1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trung Quốc: Rúng động sau 8 tử vong do vắc xin viêm gan B

(Dân trí) - Truyền thông và cư dân mạng ở Trung quốc đang lên tiếng đòi hành động sau cái chết của ít nhất là 7 em bé xảy ra từ tháng 11 đến nay sau tiêm vắc xin viêm gan B ở nước này.

Trung Quốc: Dư luận rúng động sau những ca tử vong do vắc xin viêm gan B

 

Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm Trung Quốc đã đình chỉ việc sử dụng vắc xin có liên quan, được sản xuất bởi công ty BioKangtai, và tiến hành điều tra vụ việc.

 

Hơn 44 triệu liều vắc xin đang còn trong kho hoặc đã được bán cho 27 tỉnh và khu vực trên khắp Trung Quốc.

 

Em bé thứ 8 tử vong sau khi được tiêm vắc xin do một công ty khác sản xuất.

 

Vắc xin viêm gan B là một trong số 10 loại vắc xin bắt buộc và miễn phí cho đại đa số trẻ em ở Trung Quốc. Vắc xin được tiêm trong vòng 24 giờ sau sinh và tiêm nhắc lại khi trẻ được 1 tháng và 6 tháng tuổi.

 

Cho đến nay chưa có xét nghiệm nào cho thấy việc tiêm vắc xin gây ra cái chết ở trẻ, nhưng các vụ việc xảy ra sau một loạt những vụ bê vối vế thực phẩm và an toàn y tế trong những năm gần đây, phần lớn là do sự giám sát lỏng lẻo và tham nhũng cùng với thiếu chế tài luật, càng làm dấy lên nỗi lo ngại của dư luận.

 

“Vắc xin chết người” là chủ đề “nóng” thứ hai trên mạng xã hội của Trung Quốc mấy ngày qua - chỉ sau chủ đề lễ Giáng sinh - với phần lớn các ý kiến đều bày tỏ sự lo ngại và giận dữ với việc quản lý chất lượng sản phẩm.

 

“Tôi đã rất run khi đưa con gái đi tiêm vắc xin hôm nay, vì sợ rằng tai nạn như với vắc xin viêm gan B sẽ xảy ra với con. Không có gì là an toàn trong thế giới này”, một người dân chia sẻ trên mạng.

 

Tờ Thời báo Hoàn cầu của chính phủ đã kêu gọi các cơ quan chức năng phải kiên quyết xử lý vụ việc này và trừng phạt những người có trách nhiệm.

 

“Lúc này, các cơ quan chức năng cần phản ứng nhanh chóng với những lo ngại và nghi ngờ của cộng đồng, tiến hành điều tra tỉ mỉ, trừng phạt nghiêm khắc những người có trách nhiệm và nắm lấy cơ hội để quản lý tốt hơn toàn bộ ngành này.

 

Trung Quốc đã từng có những báo cáo không rõ ràng về nhiều vấn đề y tế. Nước này đã bị cáo buộc là che dấu vụ dịch SARS năm 2003 khiến hàng trăm người trên thế giới thiệt mạng, tuy nhiên gần đây Trung Quốc được Tổ chức Y tế Thế giới tuyên dương vì sự cởi mở trong vấn đề cúm gia cầm.

 

Năm 2008, đã có 6 trẻ bị chết và hàng trăm trẻ khác bị bệnh trong scandal sữa công thức nhiễm độc.

Tháng 3 năm 2010, có những tin tức cho biết 4 trẻ chết và 70 trẻ khác bị bệnh tại tỉnh Quảng Tây sau tiêm chủng, khiến dư luận lo ngại, mặc dù sau đó các cơ quan chức năng phủ nhận việc tiêm vắc xin gây tử vong.

 

Năm 2007, Trung Quốc đã tử hình Trịnh Tiêu Du, cựu cục trưởng Cục Quản lý Thuốc và Thực phẩm của nước này, do nhận hối lộ 850.000 đô la để cấp phép cho hàng trăm thuốc, một số trong đó sau này bị phát hiện là nguy hiểm.

 

Cẩm Tú

Theo Channelnewsasia