Từ bệnh hô hấp ra bệnh tim

Trong dân gian Việt Nam thường có câu: "Khớp nó đớp tim" chính là chỉ tình trạng bệnh van hai lá. Không như nhiều bệnh tim khác, bệnh van hai lá khá…“đỏng đảnh”: hẹp cũng không được, hở cũng không xong, vừa hẹp, vừa hở cũng gây sự.

 

Từ bệnh hô hấp ra bệnh tim - 1


 

Van tim... “đỏng đảnh”

 

Bệnh van hai lá đa phần có nguyên nhân từ thấp tim, xảy ra khi bệnh nhân còn trẻ. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh này trên thế giới xảy ra ở những nước nghèo và rơi vào người nghèo, sống trong những khu nhà ẩm thấp thiếu vệ sinh, dễ lây nhiễm các bệnh của vùng họng mũi và đường hô hấp do vi trùng Streptococus gây nên.

 

Bệnh đầu tiên về van tim hậu thấp phải kể đến là bệnh hẹp van hai lá. Đây là một căn bệnh về van tim hay gặp nhất, chiếm gần 60% các bệnh về van tim. Những triệu chứng cơ bản của bệnh đã được ghi nhận trong y văn là khó thở, đặc biệt khó thở khi nằm và kịch phát về đêm. Các triệu chứng này cũng xuất hiện khi bệnh nhân có thai hoặc bị rung nhĩ. Chính vì vậy ở những phụ nữ bị hẹp van hai lá chưa được điều trị triệt để, các thầy thuốc thường khuyên người bệnh không nên có thai. Có khoảng 50 - 80% các bệnh nhân bị hẹp van hai lá có xuất hiện những cơn rung nhĩ kịch phát hay mạn tính. Từ đó có thể gây ra phù phổi cấp và thúc đẩy nhanh quá trình suy tim làm cho bệnh nhân có thể tử vong, nếu không được cấp cứu kịp thời.

 

Hở van hai lá có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Đa phần là do bệnh thấp tim kết hợp với dày van và sự di động của lá van. Bệnh thường phối hợp với hẹp van hai lá gây nên tình trạng hẹp, hở van hai lá. Ở những nước đang phát triển như Việt Nam và ở những người nghèo thì nguyên nhân chính hiện nay vẫn là biến chứng của thấp tim.

 

Các triệu chứng chính của hở van hai lá cũng vẫn là những cơn đau ngực trái không điển hình, khó thở kèm theo mệt mỏi, có thể có cảm giác hồi hộp đánh trống ngực. Phần lớn bệnh nhân là nữ giới, gầy, có một số biến dạng nhẹ của lồng ngực.

 

Điều trị

 

Có ba mức độ hẹp của van tim: hẹp nhẹ, hẹp vừa và hẹp khít hai lá van. Để chẩn đoán chính xác, bệnh nhân cần được siêu âm tim. Có bốn mức độ hở van từ nhẹ tới nặng, phân theo cấp số từ 1/4 - 4/4. Ngoài ra, trong một số trường hợp khác hay trước khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể được đo áp lực động mạch phổi bằng thông tim. Đây là một xét nghiệm xâm lấn có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân, do đó chỉ làm khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ.

 

Lúc đó thầy thuốc sẽ thấy rõ hoạt động của van hai lá và tình trạng hẹp của nó. Bệnh hẹp van hai lá có thể có hoặc không có triệu chứng suốt đời. Hầu hết các trường hợp, trong một thời gian dài không có triệu chứng, sau đó sẽ làm hạn chế hoạt động thể lực. Sự xuất hiện tình trạng rung nhĩ thường làm cho suy tim trở nên nặng hơn.

 

Việc điều trị chủ yếu là chống suy tim bằng chế độ ăn hạn chế muối, nghỉ ngơi, nằm đầu cao khi ngủ, sử dụng thuốc chống suy tim, lợi tiểu… Nếu bệnh nhân bị hẹp van hai lá nặng thì cần phải can thiệp tạo hình tách lá van, tạo hình van hay thay toàn bộ van.

 

Việc tách van hai lá có thể thực hiện qua đường nội mạch không cần phải phẫu thuật. Còn tạo hình lá van hay thay van tim cần phải phẫu thuật với máy tim phổi nhân tạo. Tuy nhiên, nong van bằng bong bóng hay phẫu thuật đều rất đắt tiền, phần lớn bệnh nhân bị hẹp van hai lá do nghèo nên không thể tiếp cận với điều trị được, ngoại trừ có sự trợ giúp của xã hội hay của nhà nước qua hoạt động từ thiện hoặc bảo hiểm y tế.

 

Cách nào để phòng bệnh?

 

Do chi phí điều trị bệnh van tim rất cao, nên không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị triệt để. Đã có nhiều bệnh nhân tử vong do không được điều trị hay điều trị muộn, đến bệnh viện trong tình trạng đã quá nặng. Không thể trách cứ người bệnh khi mà phần lớn họ rất nghèo, không thể theo đuổi quá trình điều trị khá lâu dài và tốn kém. Vai trò của nhà nước, của các tổ chức xã hội trong hỗ trợ tài chính cho người bệnh điều trị tuy là một yêu cầu rất cấp thiết nhưng quan trọng hơn cả là việc phòng ngừa để bệnh đừng xảy ra, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

Bệnh hay xảy ra khi người bệnh sống trong môi trường ẩm thấp, thiếu vệ sinh… Do đó việc cải tạo môi trường sống, nâng cao chất lượng sống, tìm cách thoát nghèo là một yếu tố rất quan trọng. Nếu bệnh nhân đã bị bệnh thấp tim cần phải có chế độ khám định kỳ, uống hoặc tiêm kháng sinh liên tục cho đến năm 25 tuổi theo khuyến cáo của tổ chức Y tế thế giới.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam

SGTT