn kinh, trong khi bệnh này bắt đầu xuất hiện ở năm giới từ độ tuổi (Nguồn: Tek Image/Science Photo Library/Corbis)
Hình 3: Câu hỏi về tác dụng của sắt được đặt ra từ những năm 80 khi Giáo sư Jerome Sullivan, nhà nghiên cứu bệnh học tại Đại học South Florida bắt đầu nghiên cứu vì sao phụ nữ không có xu hướng đau tim cho đến khi bị mãn kinh, trong khi bệnh này bắt đầu xuất hiện ở năm giới từ độ tuổi (Nguồn: Tek Image/Science Photo Library/Corbis)

Năm 2000, các nhà nghiên cứu tại trường y Kurume ở Nhật đã tiêm một liều lớn sắt vào cơ thể các nam giới khỏe mạnh và nhận thấy dấu hiệu gợi ý rằng thành mạch máu không được giãn ra như cần thiết. Một học thuyết cho rằng dư thừa sắt dẫn đến chứng xơ vữa động mạch – động mạch bị thu hẹp lại do các mảng bám bên trong lòng mạch.

Chúng ta thực chất chỉ cần khoảng 1mg sắt mỗi ngày. Tuy nhiên, khuyến cáo ăn uống hàng ngày lại cao hơn thế nhiều bởi chúng ta chỉ có thể hấp thụ được 1/10 lượng sắt mà chúng ta tiêu thụ, Tiến sỹ David Das, nhà nghiên cứu về đường ruột và chuyên gia về rối loạn sắt, từng làm việc ở bệnh viện Stepping Hill tại Stockport cho biết. Lượng sắt dư thừa sẽ được bài tiết ra ngoài. “Nếu chúng ta cần nhiều sắt hơn, trong khi mang bầu hoặc vào tuổi dậy thì, cơ thể sẽ hấp thụ nhiều hơn”, ông nói.

Chúng ta cũng dự trữ 1 ít sắt trong tế bào để sử dụng sau này, như để thay thế hồng cầu chẳng hạn. Nhưng vì sắt rất độc nên sắt được giữ trong các chất khác, như protein trong gan và máu. “Nhưng nếu những protein chứa sắt này đầy, một lượng nhỏ sắt tự do sẽ đi vào máu”, tiến sỹ Das nói, “Điều này dẫn đến tổn thương tế bào, sẹo, các bộ phận trong cơ thể bị suy yếu, thậm chí là ung thư”.

Phần lớn giới khoa học cho rằng đây chỉ là vấn đề với những người mắc các rối loạn sắt nhất định. Nhưng 1 vài nhà khoa học hiện nay tin rằng tác hại của sắt tự do có thể xảy ra phổ biến hơn nhiều. Xác thực vấn đề này vẫn còn khá khó khăn do các xét nghiệm máu thông thường chỉ đo lượng sắt dự trữ, chứ không đo sắt tự do.

Douglas Kell, Giáo sư lĩnh vực phân tích sinh học thuộc trường Đại học Manchester, người đứng đầu bản đánh giá cho 2.000 nghiên cứu về sắt, xuất bản năm 2009, tin rằng sắt tự do có thể liên quan tới 1 số bệnh mãn tính. “Có 1 danh sách dài các loại bệnh, từ Alzheimer đến bệnh xơ cứng thành động mạch, liên quan tới gia tăng lượng sắt tự do trong cơ thể”, ông nói.

Rau quả giữ sắt trong tầm kiểm soát

Nằm trong danh sách của giáo sư Kell còn có bệnh viêm khớp mãn tính, là loại bệnh mà hệ thống miễn dịch tấn công các khớp. Các bệnh nhân tuy thường bị thiếu máu nhưng lại có lượng sắt tự do trong dịch khớp cao hơn nhiều so với bình thường. Sắt tự do cũng liên quan đến bệnh thoái hóa điểm vàng, nguyên nhân gây mù lòa ở người già, do 1 lượng lớn sắt tích tụ lại trong võng mạc theo tuổi.

Giáo sư Kell cũng tin rằng sắt tự do dư thừa có thể dẫn đến đến bệnh gút. Người ta cho rằng axit uric, tích tụ lại trong cơ thể và gây ra các cơn đau của bệnh gút, có thể do thặng dư sắt trong cơ thể - bởi axit uric bám vào sắt tự do.

Hình 4: Ăn thực phẩm màu xanh lá: Nhiều hợp chất trong thức ăn, như các chất chống oxy hóa trong rau quả là các chất hấp thụ sắt tự nhiên. Điều này có thể giải thích tại sao các chất chống oxy hóa trong trà xanh, quả việt quất… lại có lợi cho sức khỏe (Nguồn: Adrian Burke/Corbis)
Hình 4: Ăn thực phẩm màu xanh lá: Nhiều hợp chất trong thức ăn, như các chất chống oxy hóa trong rau quả là các chất hấp thụ sắt tự nhiên. Điều này có thể giải thích tại sao các chất chống oxy hóa trong trà xanh, quả việt quất… lại có lợi cho sức khỏe (Nguồn: Adrian Burke/Corbis)

Nhưng sắt tự do đến từ đâu? Một giả thuyết được đặt ra là do các viêm sưng trong cơ thể, bằng cách nào đó đã giải phóng sắt khỏi nơi dự trữ.

Để chữa trị, giáo sư Kell đề xuất 1 nhóm thuốc hấp thụ sắt, thường được dùng nhiều hơn trong điều trị cho các bệnh nhân hấp thụ quá nhiều sắt. Nhóm thuốc này bám vào sắt tự do và ngăn chúng khỏi các hoạt động phá hoại.

Chế độ ăn hợp lý cũng có thể giúp chữa bệnh. Nhiều hợp chất trong thức ăn, như các chất chống ôxy hóa trong rau quả là các chất hấp thụ sắt tự nhiên. Điều này có thể giải thích tại sao các chất chống oxy hóa trong trà xanh, quả việt quất… lại có lợi cho sức khỏe. Giáo sư Kell nói: “Nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe là những chất có khả năng bám sắt tự do”.

Có nên lo lắng về đơn thuốc sắt đang được kê?

Tiến sỹ Shovlin nhấn mạnh rằng không nên ngừng uống thuốc sắt được kê đơn bởi bác sỹ. “Rất nhiều người cần có thêm sắt”, bà nói.

Tuy nhiên, liều lượng tiêu chuẩn có thể đang nằm ở mức quá cao đối với 1 số người. “Có 1 số người, các bệnh nhân thận chẳng hạn, không thể hấp thụ sắt tốt, do đó họ được khuyên dùng các liều sắt cao. Tuy nhiên nhiều người được kê đơn bổ sung sắt, do sinh con hoặc ra máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt, gặp ít vấn đề hơn trong hấp thụ sắt nên có thể uống các liều sắt thấp hơn mà không vấn đề gì. Chúng ta nên tiến hành các thực nghiệm trên người khỏe mạnh để xem lượng sắt mà họ cần là bao nhiêu”, theo Tiến sỹ Shovlin.

Khi điều trị các bệnh nhân thiếu máu, Tiến sỹ Shovlin thường kê 1 liều vừa phải “nằm trong khoảng giữa 1 liều bổ trợ bình thường (14mg) và liều kê trên đơn thước thông thường (65mg)”.

Hình 5: Yêu cầu của bác sỹ: Không ai nên ngừng uống thuốc sắt được kê đơn bởi bác sỹ (Nguồn: Dailymail)
Hình 5: Yêu cầu của bác sỹ: Không ai nên ngừng uống thuốc sắt được kê đơn bởi bác sỹ (Nguồn: Dailymail)

Ăn thịt bò, không cần uống thuốc bổ trợ

Tiến sỹ Das thường tránh kê các liều thuốc bổ sung sắt vì với ông, điều quan trọng hơn cả là tìm ra nguyên nhân thiếu sắt. “Quan điểm cá nhân của tôi là, nếu người nào đó thiếu sắt, phương pháp điều trị tốt nhất là ăn thịt đỏ (1 miếng thịt bò hơn 200 gram chứa khoảng 6mg sắt) - tôi luôn cố gắng bằng cách này trước. Bởi vì loại sắt trong thịt đỏ, sắt haem, rất dễ hấp thụ bởi ruột”.

Hình 6 (Nguồn: Lew Robertson Corbis)
Hình 6 (Nguồn: Lew Robertson Corbis)

Mặc dù vậy, các nghiên cứu cho thấy nguồn cung cấp sắt của phần lớn dân số Anh là thực phẩm tăng cường như ngũ cốc và bánh mỳ. Loại sắt chứa trong thực phẩm tăng cường và thuốc bổ trợ, tuy nhiên, lại không dễ hấp thụ.

Tiến sỹ Das nói thêm rằng thực phẩm tăng cường là không thực sự cần thiết bởi chế độ ăn bình thường ở phương Tây vốn đã giàu chất sắt, kể cả với những người ăn chay.

Dù đồng ý rằng thịt đỏ là nguồn sắt tuyệt vời, Alison Clark đề nghị rằng mỗi người chỉ nên ăn 2-3 bữa/tuần, không nhiều hơn 500g mỗi tuần, vì ăn nhiều quá làm tăng nguy cơ ung thư. Các nguồn sắt tốt khác là đậu xanh, hạt đỗ mạch, hoa quả sấy khô và các rau lá xanh. Tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng không ai nên uống thuốc bổ sung sắt trước khi đi khám bác sỹ.

Phương Anh

Theo huffingtonpost