Bình Định:

Truy trách nhiệm vụ thai nhi 5,1kg tử vong trong lúc sinh

(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế Bình Định đã chỉ đạo Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn khẩn trương họp khoa sản và thành lập hội đồng chuyên môn để làm rõ, xử lý kỷ luật theo đúng quy định nếu xảy ra sai phạm trong vụ thai nhi 5,1 kg tử vong trong lúc sinh.

Cần làm rõ những bất thường, lạ

Trao đổi với PV Dân trí liên quan đến vụ việc trên, ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế Bình Định, cho biết đã nhận được công văn của Bộ Y tế đề nghị đơn vị đơn vị này báo cáo về sự việc của một thai nhi 5,1 kg tử vong trong lúc sinh tại Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn (gọi tắt là TTYT An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Truy trách nhiệm vụ thai nhi 5,1kg tử vong trong lúc sinh - 1
Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn, nơi xảy ra vụ việc đáng tiếc.

“Sở Y tế Bình Định đã yêu cầu họp khoa sản và hội đồng chuyên môn TTYT thị xã An Nhơn để phân tích thấu đáo về mặt chuyên môn. Đây cũng là ca liên quan đến chuyên ngành sâu nên hội đồng chuyên môn phải phân tích tại sao yếu tố khi siêu âm bà mẹ ban đầu trọng lượng thai chỉ 3,5 kg, thấp hơn nhiều với thực tế”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, trong siêu âm đánh giá trọng lượng thai nhi căn cứ vào một vài công thức, từ công thức đó bác sĩ tính toán, ước tính được trọng lượng thai nhi. Trong trường hợp này, bác sĩ đo đường kính lưỡng đỉnh để ước tính trọng lượng thai nhi.

“Thực ra, về mặt khoa học cái đó chỉ mang tính ước tính chứ không phải chính xác tuyệt đối. Các bác sĩ dựa vào các thông số đó để ước tính ra trọng lượng, nhưng trong trường hợp có những cái bất thường thì ước tính có thể không đúng”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, khi đo bề cao tử cung và số đo vòng bụng bà mẹ thì cũng cho ra con số tương đương, đó cũng là một cái lạ. Thực ra, ở trạm y tế người đẻ thường tại trạm, việc ước tính vào trọng lượng thai nhi cũng chỉ dựa vào thăm khám là điều rất khó. Trong khi đó, trường hợp này cũng khớp với siêu âm nên đây cũng là một điểm khó.

Ngoài ra, còn nhiều yếu tôi khác nữa cần phải xem xét vì sao thai nhi tới 5,1 kg rất lớn nhưng không phát hiện ra.

“Cần phải hỏi thêm bà mẹ từ lúc mang thai đến lúc sinh tăng bao nhiêu ký. Bình thường một bà mẹ trong một thai kỳ tăng 10,5 kg đến 11,5 kg, vì vậy với 1 thái lớn đến 5,1 kg sự tăng cân có bất thường không, bà mẹ có cảm nhận điều đó không, bởi thay vì tăng 12 kg mà tăng lên 14 hoặc 15 kg”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nói thêm, trong quá trình có thai 9 tháng, bà mẹ có đi khám thai tại trạm y tế hay cơ sở y tế nào đó và đã có thầy thuốc nào tiên lượng về việc đó chưa hoặc trước đó họ có siêu âm ngoài lần siêu âm gần nhất trước khi sinh”.

“Hiện nay, hầu hết các bà mẹ trong 9 tháng họ đi khám thai rất nhiều lần và siêu âm nhiều lần chứ không phải 1 lần. Tất cả các thông tin đó sẽ tập hợp lại để hình dung ra được trường hợp này như thế nào. Trường hợp này, thai to mà sa xuống thì TTYT An Nhơn buộc phải chuyển viện. Trong cái rủi vẫn còn cái may là chuyển viện sớm chứ không nguy hiểm cả tính mạng người mẹ”, ông Hùng nói.

“Không phải trường hợp nào cũng siêu âm”

Trao đổi về việc các sản phụ trước khi vào viện sinh có bắt buộc phải siêu âm, ông Hùng cho rằng việc siêu âm không phải tất cả các sản phụ khi vào viện bắt buộc. “Chuyện sinh đẻ người dân vẫn đến trạm y tế, nhưng trạm y tế thì không có siêu âm, thậm chí bà con ở miền núi có người vẫn đẻ tại nhà, do cô đỡ thôn bản đỡ đẻ. Ở đây, có 1 tình huống bà mẹ này vừa siêu âm, kết hợp với lâm sàng bình thường. Do vậy, câu chuyện có siêu âm trường hợp đối với sản phụ T.T.N.Y. hay không, điều này hội đồng chuyên môn cũng cần phải xem xét”, ông Hùng giải thích.  

“Trong trường hợp này, có một yếu tố cần phải xem xét tổng thể trên một người bệnh bao gồm tiền sử thai nghén, tiền sử khám thai, kết quả siêu âm trước khi đẻ, trong khi đẻ thì khám như thế nào, tiên lượng làm sao…”, ông Hùng nói thêm.

Đặt câu hỏi về việc đội ngũ y, bác sĩ có chủ quan, ông Hùng chia sẻ: “Chủ quan khác với cái khó trong một trường hợp này. Chủ quan có nghĩa bác sĩ biết sĩ biết mà không làm, còn đây ca khó là một cái khác, cái này phải họp hội đồng chuyên môn”.

Như Dân trí đã thông tin, ngày 23/3, gia đình đưa chị Trần Thị Ngọc Y. (33  tuổi, thôn Trung Lý, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn, Bình Định) đến Trung tâm Y tế thị xã An Nhơn để sinh. Tuy nhiên, đầu thai nhi lọt ra ngoài, còn từ vai trở xuống bị kẹt lại trong ổ bụng nhưng các y, bác sĩ vẫn không thể can thiệp được.

Trước tình huống xấu, chị Y. được chuyển đến khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định). Các bác sĩ đã lấy được thai nhi đã tử vong, nặng 5,1 kg ra ngoài. Còn chị Y được cấp cứu kịp thời nên xuất viện sau ít ngày.

Doãn Công