Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng kêu cứu

(Dân trí) - Dù được xây dựng một trụ sở hiện đại, khang trang nhưng hoạt động không hiệu quả nên gần như bỏ hoang do xa trung tâm thành phố. Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng lại phải mượn tạm một cơ sở khác nhưng chật chội, ộp ẹp.

Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng mới được khánh thành vào tháng 4/2010 tại đường Thanh Tịnh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) có diện tích gần 10.000m2, trong đó diện tích sử dụng là 2.000m2. Phần đất còn lại dự kiến được dùng vào việc mở rộng trung tâm trong tương lai.

Trung tâm có đầy đủ các phòng chức năng và 20 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu cấp cứu tại chỗ.

Trụ sở chính của Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng khang trang nhưng gần như không hoạt động 
Trụ sở chính của Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng khang trang nhưng gần như không hoạt động 


Sau khi được khánh thành, địa điểm này là nơi đặt tổng đài cấp cứu 115 và là trụ sở làm việc chính của các cán bộ, nhân viên. Tuy nhiên, mới chỉ hoạt động được mấy tháng, trụ sở mới đã nảy sinh quá nhiều trở ngại cho công tác cấp cứu.

Bà Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng cho biết: Một trong những bất cập lớn nhất đó là Trung tâm được xây dựng quá xa trung tâm thành phố và Bệnh viện Đà Nẵng (nơi tiếp nhận lượng bệnh nhân lớn). Bên cạnh đó, đoạn đường này phải đi ngang qua đường tàu, nên mỗi lần gặp tàu phải chờ tàu nên xe cấp cứu phải mất khá nhiều thời gian. Có bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim tại đường Ông Ích Khiêm đã tử vong vì xe cấp cứu đến chậm. Từ đó hoạt động cấp cứu gặp nhiều chậm trễ khiến người dân bức xúc, nhiều trường hợp gây tổn hại sức khoẻ bệnh nhân khi cấp cứu không kịp thời.

Trung tâm 
Trung tâm có đầy đủ các phòng chức năng và 20 giường bệnh

Trước tình cảnh này, lãnh đạo của Trung tâm đã xin được bố trí một địa điểm nhằm đặt thêm trụ sở làm việc để thuận tiện hơn cho hoạt động cấp cứu. UBND TP Đà Nẵng đã bố trí cho Trung tâm mượn tạm khối nhà làm việc có diện tích khoảng 72m2 của Khoa Lây (Bệnh viện Đà Nẵng) trên đường Quang Trung. Bộ phận tổng đài 115 cùng các nhân viên trực đã chuyển hẳn về địa chỉ này nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu cấp cứu tại các quận trung tâm gồm Hải Châu và Thanh Khê.

Hiện cơ ngơi hiện đại và hoành tráng tại đường Thanh Tịnh chỉ được dùng cho một việc duy nhất đó hoạt động hành chính. Toà nhà mới xây của Trung tâm cấp cứu gần như bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Nhân viên trực thì chỉ một vài người bởi không còn tổng đài trực cấp cứu đặt ở đây nữa.

Trong khi trung tâm mới xây dựng bỏ hoang thì họat động cấp cứu lại gặp nhiều trở ngại vì cơ sở tạm quá chật chội. Khối nhà được bố trí tạm có diện tích nhỏ nên không đủ chỗ nhân viên làm việc.

Trong khi đó, cơ sở tạm của Trung tâm trên đường Trung Quang (gần Bệnh viện Đà Nẵng) lại chật chội

Trong khi đó, cơ sở tạm của Trung tâm trên đường Trung Quang (gần Bệnh viện Đà Nẵng) lại chật chội

“Không có phòng làm việc riêng. Không có chỗ để nhân viên nghỉ trưa nên cả nam và nữ đều phải nghỉ chung phòng. Bên cạnh đó, trụ sở tạm này cũng không có chỗ để đậu xe cấp cứu. Trung tâm có tổng cộng 10 chiếc, thì có 4 chiếc đặt ở trụ sở tạm này và các chiếc còn lại bố trí ở các trạm vệ tinh tại các quận, huyện. Hầu hết các xe ở đây đều phải để phơi mưa, phơi nắng ngoài đường. Nhiều lúc dụng cụ y tế cũng không được bảo quản tốt. Xe cấp cứu không có chỗ rửa chuyên dụng mà phải rửa ngay ngoài đường gây mất vệ sinh, dễ lây lan dịch bệnh vào mùa cao điểm. Đó là chưa kể bên cạnh “trung tâm tạm” có cả nhà xác, khu chứa rác thải của bệnh viện…”, bà Thảo than phiền.

Trước tình hình trên, Trung tâm cấp cứu Đà Nẵng đã đưa tờ trình lên UBND TP Đà Nẵng nhằm xin cấp một diện tích nhỏ khoảng 200m2 đất, nằm ở trung tâm thành phố và gần Bệnh viện Đà Nẵng để hoạt động cấp cứu được thuận lợi hơn. Theo lãnh đạo Trung tâm, chỉ cần quỹ đất vừa phải, đủ chỗ làm việc, nghỉ ngơi, đậu xe và xử lý xe chở bệnh dịch là quá đủ.

Khánh Hồng