“Tự kỷ ám thị” tốt cho ai?

(Dân trí) - Những cuốn sách dạng “bí quyết thành công” có thể gây ra tình trạng “lợi bất cập hại” cho người đọc, các chuyên gia tâm lý học Canada nhân định.

“Tự kỷ ám thị” tốt cho ai? - 1


Một trong những nội dung mà nhiều cuốn sách bí quyết thường đưa ra là khuyên người đọc hãy tự tin vào bản thân bằng cách lẩm nhẩm trong đầu những câu mang tích chất tích cực như “Tôi sẽ thành công”.

 

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy những lời khuyên kiểu này sẽ chỉ làm giảm sự tự tin của những người thực hiện theo nó và kết cục là họ cảm thấy bản thân mình ngày càng tệ đi. Và thật kỳ lạ là các nhà nghiên cứu lại nhận thấy rằng việc lẩm nhẩm trong đầu những cụm từ tiêu cực lại mang lại lợi ích tích cực.

 

Trong nghiên cứu đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các tình nguyện viện nhắc lại câu: “Tôi là một người đáng yêu” và rồi tiến hành “đo” cảm xúc của họ. Đối với những người tự tin thì câu này góp phần làm tăng thêm tự tin, mặc dù là rất ít. Còn lại, những người kém tự tin vào bản thân mà đọc nhẩm câu này thì cảm xúc chỉ càng thêm tồi tệ so với những người kém tự tin nhưng không dùng phương pháp “tự kỷ ám thị”.

 

Trong nghiên cứu tiếp theo, các tình nguyện viên sẽ được yêu cầu liệt kê những suy nghĩ tiêu cực về bản thân nhưng theo hướng tích cực. Thật ngược đời là cảm xúc của những tình nguyện viên kém tự tin lại tốt hơn.

 

Các chuyên gia tâm lý cho rằng cách “tự kỷ ám thị” theo hướng tích cực nhưng không có cơ sở, chẳng hạn như: “Tôi hoàn toàn hài lòng với bản thân”, chỉ là cách “ru ngủ” tạm thời đối với những người kém tự tin và khi qua “cơn buồn ngủ” họ sẽ nhanh chóng nhận ra sự thật và càng thấy bi quan hơn. Kết quả là những suy nghĩ tích cực nhanh chóng bị “chôn vùi”.

 

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Tâm lý học (Psychological Science). Nghiên cứu do 3 tác giả người Canada là Joanne Wood và John Lee (ĐH Waterloo) và Elaine Perunovic (ĐH New Brunswick).

 

Phương Uyên

Theo DM