Kiến thức giới tính:

Trở ngại chức năng sinh dục nữ

(Dân trí) - Trở chức năng sinh dục ở nữ có ba loại: lãnh cảm, đau đớn khi giao hợp và âm đạo co giật. Trong đó, lãnh cảm và không có khoái cảm là bệnh khá phổ biến ở phụ nữ mà nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý.

Theo số liệu thống kê của các nhà khoa học Mỹ, khoảng 35% phụ nữ có thái độ lãnh cảm, không ham muốn tình dục. 5% phụ nữ có chồng chưa từng trải qua khoái cảm giao hợp, 10% phụ nữ có chồng hầu như không thích thú gì với việc giao hợp.

 

1. Lãnh cảm tình dục

 

Biểu hiện:

 

- Không ham muốn, thậm chí cự tuyệt và căm ghét sinh hoạt tình dục.

 

- Có ham muốn, không cự tuyệt nhưng không thể đạt tới khoái cảm.

 

- Ít khoái cảm nên chẳng thích thú gì với sinh hoạt tình dục.

 

Ba tình huống trên đều quy về chỗ không thể hoặc rất khó đạt tới khoái cảm. Trên lâm sàng, thường chia ra 4 loại không có khoái cảm:

 

- Trong bất cứ điều kiện nào, nữ cũng không thấy khoái cảm.

 

- Trong một số điều kiện nhất định, có thể thấy khoái cảm.

 

- Trong các kiểu sinh hoạt tình dục đều có thể thấy khoái cảm nhưng không thường xuyên.

 

- Từng có khoái cảm nhưng nay không còn thấy khoái cảm nữa.

 

Nguyên nhân:

 

- Do yếu tố tinh thần (chiếm tuyệt đại đa số). Ví dụ lúc trẻ bị giáo dục sai về tình dục, cho rằng giao hợp là dâm đãng, bần tiện, không trong sạch, dẫn đến bị ức chế tình dục. Hoặc do vợ chồng bất hoà khiến ác cảm với hành vi tình dục. Hoặc sợ bị đau đớn khi giao hợp, hoặc sợ phải mang thai và sinh đẻ.

 

- Do sinh hoạt tình dục không hoà hợp: giai đoạn chuẩn bị trước khi giao hợp quá sơ sài dẫn đến không có khoái cảm giao hợp; hoặc xương hố chậu bị viêm, gây đau đớn khi giao hợp.

 

- Do cơ thể có bệnh: hầu như hết thảy những người có bệnh mạn tính đều bị ức chế về tình dục. Vì nó ảnh hưởng tới hệ thần kinh, hệ nội tiết, làm giảm mức độ kích thích tố tình dục trong máu.

 

Điều trị:

 

Đông y cho rằng loại bệnh này liên quan tới gan, thận, tim, tì. Nếu tâm và tì bị tổn thương, không có nguồn sinh hoá, thì tâm không có ham muốn; hoặc tâm trạng buồn chán, can khí uất kết, sẽ không có ham muốn. Hoặc chân dương của thận bất túc cũng vậy. Phải xét căn nguyên mà luận trị.

 

Theo sách “Châm cứu Trung Hoa” có thể chữa các triệu chứng trên bằng cách dùng kim châm cứu các huyệt Thận Du, Thần Môn, Tam Âm Giao, Trung Cực, Quan Nguyên, Túc Tam Lý. Ngoài ra có thể trị liệu bằng thuốc tây theo chỉ dẫn của bác sĩ.

 

2. Đau đớn khi giao hợp

 

Khi giao hợp, trong và ngoài âm đạo hoặc bụng dưới bị đau. Cũng có khi cơn đau còn kéo dài vài giờ hoặc vài ngày sau khi giao hợp. Người bị bệnh này sẽ căng thẳng tinh thần, sợ giao hợp nên không còn khoái cảm, lâu dần sẽ làm cho quan hệ vợ chồng nhạt nhẽo.

 

Nguyên nhân:

 

- Do yếu tố tinh thần, cơ chế phát sinh chủ yếu là vấn đề tình cảm hưng phấn không đủ, nên lúc giao hợp không trơn tru.

 

- Do yếu tố khí chất, ví dụ viêm âm đạo mạn tính, viêm ngoài âm đạo, hoặc ngoài âm đạo bị thương tổn, màng trinh rách gây xuất huyết cục bộ, viêm sưng... Đang trong tình huống đó mà giao hợp ắt sẽ đau đớn.

 

Cách phòng trị:

 

Trước khi kết hôn, nam nữ có một số hiểu biết về tình dục. Sau khi kết hôn, vợ chồng yêu kính lẫn nhau thì mỗi lần giao hợp không nhất thiết đạt tới khoái cảm, song cũng ít dẫn tới đau đớn.

 

Trước khi giao hợp phải tiến hành chuẩn bị, kích thích ham muốn của vợ, lúc vợ hưng phấn tới mức độ nhất định, âm đạo tiết ra đủ chất nhờn mới giao hợp, sẽ giảm việc xuất hiện tình trạng đau đớn. Nếu do nguyên nhân khí chất, thì xác định đúng căn bệnh để trị liệu.

           

3. Âm đạo co giật khi giao hợp

 

Trước hoặc trong khi giao hợp, các cơ xung quanh âm đạo bị giật liên tục. Nếu không chữa trị, nam không thể đưa dương vật vào âm đạo.

           

Bệnh này phần lớn do yếu tố tinh thần, ít trường hợp do yếu tố khí chất. Ví dụ, bệnh hay phát sinh vào thời kỳ tân hôn: vợ thì căng thẳng lo sợ, chồng lại quá thô bạo khi hành sự. Một vài trường hợp là do màng trinh của vợ quá dày hoặc âm đạo bị viêm.

 

Biết trước về hiện tượng âm đạo co giật sẽ rất có lợi, nhất là nếu có phát sinh vào giai đoạn tân hôn thì không phải chữa trị gì hết, chỉ cần giải trừ sự lo nghĩ sợ sệt là khỏi. Cá biệt nếu không đỡ, thì có thể dùng thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ.

           

Thu Hoài - Phúc Lưu