Đà Nẵng:

Trung tâm Cấp cứu mới: Bác sĩ “ế”, người dân la ó

(Dân trí) - Từ khi Trung tâm cấp cứu chuyển đến địa điểm mới thì số lượng bệnh nhân cấp cứu giảm hẳn vì quãng đường xa hơn so với địa chỉ cũ. Mỗi khi người dân gọi cấp cứu, xe của Trung tâm thường đến muộn và bị người dân la ó...

Hiện nay, TP Đà Nẵng có một Trung tâm cấp cứu 115 (TTCC) và 4 trạm vệ tinh đặt ở 4 quận, huyện là Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hòa Vang và Sơn Trà (mới hoạt động từ tháng 6/2012).

Trước đây, TTCC 115 Đà Nẵng có trụ sở tại 126 Hải Phòng (bên cạnh Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) hoạt động rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân mỗi khi gọi cấp cứu. Địa chỉ này được xem là nơi phục vụ nhân dân 3 quận trung tâm là Hải Châu, Thanh Khê và một phần quận Sơn Trà.

Tuy nhiên, ngày 25/5/2012, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến có công văn chỉ đạo việc di dời và tháo dỡ TTCC tại địa chỉ 126 Hải Phòng chuyển đến cơ sở mới tại phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu).
Cấp cứu bị “ế” vì chuyển đi xa bệnh viện
Từ khi chuyển trụ sở mới đến phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), TTCC Đà Nẵng hoạt động không mấy hiệu quả do quãng đường xa và gặp nhiều trở ngại
 
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó giám đốc TTCC Đà Nẵng cho biết, từ khi di dời trụ sở TTCC về đây chúng tôi hoạt động rất khó khăn. Trước đây TTCC đóng ở đường Hải Phòng gần Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, mỗi khi người dân 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Sơn Trà gọi cấp cứu thì chỉ khoảng 5 phút là xe cấp cứu tới nơi nhưng bây giờ chuyển cách xa trụ sở cũ gần 10km, lại phải băng qua đường sắt ở ngã ba Huế, mỗi khi có tàu tới phải chờ nên nhiều vụ xe cấp cứu chúng tôi tới nơi mất từ 15-20 phút, thậm chí 25 phút. Nếu không dừng chờ tàu hỏa thì nhanh nhất cũng phải 10 phút mới tới chỗ cấp cứu. Trong lúc đó, người nhà bệnh nhân không hiểu không những la ó mà còn dọa đánh các y bác sỹ vì xe cấp cứu tới muộn.

Theo thống kê của TTCC, từ khi chuyển đến trụ sở mới (từ ngày 5/6) thì số lượng bệnh nhân cần cấp cứu giảm hẳn. Trước đây, số ca cấp cứu bị TNGT đạt tỉ lệ 86% có bệnh, nay còn 53%; cấp cứu cho bệnh nhân từ 83% có bệnh nay còn 56%.

Bác sĩ Hồng cho biết, có nhiều trường hợp vì chờ xe cấp cứu tới lâu quá nên người dân gọi taxi để chuyển bệnh nhân. Điều này rất nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân vì xe taxi không được trang thiết bị cấp cứu. Như trường hợp bị siêu hô hấp cần phải thở ôxy kịp thời trước khi đưa đến bệnh viện, nếu xe cấp cứu đến muộn mà người nhà gọi taxi thì nguy cơ bệnh nhân tử vong cao.

Mới đây 13/7 vừa qua, có trường hợp 4 công nhân bị thương nặng trong khi thi công nhà ở đường Thái Thị Bôi (quận Thanh Khê), khi TTCC nhận được điện thoại yêu cầu cấp cứu lúc 7 giờ 50 phút, xe cấp cứu chạy từ TTCC ở Hòa Minh đến ngã ba Huế bị chặn lại vì chờ tàu hỏa đi qua mất khoảng gần 20 phút. Người dân thấy xe cấp cứu tới trễ thì phản ứng vì không hiểu.
 
Một căn phòng dự định làm khu lưu bệnh cấp cứu nhưng hiện nay bỏ không ở TTCC Đà Nẵng
Một căn phòng dự định làm khu lưu bệnh cấp cứu nhưng hiện nay bỏ không ở TTCC Đà Nẵng

Bác sĩ Hồng cho rằng, việc di dời TTCC ra xa Bệnh viên, xa trung tâm thành phố không những gây lãng phí vì chi phí nhiên liệu tăng cao mà hiệu quả phục vụ, bảo vệ sức khỏe cho người bệnh không chu đáo và kịp thời. Trong lúc đó, Đà Nẵng là địa phương chủ trương không thu tiền của người dân tất cả các hoạt động cấp cứu nên tỷ lệ người dân gọi cấp cứu tới TTCC rất nhiều.

Mặc khác, trước đây khi còn ở địa chỉ 126 đường Hải Phòng, 1 ca cấp cứu chỉ tốn khoảng 1 lít xăng, nay tăng lên 3 lít. Nhiều khi chạy đến nơi thì bệnh nhân đã được đưa đi bằng phương tiện khác vì họ chờ lâu.

Theo thống kê, mỗi ngày có khoảng 50 cuộc gọi yêu cầu được cấp cứu, ngày cao điểm có khoảng 70 cuộc gọi, trong đó đa số ca cấp cứu đều được chở tới Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. “Trước đây, xe cấp cứu quay vòng nhanh, hiệu quả hoạt động cao. Còn khi lên đây, xe đi nhận bệnh rồi quay về cũng lâu. Theo tôi, nên chuyển TTCC về lại trung tâm thành phố để người dân nhận được dịch vụ cấp cứu nhanh nhất”, bác sĩ Hồng nói.

Hiện tại TTCC Đà Nẵng có 10 đầu xe, trong đó 4 trạm ở 4 quận huyện Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Sơn Trà và Hòa Vang mỗi trạm có 1 xe, còn lại ở trung tâm 6 xe. Khi 1 xe ở các quận huyện đi cấp cứu mà phát sinh thêm 1 ca khác thì xe ở trung tâm tăng cường đến với đoạn đường khá xa thì hiệu quả cấp cứu không cao.

Ngoài ra, nếu đặt TTCC ở xa Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng thì vô tình để cho xe cấp cứu giả có cơ hội tái hoạt động, “chặt chém” người nhà bệnh nhân gây bức xúc cho người dân như thời gian vừa qua báo chí đã phản ánh về tình trạng này.

 Công Bính

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm