Trường hợp nào “kiêng” đặt vòng tránh thai?

Dụng cụ tử cung (hay thường gọi vòng tránh thai) là một trong những biện pháp tránh thai hiện đại được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể áp dụng phương pháp này, nhất là khi bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục…

 

Trường hợp nào “kiêng” đặt vòng tránh thai?  - 1


Hiệu quả ngừa thai có thể đạt 99%

 

Dụng cụ tử cung (DCTC) là một thanh kim loại nhỏ, thường có hình chữ T, được đặt vào buồng tử cung ở thời điểm thích hợp (hay vào những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt, do bác sĩ hoặc nữ hộ sinh được đào tạo chuyên nghiệp). Sự hiện diện của DCTC làm thay đổi môi trường tử cung, nhờ đó ngăn chặn việc có thai. Hiệu quả ngừa thai có thể đạt 99% nếu được đặt đúng chỗ, và không bị xê dịch vị trí trong thời gian sử dụng.

 

Năm 1909, Richter là người đầu tiên sáng chế ra DCTC bằng chỉ tơ tằm và sau đó bằng dây kim loại nhưng ít được sử dụng vì gây viêm nhiễm. Hơn 20 năm sau, Graienberg (Đức) và Orta (Nhật) cải tiến DCTC thành các loại ít tai biến hơn. Từ đó, các loại DCTC hình xoắn, hình chữ S, hình móc, bằng kim loại hoặc chất dẻo, đã được sản xuất và áp dụng.

 

Ngày nay, ước tính trên thế giới có trên 90 triệu phụ nữ sử dụng DCTC. Ở Việt Nam, DCTC là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất. Một dụng cụ tử cung có thời hạn sử dụng từ 3 đến 5 năm tùy loại, có 1 đến 3 trường hợp có thai xảy ra trong một năm ở 100 phụ nữ sử dụng phương pháp này.

 

Giống như các nội tiết tránh thai, DCTC đã có nhiều cải tiến kể từ những năm 1960, với sự ra đời của vòng tránh thai chứa đồng hoặc chứa nội tiết phóng thích chậm. DCTC có tỷ lệ thất bại trong năm đầu thấp nhất là TCu 380A, với tỷ lệ có thai trong 10 năm ở 100 phụ nữ sử dụng là 2,8.

 

“Ưu” đó nhưng không phải “thập toàn”

 

Nhược điểm lớn nhất của vòng tránh thai là nguy cơ viêm vùng chậu, hiếm muộn, thai ngoài tử cung và tụt vòng. Theo những nghiên cứu gần đây, với việc sử dụng các DCTC hiện đại, thao tác vô trùng, nguy cơ viêm vùng chậu là rất thấp (nếu đặt DCTC đúng kỹ thuật, tỷ lệ tụt vòng trong 6 tháng đầu chỉ khoảng 3%), chủ yếu xảy ra ở những phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc đang mắc các bệnh này ở thời điểm đặt DCTC. Điều này sẽ được giảm thiểu nhờ việc sàng lọc đối tượng thích hợp. Mặc dù DCTC có tác dụng tốt để ngăn cản thai trong tử cung, nhưng nếu một người đang đặt DCTC mà mang thai thì khả năng thai ngoài tử cung sẽ cao hơn so với người không áp dụng biện pháp tránh thai nào.

 

DCTC phóng thích levonorgestrel có những ưu điểm rõ rệt, như làm giảm lượng máu mất khi hành kinh, giảm đau bụng kinh, giảm xuất hiện và phát triển u xơ tử cung - một hiệu quả có được nhờ tác dụng của progesterone, giảm nguy cơ viêm vùng chậu và thai ngoài tử cung. Tuy nhiên, sự hiện diện của progesterone cũng sẽ gây ra những tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, đau vú, rậm lông, mụn trứng cá, tăng tỷ lệ xuất hiện các nang chức năng của buồng trứng, rong huyết kéo dài, vô kinh, thiểu kinh (tương tự như tác dụng phụ của que cấy tránh thai).

 

Những trường hợp chống chỉ định

 

Phương pháp dùng DCTC không được sử dụng ở những phụ nữ có tiền căn viêm nhiễm vùng chậu, thai ngoài tử cung.

 

Dưới đây là những trường hợp chống chỉ định sử dụng vòng tránh thai cần lưu ý:

 

- Có thai hoặc nghi ngờ có thai.

- Sau phá thai nhiễm trùng.

- Đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây.

- Viêm cổ tử cung mủ nhầy.

- Bệnh lý ác tính đường sinh dục.

- Dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung.

- Lao vùng chậu.

- Xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị.

- Đối với DCTC phóng thích nội tiết, chống chỉ định trong trường hợp ung thư vú.

 

Theo Quỳnh Hương

Phụ nữ online