Trực quan quá trình tàn phá lá phổi của khói thuốc lá

(Dân trí) - Dưới tác động của thuốc lá, hai bộ phận chính của phổi là phế quản và các phế nang sẽ dần bị tổn thương, dẫn đến các bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh lý khiến chúng ta rất khó khăn trong việc hít thở, thậm chí nhiều trường hợp buộc phải đeo ống dẫn khí để duy trì chức năng hô hấp.

Trực quan quá trình tàn phá lá phổi của khói thuốc lá

Việc hút thuốc gây ảnh hưởng lớn nhất đến hai bộ phận chính của lá phổi đó là hệ thống ống dẫn khí: Phế quản và các túi khí nhỏ: Phế nang. Mỗi khi hít thở, không khí sẽ đi qua một đường ống lớn tên là Khí quản, sau đó được phân tách và dẫn vào sâu trong phổi thông qua phế quản và điểm đến cuối cùng chính là hàng trăm triệu phế nang nhỏ li ti, đây cũng chính là nơi O2 từ không khí được thẩm thấu vào hệ thống mạch máu, ngược lại CO2 từ mạch máu cũng được trả ngược trở lại phổi.

Trực quan quá trình tàn phá lá phổi của khói thuốc lá - 1

Trên bề mặt của phế quản được phủ bởi một lớp lông. Các sợi lông này liên tục làm nhiệm vụ loại bỏ chất độc hại ra khỏi phổi. Việc hút thuốc sẽ ngay lập tức gây kích ứng thành phế quản, khiến nó sưng lên và bắt đầu tạo dịch nhầy. Dưới tác động này, các sợi lông trên thành phế quản cũng hoạt động chậm lại, khiến khói thuốc và chất nhầy ở lại trong phổi thay vì được loại bỏ.

Trực quan quá trình tàn phá lá phổi của khói thuốc lá - 2

Khi chúng ta đi ngủ, một bộ phận lông phế nang được phục hồi giúp đẩy nhanh quá trình loại bỏ dịch nhầy cũng như các chất gây ô nhiễm ra khỏi phổi. Chính vì điều này mà sau khi thức giấc, người hút thuốc thường bị ho, đây là cách để cơ thể đẩy hết dịch nhầy được loại ra khỏi phổi trong lúc ngủ và dồn lại ở khí quản.

Nếu việc hút thuốc được lặp đi lặp lại, bệnh viêm phế quản mãn tính sẽ phát sinh, bởi các lông phế quản ngừng hoạt động dẫn đến việc hệ thống dẫn khí trong phổi sẽ đầy những vết sẹo và dịch nhầy. Việc hô hấp lúc này của người hút thuốc sẽ diễn ra khó khăn, cùng với đó phổi sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao mắc các bệnh nặng hơn.

Đối với các phế nang, khói thuốc sẽ gây tổn thương cơ quan này theo cách khiến việc trao đổi O2 và CO2 với mạch máu trở nên khó khăn hơn. Theo thời gian, ngày càng có ít O2 có thể tiếp cận được với máu, lúc này người hút thuốc có thể phải đối mặt với căn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, đây là tình trạng bệnh lý khiến bạn buộc phải hô hấp thật mạnh để có đủ oxy vào cơ thể, thậm chí nhiều trường hợp phải đeo cả ống dẫn oxy ở mũi thì mới có thể thở được.

Viêm phế quản và phổi tắc nghẽn mãn tính đều là các căn bệnh gây nên sự suy giảm dần khả năng hít thở và không có biện pháp chữa trị. Đương nhiên, bên cạnh hai căn bệnh mãn tính này, hút thuốc lá còn gây nên nhiều tình trạng bệnh lý khác, đặc biệt đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi.

Qua phân tích cho thấy, trong khói thuốc lá chứa trên 7000 hóa chất, trong đó có 43 hoá chất là nguyên nhân gây ung thư, nguy hiểm nhất là chất hắc ín, Nicotin, chất gây nghiện... Ngoài ra, trong khói thuốc lá còn có nhiều chất kích thích khối u, kích thích gây viêm nhiễm đường hô hấp, gây tổn thương trong lòng mạch máu.

90% trong số hơn 600.000 người mắc ung thư phổi hàng năm trên thế giới do hút thuốc lá. Hút thuốc còn là nguyên nhân của 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tại Việt Nam, gần 97% bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá.

Chỉ với một hơi thuốc hít vào phổi, hàng trăm chất độc trong khói thuốc bắt đầu tấn công gây hại cho lá phổi. Khói thuốc lá làm giảm chức năng phổi và khó thở do phù nề đường thở và tích tụ chất nhầy trong phổi. Đặc biệt, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 22 lần trong đời, so với những người không hút thuốc.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, tính trung bình cứ mỗi giờ có gần 5 người chết vì thuốc lá.

Minh Nhật

Theo Nucleus Medical Media