Trường học nào cho trẻ tự kỷ?
(Dân trí) - Có lẽ chỉ mới vài năm gần đây, xã hội Việt Nam mới xuất hiện cụm từ “trẻ tự kỷ” (TTK). Nhưng đến nay, số lượng trẻ được phát hiện bị tự kỷ ngày càng đông, nỗ lực tìm trường cho con học của nhiều phụ huynh gần như trở thành vô vọng.
Trẻ tự kỷ cần sự quan tâm đặc biệt
Phụ huynh khó tìm trường
Tại hội thảo “Trường học nào cho trẻ tự kỷ” tại TPHCM, chị Nguyễn Thị Trâm Anh, phụ huynh một TTK chia sẻ: “Từ tháng 2/2008, tôi đã tìm đến rất nhiều trường mẫu giáo để gửi con mình, nhưng hầu hết các trường không chịu nhận vì tính khí khó chịu của con tôi, không cô giáo nào giữ được”.
Chị kể trong nước mắt: “Phát hiện con mình bị tự kỷ, tôi càng nỗ lực tìm kiếm trường cho con. Sau khi thất vọng vì biết mình không thể tìm một trường công cho con học, tôi chuyển sang tìm trường tư thục. Nhưng mất mấy tháng trời tìm kiếm, tôi mới tìm được một trường mẫu giáo chuyên biệt dạy dỗ con mình ở quận 10. Cháu học một thời gian thì có tiến bộ. Tôi thực sự không biết làm sao giúp cháu nếu không tìm được trường này”.
Cũng đồng cảnh với chị Trâm Anh, hàng trăm phụ huynh cũng lâm vào tình cảnh như chị. Ít ai có thể nghỉ ở nhà chăm sóc con cả ngày. Mong ước lớn nhất là giúp con mình có thể sinh hoạt như một đứa trẻ bình thường, biết vui đùa, ăn ngủ, học tập…
Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết: “Tự kỷ là một khiếm khuyết thần kinh kéo dài suốt đời mà nguyên nhân chưa được xác định. Muốn giúp trẻ tốt nhất cần có liệu pháp can thiệp sớm. Muốn vậy, gia đình phải sớm nhận biết trẻ có dấu hiệu tự kỷ và đem trẻ đi khám. Nếu phát hiện trẻ bị tự kỷ, phải phối hợp cùng bệnh viện - nhà trường để dạy dỗ trẻ”.
Bác sĩ Thanh cũng cho biết là số lượng TTK trên địa bàn TP ngày càng tăng cao. Nếu năm 2004, số TTK được phát hiện tại bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ là 23 em thì đến năm 2008 số trẻ được phát hiện có bệnh lên đến 425 trẻ, năm 2009 là 326 trẻ. Đó là chưa kể hàng ngàn trẻ khác không được gia đình quan tâm, đem đi thăm khám hay thăm khám tại các cơ sở y tế khác.
Chính vì tình hình TTK tăng cao, trong khi khiếm khuyết này còn rất mới tại Việt Nam, số trường chuyên biệt chăm sóc TTK chưa nhiều nên dẫn đến tình trạng phụ huynh khó tìm trường như trên.
Trường khó tìm giáo viên
Không chỉ phụ huynh TTK khó mà cả các nhà giáo dục tâm huyết với TTK cũng gặp khó. Các chủ cơ sở dạy TTK tham dự hội thảo đều chung một nỗi lo là quá khó tìm nguồn giáo viên dạy TTK vì nước ra chưa có chuyên ngành giáo dục này. Đa số các trường đều nhận sinh viên tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt của trường Sư phạm về đào tạo thêm để giảng dạy. Nhưng số lượng này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Tham dự hội thảo, giảng viên khoa Giáo dục đặc biệt của hai trường Đại học Sư phạm TPHCM và Cao đẳng Sư phạm TƯ - TPHCM là TS Nguyễn Thị Kim Anh và ông Đào Xuân Trường đều thừa nhận thực trạng này.
Ông Đào Xuân Trường cho biết: “Chuyên ngành Giáo dục đặc biệt đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật nói chung chỉ được phát triển gần đây. Hiện cả nước mới chỉ có 7 cơ sở đào tạo chuyên ngành này. Mỗi năm có 200 giáo viên ra trường, tính từ năm 2003”.
Đó là chưa kể lượng giáo viên chia đều cho ba ngành chuyên sâu là khiếm thính, khiếm thị và chậm phát triển trí tuệ. Chỉ có giáo viên chuyên ngành chậm phát triển trí tuệ mới được học về TTK. Mà điều đáng nói hơn, kiến thức về TTK được học ở nhà trường quá ít. Theo giáo trình bậc Đại học thì chỉ có 3/210 đơn vị học trình (tức là 45 tiết), giáo trình bậc cao đẳng thì chỉ có 2/105 đơn vị học trình (tức là 30 tiết).
TS Kim Anh cho rằng: “Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy trẻ khuyết tật chưa được đào tạo, bồi dưỡng đủ về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu đi học ngày càng tăng của trẻ có nhu cầu đặc biệt nói chung và TTK nói riêng”.
Đó là một thực trạng dù không muốn nhưng các nhà giáo dục đều phải chập nhận. TS Kim Anh cho rằng: “Chúng tôi bị hạn chế bởi chương trình khung của Bộ Giáo dục”. Ông Đào Xuân Trường thì cho biết: “Chương trình đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt còn rất nhiều học phần khác phải giảng dạy”.
Chính vì thực trạng trên, các phụ huynh, nhà giáo dục tại hội thảo đều mong muốn nhà nước quan tâm hơn đến TTK, có những nghiên cứu sâu hơn để đề ra những giải pháp xây dựng cơ sở giáo dục TTK phát triển, hòa nhập xã hội.
Tùng Nguyên