Trước khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung cần biết những điều này
(Dân trí) - Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung chủ yếu là do virus HPV.
Vì sao phải tiêm phòng ung thư cổ tử cung?
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có tới khoảng 250.000 ca tử vong, chiếm tỉ lệ 50%.
Tại Việt Nam, chỉ trong một ngày đã có 14 ca mắc mới ung thư cổ tử cung và trong số đó có 7 người tử vong.
Bệnh thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài, từ 5-20 năm, dấu hiệu không đặc trưng nên dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến ung thư cổ tử cung chủ yếu là do virus HPV. Trong khi đó tỉ lệ nhiễm virus HPV ở phụ nữ là rất cao, có đến 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV một lần trong đời. Tỉ lệ này cao nhất ở độ tuổi từ 20-30 tuổi, ở vào khoảng 20-25%.
Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hiện nay vẫn chưa cho phương pháp đặc trị ung thư cổ tử cung, bệnh chỉ có thể phòng ngừa bằng cách tiêm phòng vaccine ngừa virus HPV. Vì vậy, tiêm phòng ung thư cổ tử cung là phương pháp dễ dàng và hiệu quả nhất, để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Đối tượng nào nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung?
Các chuyên gia khuyến cáo độ tuổi thích hợp nhất để tiêm phòng ung thư cổ tử cung là từ 9 đến 26 tuổi. Nên tiêm vaccine trước khi quan hệ tình dục lần đầu tiên để có hiệu quả cao nhất. Tuy nhiên, phụ nữ đã có gia đình, đã quan hệ tình dục hoặc quá độ tuổi vẫn có thể tiêm phòng ung thư cổ tử cung.
Các đối tượng sau đây không nên tiêm phòng ung thư cổ tử cung:
- Những người nhạy cảm với bất cứ thành phần nào của vaccine.
- Người bệnh đang bị sốt cao, nhiễm trùng ở cấp độ vừa hoặc nặng. Nên điều trị dứt điểm rồi mới bắt đầu tiêm vaccine.
- Người bị giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu.
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người đã nhiễm virus HPV.
Những lưu ý khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung
Trước khi tiến hành tiêm phòng ung thư cổ tử cung, bạn nên chú ý những vấn đề sau:
- Nên đi khám sức khỏe tổng quát để chắc chắn mình không bị nhiễm bất kỳ chủng virus HPV nào.
- Không được tiêm bất kỳ loại vaccine nào khác trong thời gian một tháng trước khi tiêm vaccine ung thư cổ tử cung.
- Không sử dụng bất kỳ loại thuốc có tác dụng ức chế khả năng miễn dịch nào, nếu có thì cần báo trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để xin tư vấn.
- Có thể thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trước khi tiêm.
Sau khi tiêm bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
- Vết tiêm thường sẽ hơi sưng và bị đỏ khá lâu, có thể đau tại vị trí tiêm nếu cử động mạnh.
- Một số người bị phát ban, nổi mẩn ngứa sau khi tiêm khoảng vài giờ đồng hồ. Tuy nhiên các triệu chứng này là hoàn toàn bình thường nếu chúng giảm dần và tự biến mất.
- Nên ngồi nghỉ ngơi tại khu vực tiêm phòng từ 25 - 30 phút để bác sĩ tiện theo dõi. Sau thời gian này nếu thấy không có gì bất thường thì có thể ra về và sinh hoạt như bình thường.